Hội thảo khoa học quốc tế: Đổi mới giáo dục tại Việt Nam và khu vực châu Á, chia sẻ kinh nghiệm và các bài học thực tiễn

Thứ hai - 04/07/2016 13:16 594 0
Ngày 29/06/2016, 13 nhà nghiên cứu đại diện Viện Nghiên cứu Giáo dục quốc tế đã tham dự Hội thảo" Đổi mới giáo dục tại Việt Nam và khu vực châu Á, chia sẻ kinh nghiệm và các bài học thực tiễn", nằm trong khuôn khổ dự án Xây dựng năng lực qua phát triển chuyên môn và hợp tác nghiên cứu trong việc thực hiện đổi mới Giáo dục của Việt Nam và Vương quốc Anh.
Hội thảo khoa học quốc tế: Đổi mới giáo dục tại Việt Nam và khu vực châu Á, chia sẻ kinh nghiệm và các bài học thực tiễn
Tham dự Hội thảo có Phó Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Xuân Thành; Đại diện trường ĐH Glasgow Clive Dimmock cùng nhiều nhà nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước. Hội thảo nhằm công bố và phổ biến kết quả nghiên cứu sau một thời gian thực hiện, chia sẻ các kinh nghiệm và các bài học thực tiễn trong đổi mới giáo dục, nêu lên cơ hội hợp tác, học hỏi và trao dổi mạng lưới nghiên cứu về giáo dục – đào tạo giữa Việt Nam – Anh Quốc cũng như các nước trong khu vực và thế giới.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Lê Kim Long – Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục khẳng định: “Đổi mới giáo dục Việt Nam đã và đang mang lại niềm tin và sự chuyển động không chỉ của ngành giáo dục mà của toàn đất nước. Đổi mới ảnh hưởng đến học sinh, giáo viên, phụ huynh và lãnh đạo các địa phương. Đổi mới mang lại nhiều điều thuận cho người dạy, nhiều điều lợi cho người học và thách thức cho các nhà quản lý. Đổi mới mang lại những điều chưa từng có trong giáo dục Việt Nam như thay đổi quản lý và phương thức quản lý, cách học, mục tiêu học tập, thay đổi mục đích, phương tiện học tập. Người học được háo hức, người dạy được hăm hở”.

Các vấn đề về đổi mới giáo dục ở Việt Nam và kinh nghiệm đổi mới giáo dục ở một số nước Châu Á được các chuyên gia trình bày tại Hội thảo với 02 phiên làm việc.

Phiên 1 – Đổi mới giáo dục Việt Nam với những báo cáo: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông – kết quả ban đầu và những nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới – GS.TS Trần Công Phong; Một số vấn đề đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông -  PGS.TS Nguyễn Xuân Thành; Kết quả thực hiện dự án nghiên cứu do Hội đồng Anh và ĐH Glasgow hỗ trợ - triển vọng và thách thức – GS. Clive Dimmock, PGS.TS Lê Kim Long; đại biểu thảo luận.

Phiên 2 – Kinh nghiệm từ các nước Châu Á với những nội dung: Kinh nghiệm đổi mới giáo dục thành công ở Singapore – GS. Gopinathan; Kinh nghiệm và các bài học thành công từ đổi mới giáo dục ở Trung Quốc và Thượng Hải – TS. Qian Haiyan; Lãnh đạo trường học – Đòn bẩy để đổi mới thành công trường học ở Châu Á - GS. Clive Dimmock ; Quan điểm về cải tiến và đổi mới: những tương đồng và khác biệt trong khu vực và trên toàn cầu -  GS. Chris Chapman; đại biểu thảo luận.

Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho rằng, trong quá trình đổi mới giáo dục, Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận, vận dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, tiên tiến nhất trên thế giới nhưng câu hỏi cần được trả lời là “vì sao việc áp dụng vẫn chưa đạt mục tiêu mong muốn về chất lượng?”. Chúng ta có vận dụng phương pháp kỹ thuật, hình thức giáo dục mới nhưng dường như tất cả các nhà trường lại thường đặt mục tiêu “chiếm lĩnh trang sách” nhiều hơn ứng dụng thực tế. Mục tiêu về thành tích, điểm số dẫn đến hệ quả, thời gian dành cho đào tạo khả năng ứng dụng chưa được chú trọng, có áp dụng kỹ thuật mới nhưng chưa vận dụng thì kỹ năng kém, dẫn đến năng lực kém.Vậy điều gì làm cho giáo viên không vận dụng được các phương pháp giảng dạy, kỹ thuật giảng dạy, công nghệ mới vào các tiết học hàng ngày một cách thường xuyên? Liệu có phải vì chương trình nặng về kiến thức và “ngốn” quá nhiều thời gian? “Nặng” ở đây là nặng do cách sắp xếp và cách chuyển tải.

“Chúng ta đã trang bị cho giáo viên về phương pháp dạy học hiện đại, kỹ thuật dạy học tích cực nhưng thực tế các giáo viên áp dụng sử dụng chưa nhiều… Chỉ khi nào thao giảng, thi giáo viên giỏi, dự giờ… thì giáo viên mới áp dụng các phương pháp giảng dạy mới, còn bình thường thì gần như không áp dụng”.

Theo góc nhìn của GS. Clive Dimmock, để hướng đến một nền giáo dục tiên tiến hơn, Việt Nam cần hướng đến chương trình theo định hướng phát triển mới.

Thứ nhất, chủ trương phát triển năng lực học sinh cần chú ý, tập trung vào những kỹ năng quan trọng, kỹ năng chính làm thế nào để học sinh có thể học được ngoài kiến thức có thể áp dụng thực tế. Đó là một trong những những điểm mang tính chất hiện đại mà giáo dục Việt Nam đang hướng theo.

Thứ hai, trong công tác quản lý, phải làm thế nào để hệ thống phân quyền tốt hơn trong đó hệ thống phân quyền được hiểu là trao cho nhà trường các quyền tự chủ nhiều hơn để phát triển chương trình giáo dục nhà trường, giáo viên có quyền nhiều hơn trong việc sử dụng sách giáo khoa theo cách chủ động nhất của giáo viên.

Thứ ba, công tác liên quan đến việc xây dựng năng lực quản lý của hiệu trưởng, của lãnh đạo các cấp, lãnh đạo ngành giáo dục hết sức quan trọng. Đó là 3 vấn đề cần thay đổi trong thời gian tới. Ông cho rằng, lãnh đạo trường học là nhân tố quyết định sự đổi mới thành công giáo dục tại Châu Á.

Phát triển hệ thống giáo dục quốc gia là việc chuyển đổi ưu tiên chính sách, từ sự tiếp cận với nhà trường đến sự chú trọng vào học tập và tính công bằng. “Hàng loạt những đổi mới này sẽ tạo ra một hình thức mới trong việc ra quyết định tổng thể và phân bổ quyền lãnh đạo, đặc biệt là việc tự chủ trường học hay quản lý trường học” – GS. Dimmock nhấn mạnh.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận các lĩnh vực như: nâng cao chất lượng dạy và học, chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy trong nhà trường, tập trung vào kỹ năng phát triển trong chuyên môn; các phương pháp dạy tổng hợp; trong đó các chương trình học cần năng động, linh hoạt với những kiến thức thực hành có thể ứng dụng trong thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của từng học sinh; phát triển chuyên môn chất lượng cao; đào tạo giáo viên với những kỹ năng mới. Phát triển những nhân tố cần thiết nhằm đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy, đồng thời giúp thực hiện việc tự quản dễ dàng hơn đối với cả giáo viên và học sinh...

Tác giả bài viết: Minh Trang

Nguồn tin: Viện Nghiên cứu Giáo dục quốc tế

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây