Sự hình thành và phát triển

Viện Nghiên cứu Giáo dục quốc tế kể từ khi được thành lập năm 2003 đến nay đã có lịch sử hình thành và phát triển liên tục gần 20 năm. Trong khoảng thời gian gần hai thập kỷ ấy, Viện đã có bước trưởng thành và phát triển về mọi mặt, có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cũng như sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ nước nhà nói chung, sự nghiệp phát triển khoa học giáo dục nói riêng. Quá trình hình thành, phát triển của Viện Nghiên cứu Giáo dục quốc tế có thể chia thành 3 thời kỳ, tương ứng với các giai đoạn phát triển của nền giáo dục Việt Nam.

1. Thời kỳ hình thành, bước đầu xây dựng và phát triển (2003-2006)
Ngày 28/05/2003, Ban Chấp hành Trung ương Hội nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á - Việt Nam ra quyết định thành lập Viện Nghiên cứu Giáo dục quốc tế là cơ quan trực thuộc Trung ương Hội nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á - Việt Nam, với mục tiêu nghiên cứu, đánh giá, thông tin, định hướng giáo dục trong và ngoài nước.Theo mục tiêu được Trung ương Hội đề ra, Viện Nghiên cứu Giáo dục quốc tế được ra đời nhằm đáp ứng một số yêu cầu như sau:

- Nghiên cứu, đánh giá, giới thiệu xu hướng giáo dục mới trên toàn thế giới, nghiên cứu các phương pháp học ngoại ngữ thích hợp với người Việt Nam và ứng dụng các phương pháp phiên dịch, biên dịch.
- Nghiên cứu lý luận giáo dục và truyền thông về khoa học và công nghệ, ảnh hưởng của văn hóa, nghệ thuật, thể thao trong sự hình thành đạo đức, nhân cách của con người trong sự phát triển của kinh tế thị trường.
- Thông tin tư vấn, chuyển giao công nghệ, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, tuyên truyền, phổ biến tri thức khoa học, tổ chức các hội nghị hội thảo khoa học trong các lĩnh vực nghiên cứu nêu trên.
- Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ.

2. Thời kỳ trưởng thành, phục vụ nhiệm vụ chiến lược về cải cách và đổi mới giáo dục (2007-2017)
Cải cách giáo dục ở Việt Nam là các thay đổi lớn trong hệ thống giáo dục phổ thông và đại học tại Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, bao gồm những thay đổi liên quan tới chương trình giáo dục, nội dung sách giáo khoa, phương pháp dạy học, cách thức thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học. Trong suốt 10 năm tích lũy kinh nghiệm và tri thức, Viện nghiên cứu đã hoàn thành tốt các chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về giáo dục; cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước và các Cơ quan ban ngành trong việc hoạch định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững trong lĩnh vực giáo dục của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện tư vấn các chính sách phát triển giáo dục; bổ khuyết các phương hướng đào tạo sau đại học về khoa học xã hội nói riêng và các ngành khoa học nói chung; cũng như tham gia phát triển tiềm lực khoa học giáo dục của cả nước.

3. Thời kỳ phát triển, hội nhập quốc tế, với mục tiêu đưa giáo dục phát triển trong xã hội Công nghiệp 4.0 (2017-nay)
Hưởng ứng Chỉ thị về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Công nghiệp 4.0) mà Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành ngày 04 tháng 05 năm 2017, Viện Nghiên cứu Giáo dục quốc tế đã tổ chức cuộc họp toàn Viện, đi đến thống nhất việc đẩy mạnh phát triển hơn nữa các yếu tố hội nhập quốc tế, với mục tiêu đưa giáo dục phát triển trong xã hội Công nghiệp 4.0. Ban lãnh đạo Viện một lần nữa khẳng định nhiệm vụ của Viện trong giai đoạn mới là thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng, triển khai giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong chương trình giáo dục phổ thông; Nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường giáo dục những kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với những yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Để đạt được nhiệm vụ đó, Ban lãnh đạo Viện hoàn toàn đồng ý với các giải pháp đươc đưa ra: Thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới, trong đó cần tập trung vào thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), ngoại ngữ, tin học trong chương trình giáo dục phổ thông; đẩy mạnh tự chủ đại học, dạy nghề; thí điểm quy định về đào tạo nghề, đào tạo đại học đối với một số ngành đặc thù. Biến thách thức dân số cùng giá trị dân số vàng thành lợi thế trong hội nhập và phân công lao động quốc tế.

Như vậy, trong suốt gần 20 năm hoạt động, Viện nghiên cứu đã hoàn thành tốt các chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về giáo dục mà Ban Chấp hành Trung ương Hội nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á - Việt Nam đã đề ra, cũng như phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu, giảng dạy, hợp tác giáo dục, đạt được những thành tích không nhỏ trong sự nghiệp giáo dục nước nhà. Ngày 28 tháng 05 năm 2018, nhân kỷ niệm 15 năm thành lập, Viện Nghiên cứu Giáo dục quốc tế đã vinh dự đón các vị lãnh đạo của Hội nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á - Việt Nam, các Viện nghiên cứu, Viện Đại học trong và ngoài nước đến thăm và tham dự lễ kỷ niệm, trao tặng kỷ niệm chương, cũng như gửi gắm những lời động viên, lời chúc vô cùng ý nghĩa đối với tập thể các nhà khoa học và cán bộ đang công tác tại Viện.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây