Đồng chí Phan Thanh Bình cho rằng: sự đột phá về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực đã mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội song vẫn còn những thách thức cho giáo dục Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng lần thứ 4.
Bản chất của nền giáo dục E4.0 theo Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - ĐHQGHN Nguyễn Quý Thanh là sự ứng dụng các qui trình, giải pháp, sản phẩm, kết quả của nền công nghiệp 4.0 một cách hệ thống, khoa học phù hợp với những đặc thù của lĩnh vực giáo dục. Muốn có sự thay đổi đáp ứng cuộc CMCN lần thứ 4, trước hết cần thay đổi trong quan điểm chỉ đạo, đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Viện Nghiên cứu Giáo dục quốc tế cũng đưa ra ý kiến, cần mở rộng phạm vi bao phủ của giáo dục đào tạo, việc đọc hiểu ngôn ngữ số cần phải được đưa vào ngay từ bậc THCS. Giáo dục từ xa, Blended learning và đào tạo trực tuyến sẽ trở thành công cụ chủ đạo của đào tạo nhân lực.
Bà Đỗ Thùy Dương – đại biểu nhân dân thành phố Hà Nội, phụ trách mảng Giáo dục với những trăn trở trong việc tháo gỡ rào cản, trao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm cho Hiệu trưởng, cách đánh giá hiệu quả quản trị chất lượng giáo dục, xây dựng văn hóa giáo dục trong trường học, trường học hạnh phúc. Hay vấn đề vai trò của phụ huynh trong việc kết hợp với nhà trường.
Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội GS.TS Nguyễn Văn Minh, cho rằng có 02 vấn đề đặt ra cần giải quyết. (1) Cuộc cách mạng này ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam như thế nào?. (2) Tác động của công nghệ 4.0 đến ngành nghề, năng xuất lao động, trình độ lao động như thế nào?. Từ đó, nhận diện thách thức, năng lực đáp ứng trong tương lai, thách thức trong chuyển đổi nghề nghiệp. Việc đặt ra tư duy liên ngành, xuyên ngành, tư duy hệ thống, yêu cầu hội nhập và học tập suốt đời là vấn đề cốt lõi.
Theo các đại biểu, để xây dựng được một môi trường giáo dục, đào tạo và công nghệ 4.0 các nhà khoa học và cơ quan thực thi chính sách cần nhanh chóng nhập cuộc và phân tích kỹ bối cảnh, thời cơ và thách thức. Đổi mới giáo dục, theo các đại biểu cần xác định rõ vai trò và trách nhiệm của 03 chủ thể: nhà nước, nhà trường và gia đình; Cùng với đó là rà soát và xây dựng kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng giáo viên; Lấy đánh giá là đột phá (đánh giá độc lập, đánh giá quá trình).
Tọa đàm “Giáo dục, đào tạo và công nghệ 4.0” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức diễn ra thành công và hiệu quả, các ý kiến thảo luận và xây dựng của đại biểu được Ban tổ chức ghi nhận và đánh giá rất cao. Thay mặt Ban tổ chức, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cảm ơn sự tham gia và đóng góp của các đại biểu, các chuyên gia, các nhà khoa học.