Hội thảo Quốc tế: Giáo dục cho mọi người

Thứ hai - 24/09/2018 10:28 1.696 0
Ngày 21/09, Viện Nghiên cứu Giáo dục đã cử đoàn cán bộ tới tham dự Hội thảo Quốc tế Giáo dục cho mọi người (Education for All) do Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Giáo dục Quốc gia Hàn Quốc đã đồng phối hợp tổ chức.
Hội thảo Quốc tế: Giáo dục cho mọi người
Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích trao đổi học thuật và công bố những kết quả nghiên cứu mới trong giáo dục về các vấn đề lý thuyết, thực hành, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra những ý tưởng mới cho sự phát triển giáo dục.

GS.TS Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục nhấn mạnh, sự bùng nổ và phát triển về CNTT nói chung và khoa học công nghệ nói riêng đã thúc đẩy sự phát triển của tất cả các ngành nghề trong xã hội. Việc dạy và học cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Phát triển xã hội nhất thiết phải đi liền với cải cách phương pháp dạy học theo hướng vận dụng công nghệ thông tin và các thiết bị dạy học hiện đại nhằm phát huy tính tích cực chủ động của người học. Một trong những phương thức để nâng cao chất lượng đào tạo là cải tiến chất lượng học của từng cá nhân bằng biện pháp sử dụng công nghệ trong dạy học, giúp mở rộng trải nghiệm học tập nhờ xóa bỏ các bức tường lớp học, cho phép tương tác và kết nối rộng rãi để có môi trường học tập phong phú hơn. GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho rằng, Hội thảo quốc tế này là tiền đề quan trọng cho việc cùng nhau nỗ lực đưa giáo dục tới tất cả mọi người, gia tăng cơ hội gặp gỡ, giao lưu và học hỏi kinh nghiệm giữa hai bên.

Phát biểu của người đại diện cao nhất đến từ Trường ĐH Giáo dục Quốc gia Hàn Quốc - GS. Hee-Chan Lew chia sẻ với hội thảo những bước chuyển  mình quan trọng và sự thay đổi của giáo dục Hàn Quốc trong thời đại nền công nghiệp 4.0. Những thay đổi này kéo dài hàng trăm năm cho đến nay vẫn không ngừng phát triển cùng với xu thế 4.0 diễn ra trên toàn cầu. Việc phát triển sách giáo khoa toán học thông minh để phát triển tính tương tác trong lớp học của học sinh được Giáo sư giới thiệu như là một trong những chương trình nằm trong xu thế đó. Ông mong muốn hai bên tiếp tục triển khai và mở rộng hợp tác các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên, nghiên cứu khoa học, đề tài nghiên cứu lớn và tạo lập mạng lưới các nhà khoa học giữa hai nước.

Hội thảo “Education for All” đã thu hút nhiều báo cáo của các nhà khoa học trong và ngoài nước với 13 báo cáo trong 2 phiên toàn thể (diễn ra vào buổi sáng và buổi chiều) và 51 bài viết được đăng trong kỷ yếu hội thảo của các tác và đồng tác giả. Các nhà khoa học đã cùng nhau bàn thảo, chia sẻ và trao đổi các vấn đề thực tiễn, kinh nghiệm và các hướng nghiên cứu mới. Trong đó 04 lĩnh vực của giáo dục được tập trung:
  1. Vai trò và ảnh hưởng của trường học thông minh,
  2. Nghiên cứu bài học trong học tập cộng đồng,
  3. Giáo dục hòa nhập,
  4. Lãnh đạo và quản lý.
Xin được trích lược nguyên văn tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (1984) thay cho lời kết của Hội thảo về tinh thần, trách nhiệm và tâm huyết của các nhà khoa học vẫn luôn nỗ lực mang giáo dục tới mọi người ”mọi người đều có quyền được giáo dục. Giáo dục miễn phí, tối thiểu ở bậc sơ cấp và cơ bản. Giáo dục tiểu học là điều bắt buộc. Giáo dục chuyên môn và chuyên nghiệp sẽ được phổ biến rộng rãi và giáo dục đại học sẽ được tiếp cận bình đẳng cho tất cả mọi người”.

Tác giả bài viết: Chí Thanh

Nguồn tin: Viện Nghiên cứu Giáo dục quốc tế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây