Thị phạm giáo dục với Đại học Chiba – Nhật Bản

Thứ ba - 13/03/2018 10:18 768 0
Ngày 10/03/2018, đoàn giảng viên và sinh viên đến từ Đại học Chiba (Nhật Bản) đã có những hoạt động trao đổi học thuật với Viện Nghiên cứu Giáo dục quốc tế, nổi bật trong đó là buổi thị phạm do chính những sinh viên chủ trì. Trong chuyến sang Việt Nam lần này, đoàn trường Đại học Chiba gồm có 07 sinh viên do Giáo sư Koji Tsuji làm trưởng đoàn.
Thị phạm giáo dục với Đại học Chiba – Nhật Bản
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục quốc tế đã có buổi đón tiếp và làm việc với Đoàn. Viện trưởng hy vọng, những lợi ích mà chương trình trao đổi sinh viên mang lại trong nhiều năm qua sẽ nối dài quan hệ hợp tác và phát triển giữa Viện Nghiên cứu và Trường Đại học Chiba trong lĩnh vực đào tạo giáo viên và chiến lược phát triển giáo dục.

Được biết, trước khi tới làm việc cùng Viện Nghiên cứu Giáo dục quốc tế, sáng ngày 02/3 và sáng 06/3, đoàn sinh viên của ĐH Chiba đã tới thăm và có tiết thực tập giảng dạy đầu tiên tại trường THPT KHGD và trường PTLC Olympia. Nhóm sinh viên ĐH Chiba được chia thành 02 nhóm, mỗi nhóm chuẩn bị và tiến hành thực hành dạy học với chủ đề “DNA extraction from your mouth” (Tách chiết DNA từ miệng). Giờ học này được xây dựng theo mô hình dạy học trải nghiệm sáng tạo, với nội dung tích hợp các vấn đề thực tiễn của đời sống, văn hóa và khoa học. Đối tượng học sinh để các sinh viên ĐH Chiba thực tập giảng dạy là các học sinh THCS và THPT được lựa chọn từ các trường: THPT Khoa học giáo dục, PTLC Olympia, THPT Chuyên Ngoại ngữ - ĐHQGHN, Tiểu học Công nghệ giáo dục.

Các sinh viên ĐH Chiba đã mang tới cho các bạn học sinh Việt Nam một giờ học thú vị về DNA. Học sinh được tự mình thực hành cách tách chiết DNA từ những dụng cụ đơn giản để tìm ra “CODE” của riêng mình. Việc lựa chọn những nội dung dạy học vừa có tính khoa học lại vừa gắn liền với cuộc sống đã giúp học sinh cảm thấy hứng thú và sẵn sàng nhập cuộc với giờ học. Không những vậy, việc tổ chức hoạt động dạy học bám sát vào quá trình tự khám phá, tự tiến hành thí nghiệm cũng góp phần giúp cho người học chủ động hơn và trở thành trung tâm của chính việc học của mình. Cách triển khai giờ dạy và tổ chức hoạt động dạy học này cũng là một trải nghiệm hấp dẫn, rất đáng học hỏi dành cho các giáo sinh của ĐH Giáo dục có mặt tại giờ dự.

Tác giả bài viết: Bảo Linh

Nguồn tin: Viện Nghiên cứu Giáo dục quốc tế

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây