Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV Nguyễn Văn Kim khẳng định, những thành tựu của công nghệ thông tin và truyền thông ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo đã góp phần quan trọng trong việc tạo ra những cơ hội học tập và nghiên cứu, giúp nâng tầm tri thức cho cộng đồng.
Phát triển nguồn học liệu phục vụ công tác đào tạo trong trường đại học là yêu cầu cấp thiết đặt ra với bất kỳ trường đại học nào. Có thể khẳng định, học liệu ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong trường đại học cũng như có mối quan hệ chặt chẽ với giảng viên, sinh viên. “Là một quốc gia đang phát triển, đối với Việt Nam, học liệu mở càng mang ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt. Đây sẽ là nguồn tài nguyên học thuật rất quý giá, hỗ trợ đắc lực hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, giúp giải quyết căn bản khó khăn về học liệu đại học từ nhiều năm nay” – Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho rằng, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, sự phát triển của cơ sở dữ liệu mở phục vụ cho giáo dục là cần thiết và góp phần khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh việc bình đẳng trong tiếp cận thông tin.
Bên cạnh đó, đối với nghiên cứu và cá nhân nhà khoa học, phát triển tài nguyên giáo dục mở là phương tiện đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao tri thức cũng như công bố các kết quả nghiên cứu với toàn xã hội.
Theo Phó Giám đốc, hội thảo là diễn đàn để mỗi cá nhân nhà khoa học, chuyên gia đề xuất các chính sách xây dựng và phát triển tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam cũng như đề xuất các chính sách khuyến khích, đầu tư, đảm bảo hành lang pháp lý cho việc thúc đẩy nguồn học liệu này.
Tham dự hội thảo, các học giả, nhà khoa học đã trình bày báo cáo khảo sát cũng như đề xuất một số chính sách và tổ chức thực hiện việc phát triển tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học Việt Nam.
Theo báo cáo, hiện nay, mức độ tích cực của việc sử dụng tài nguyên giáo dục mở cho mục đích đào tạo và học tập là khá cao. Giảng viên, sinh viên đã khai thác tài nguyên giáo dục mở như một trong những nguồn học liệu quan trọng. Tuy nhiên, giảng viên, sinh viên còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình sử dụng tài nguyên giáo dục mở như: thiếu phần mềm chuyên dụng, thiếu thông tin xác định nguồn tài nguyên mở tin cậy…
Để phát triển tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam, các đại biểu cho rằng, cần xây dựng chương trình quốc gia về tài nguyên giáo dục mở, giúp tạo lập nền tảng cơ bản về hạ tầng công nghệ và nguồn dữ liệu ban đầu, trên cơ sở đó các trường đại học sẽ bổ sung và phát triển tài nguyên giáo dục mở quốc gia.
Đồng thời, các đại biểu cũng thống nhất cần có sự chỉ đạo và hướng dẫn của các cơ quan hữu quan để triển khai áp dụng hệ thống giấy phép CC (Creative Commons) tại Việt Nam. Cùng với đó là việc xây dựng bộ công cụ hướng dẫn tạo lập, sử dụng và chia sẻ tài nguyên giáo dục mở như cẩm nang cho tất cả các tổ chức và cá nhân muốn tham gia phát triển nguồn tài nguyên này, cũng như xây dựng cổng thông tin quốc gia về tài nguyên giáo dục mở bao gồm các nguồn trong nước và quốc tế.
Trong khuôn khổ hội thảo, 26 tổ chức là các tổ chức quốc tế (wikiHow), các thư viện đại học, các trường đại học, các trung các hội nghề nghiệp, công ty công nghệ cùng nhau ký bản ghi nhớ cùng nhau thúc đẩy Tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam.