STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng liên quan đến (các lĩnh vực) khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học - theo cách tiếp cận liên môn (interdisciplinary) và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Thay vì dạy bốn môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế.
Có thể nói, giáo dục STEM không hướng đến mục tiêu đào tạo để học sinh trở thành những nhà toán học, nhà khoa học, kỹ sư hay những kỹ thuật viên mà chủ yếu là trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng để làm việc và phát triển trong thế giới công nghệ hiện đại ngày nay.
Giáo dục STEM tạo ra những con người có thể đáp ứng được yêu cầu công việc của thế kỷ 21, đáp ứng sự phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia và có thể tác động tích cực đến sự thay đổi của nền kinh tế tri thức trong bối cảnh toàn cầu hóa. STEM được đánh giá là mô hình giáo dục diện rộng trong tương lai gần của thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khái niệm về giáo dục STEM còn mới mẻ và từ năm học 2015-2016 mới được Bộ GD-ĐT thí điểm đưa vào giảng dạy ở 15 trường phổ thông ở 5 tỉnh phía Bắc.
Để trả lời cho câu hỏi thế nào là giáo dục STEM, báo cáo viên và các cộng sự đã yêu cầu người tham dự thành lập các nhóm để thực hiện bài tập thực hành bằng cách tạo ra sản phẩm bằng những nguyên liệu có sẵn. Tức là được trải nghiệm như một học sinh khi tham gia chương trình giáo dục STEM.
Viện Nghiên cứu Giáo dục quốc tế đã tham gia với ý kiến cơ bản về vấn đề giáo dục STEM đưa cuộc sống thực vào môi trường lớp học, đó là môi trường tích cực, nơi mà học sinh được tin tưởng và tôn trọng, được coi như những công dân thực thụ và được trải nghiệm thực tế, được quyền thất bại để có những kinh nghiệm thực tiễn.
Hội thảo cũng nhận được nhiều trao đổi, thảo luận về Chương trình Giáo dục STEM, những gợi ý áp dụng vào thực tiễn dạy học tại trường đại học cho phù hợp thực tiễn Việt Nam, ...Những câu hỏi vừa là sự gợi mở và cũng là sự bắt đầu cho những trăn trở của người tham dự, để có thể nắm bắt và thay đổi.
Hy vọng rằng sau Hội thảo các giảng viên của Trường ĐHSP Hà Nội 2 sẽ khai thác được những điểm mạnh của Giáo dục STEM trong dạy học, để tạo ra đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành giáo dục.