INSTITUTE FOR INTERNATIONAL EDUCATION RESEARCH (IIER)
Du học sinh Lào, Campuchia tự tin có việc làm tốt sau khi học tại Việt Nam
Thứ sáu - 03/03/2023 13:192950
Du học sinh Lào, Campuchia sang Việt Nam du học nghề được thầy cô chia nhau "đỡ đầu". Những học sinh này khi về nước thường được các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng tại quê nhà.
Du học sinh nước bạn học tại Việt Nam tự tin về nước có việc làm
Nữ sinh Namfon Sesonphan (19 tuổi, đến từ Lào) là một trong hơn 400 du học sinh đang theo học tại Trường Cao đẳng Thái Nguyên. Namfon Sesonphan chọn sang Việt Nam học nghề qua sự tư vấn của thầy cô và bố mẹ.
Nhận thấy ngành Điện tử - Viễn thông tại đất nước mình đang trên đà phát triển, cô gái dự định sau khi hoàn thành chương trình học tại Việt Nam sẽ về nước làm việc.
"Ngày mới sang Việt Nam học, em vất vả lắm vì không biết đường, không có người thân ở bên cạnh. Thời điểm em nhập học cũng là lúc đại dịch Covid-19 bùng phát nên em phải ở lại trường, không thể về nước, bố mẹ muốn sang thăm em cũng không được.
Rất may, em nhận được sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè và các anh chị khóa trên trong học tập và sinh hoạt để vượt qua khoảng thời gian khó khăn ấy. Học một ngành khó bằng tiếng Việt, em phải cố gắng rất nhiều, chỗ nào không hiểu đều hỏi lại bạn bè và thầy cô. Giáo viên dạy với tốc độ chậm hơn để em có thể theo kịp tiến độ chương trình", Namfon Sesonphan nói.
Nam sinh Chum Sovanratana (25 tuổi, đến từ Thủ đô Phnom Penh, Campuchia) là sinh viên năm 2 ngành Điện tử - Viễn thông, Trường Cao đẳng Thái Nguyên cho biết, thầy cô trong trường đối xử với em như với con.
"Sang Việt Nam học tập, em cũng gặp khó trong việc học tiếng Việt. Tuy nhiên, em được thầy cô chỉ bảo tận tình.
Ngoài giờ học, em dành thời gian tham gia các hoạt động của bạn bè người Việt, sinh hoạt cùng thầy cô thông qua mô hình "homestay". Những hoạt động đó giúp em nâng cao khả năng tiếng Việt của mình", Chum Sovanratana cho biết.
Chum Sovanratana tự tin rằng sau khi tốt nghiệp, em sẽ có công việc tốt trong ngành Điện tử - Viễn thông tại Campuchia. Bởi vì theo tìm hiểu của em, những người đàn anh, đàn chị khóa trước cũng đã có công việc như ý.
Theo lời giới thiệu của các anh chị từng du học tại Trường Cao đẳng Thái Nguyên, họ đã có việc làm ổn định sau khi về nước, nữ sinh Phonesavanh Sivatthana (21 tuổi, đến từ tỉnh Savannakhet, Lào) chọn học ngành Tài chính - Ngân hàng ở ngôi trường này.
"Mong ước của em là được làm trong ngân hàng, bố mẹ cũng ủng hộ em sang Việt Nam học ngành này. Sau 2 năm du học, em cảm thấy hài lòng về mọi thứ ở đây. Em nâng cao trình độ tiếng Việt bằng cách học nghe và nói mỗi ngày.
Em thích được thầy cô dẫn đi chợ ăn bún chả và thăm quan danh lam thắng cảnh. Qua đó, em có cơ hội học tiếng Việt và tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa Việt Nam", Phonesavanh Sivatthana chia sẻ.
Mô hình "homestay" đón học sinh về nhà thầy cô
Trao đổi với PV Dân trí, cô Lê Kim Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thái Nguyên cho biết, mỗi năm, nhà trường có 70 chỉ tiêu dành cho học sinh Lào và 36 chỉ tiêu cho học sinh Campuchia. Số chỉ tiêu được phân bổ khắp các tỉnh thuộc hai đất nước láng giềng này.
Tất cả học sinh Lào và Campuchia sang Việt Nam học đều có sự giới thiệu của các cơ quan quản lý nhà nước, đã tốt nghiệp cấp 3 cộng thêm tiêu chí riêng do nước họ đề ra là hoàn thành lớp đào tạo tiếng Việt trong vòng 3 tháng.
Du học sinh sang Việt Nam học bằng nguồn tài trợ học bổng được miễn học phí, nhận hơn 3,6 triệu đồng/tháng tiền hỗ trợ chi phí sinh hoạt. Hiện nay, nhu cầu học của học sinh Lào và Campuchia vượt gấp nhiều lần số chỉ tiêu mà nhà trường được giao.
Khác với học sinh trong nước, du học sinh sẽ phải học tiếng Việt trong một năm đầu tiên. Các em học giống như học sinh tiểu học, từ bảng chữ cái, đánh vần đến ghép chữ. Bài tập thực thành tiếng Việt của các em luôn là những bài hát.
Sau khi đạt trình độ tiếng Việt theo yêu cầu, các em mới bắt đầu học nghề trong 3 năm tiếp theo.
Thầy Phạm Anh Ngọc - Trưởng phòng Quản lý đào tạo của nhà trường cho biết, du học sinh chủ yếu chọn những ngành học có giá trị chung trên toàn cầu như Công nghệ thông tin, Điện tử - Viễn thông, Quản trị kinh doanh và Tài chính - Ngân hàng.
Để hỗ trợ các em hòa nhập với môi trường sống tại Việt Nam, nhà trường triển khai mô hình "homestay". Theo đó, gần 300 giáo viên của nhà trường chia nhau "đỡ đầu" hơn 100 du học sinh mỗi năm.
Các em được đến ăn, ở tại nhà thầy cô, được thầy cô dẫn đi chợ, thăm quan các khu di tích lịch sử, tìm hiểu văn hóa và lối sống của người Việt Nam.
"Mỗi năm, tôi đăng ký kèm 5 học sinh. Thỉnh thoảng, tôi lại xuống trường đón các em về nhà sinh hoạt cùng gia đình. Chúng tôi đi chợ, giao lưu văn hóa đơn giản bằng cách gia đình tôi nấu những món ăn quen thuộc của Việt Nam, các em thì chế biến món ăn truyền thống của đất nước mình, sau đó cùng nhau thưởng thức", thầy Ngọc chia sẻ.
Theo thầy Ngọc, qua quá trình gắn bó, các thầy cô đều coi du học sinh như con nuôi. Với những em có hoàn cảnh khó khăn hoặc không may đau ốm, đoàn thanh niên và công đoàn nhà trường là địa chỉ tiếp nhận thông tin, kêu gọi đóng góp để động viên các em về vật chất và tinh thần.
Trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, hơn 20 du học sinh Lào mắc bệnh, thực hiện cách ly trong ký túc xá. Nhà trường phân công giáo viên phục vụ cơm nước hằng ngày cho các em. Học sinh ăn cơm xong, bỏ bát đũa ra ngoài cửa để thầy cô mang đi rửa.
"Nếu các em gặp vấn đề nhỏ thì những thầy cô có trách nhiệm "đỡ đầu" tự xử lý. Những vấn đề lớn hơn, giáo viên chia sẻ với nhau để giúp đỡ học sinh.
Tôi nhiều lần đứng ra ứng tiền cho các em về nước. Học sinh nói bố mẹ ở nhà ốm, chúng tôi lập tức phát động phong trào ủng hộ, giúp các em vượt qua khó khăn.
Trong dịp Tết cổ truyền của du học sinh, nhà trường có mặt để chung vui với các em từ đầu đến cuối, tài trợ kinh phí tổ chức, thậm chí cho toàn trường nghỉ để đón Tết cùng các em", thầy Ngọc nói.
Theo Trưởng phòng Quản lý đào tạo, các doanh nghiệp về viễn thông, ngân hàng của Việt Nam sang đầu tư tại Lào hay Campuchia đều ưu tiên tuyển sinh viên của nhà trường. Lý do là các em biết tiếng Việt, hiểu văn hóa Việt Nam, lại có kiến thức, kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của họ.
Đối với cô Lê Kim Anh, mỗi lứa du học sinh đi qua đều để lại trong cô nhiều kỷ niệm khó quên.
Trong nhật ký của mình, cô Kim Anh viết: "Trong cuộc đời mỗi người thầy đều có những học trò mà dù đi hết cuộc đời vẫn không bao giờ quên. Tôi cũng có một học trò như thế. Một nữ sinh viên đến từ đất nước Lào xinh đẹp, có cái tên rất đáng yêu là Pouy Chandyphit.
Giờ đây, em đã trở thành một cán bộ thuế giỏi và hiện đang công tác tại Cục thuế tỉnh Luông Pha Băng (Lào).
Nhớ ngày đầu tiên nhận chủ nhiệm lớp Tài chính - Ngân hàng, nữ sinh ấy nhanh chóng chiếm trọn tình cảm của tôi bởi sự nhanh nhẹn, nhiệt tình và thông minh. Em ấy nói tiếng Việt rất trôi chảy, giúp tôi vượt qua những khó khăn ban đầu với lớp.
Tôi là địa chỉ tin cậy để em tâm sự những câu chuyện vui, buồn của mình. Em cũng coi tôi như người mẹ thứ hai. Mỗi lần tạm chia tay để em về nước là hai cô trò lại bịn rịn nhớ nhung".
Cô Kim Anh cũng tự hào khoe về Koud Vilaxai - một du học sinh cũ từng học ngành Tài chính ngân hàng, giờ đang làm việc cho Bộ Quốc phòng của Lào. Koud Vilaxai gọi cô Kim Anh là mẹ, xưng con.
"Dường như cộng đồng người Lào, Campuchia tại tỉnh Thái Nguyên đều tập trung ở Trường Cao đẳng Thái Nguyên. Nhà trường là cái nôi để cung cấp du học sinh đến từ hai nước láng giềng này cho các bậc học cao hơn tại tỉnh nhà.
Việc đào tạo và chăm lo tốt cho du học sinh còn góp phần làm cầu nối thúc đẩy tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước láng giềng", cô Kim Anh cho biết.