INSTITUTE FOR INTERNATIONAL EDUCATION RESEARCH (IIER)
Hội thảo Tham vấn quốc gia về Học tập và công bằng trong giáo dục cho trẻ em
Thứ tư - 30/11/2022 16:465980
Ngày 30/11/2022, tại Hội trường tầng 5, trụ sở số 4 Trịnh Hoài Đức - Hà Nội, Viện Nghiên cứu Giáo dục quốc tế đã tham dự Hội thảo Tham vấn quốc gia về Học tập và công bằng trong giáo dục cho trẻ em - hoạch định chính sách giáo dục dựa trên bằng chứng (National Consultation Workshop MICS EAGLE Initiative) do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Tổ chức UNICEF Việt Nam tổ chức.
Hội thảo được tổ chức nhằm phát triển tầm nhìn chung về tương lai của giáo dục và tìm ra các giải pháp, hành động khả thi cũng như khuyến khích sự đoàn kết, chung tay từ tất cả các cơ quan, ban ngành trong xã hội để thực hiện các cam kết, các mục tiêu vì sự phát triển bền vững, đặc biệt là đối với mục tiêu SDG4 về giáo dục có chất lượng thông qua thảo luận và góp ý cho Báo cáo Vietnam Education Fact Sheets. Kết quả của Hội thảo sẽ cung cấp thông tin cho các chính sách và hành động của Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng giáo dục quốc gia cũng như bảo đảm công bằng trong giáo dục.
Tham dự Hội thảo, có các đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý giáo dục, các nghiên cứu viên và các nhà giáo dục đến từ các Bộ ban ngành, các cục, vụ chức năng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, các cơ sở giáo dục đại học, phổ thông và mầm non, các tổ chức UN và NGOs quốc tế và trong nước.
Phát biểu khai mạc và chào mừng, GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện KHGDVN và bà Tara O’Connell - Trưởng Chương trình Giáo dục, Tổ chức UNICEF Việt Nam gửi lời cảm ơn tới đội ngũ chuyên gia đã xây dựng và tư vấn cho báo cáo, đồng thời rất mong muốn các đại biểu tham dự Hội thảo đưa ra các ý kiến bàn luận về những phát hiện chính và ý nghĩa chính sách của từng báo cáo cụ thể.
Mở đầu Phiên toàn thể là Báo cáo giới thiệu về sáng kiến MICS - EAGLE do bà Margaret Kelly và Sakshi Mishra, Tổ chức UNICEF trình bày.
Chương trình Điều tra đa chỉ tiêu (Multiple Indicator Cluster Surveys - MICS) toàn cầu được UNICEF xây dựng và phát triển từ những năm 1990 đến nay là chương trình điều tra thống kê quốc tế cấp hộ gia đình, hỗ trợ các quốc gia thu thập dữ liệu có tính so sánh quốc tế cho một loạt các chỉ tiêu về tình hình trẻ em và phụ nữ. Điều tra MICS đo lường các chỉ tiêu thống kê quan trọng cung cấp cho các quốc gia dữ liệu để hoạch định chính sách, chương trình và kế hoạch phát triển quốc gia, đồng thời cho phép theo dõi tiến độ hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và các cam kết quốc tế khác.
UNICEF đã khởi động Sáng kiến MICS - EAGLE (Education Analysis for Global Learning and Equity - Phân tích giáo dục về học tập toàn cầu và công bằng) vào năm 2018 với mục tiêu cải thiện kết quả học tập và các vấn đề công bằng trong giáo dục bằng cách giải quyết hai vấn đề quan trọng về dữ liệu giáo dục – lỗ hổng trong các chỉ số giáo dục chính, cũng như thiếu việc sử dụng dữ liệu hiệu quả của chính phủ và các bên liên quan đến giáo dục. MICS-EAGLE được phát triển trên Chương trình Điều tra đa chỉ tiêu (MICS) của mỗi quốc gia.
Tiếp theo chương trình, GS - Viện trưởng Lê Anh Vinh trình bày Tổng quan về báo cáo phân tích giáo dục Việt Nam.
MICS là nguồn dữ liệu chính cho các chỉ số Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và tiếp tục cung cấp thông tin cho hơn 150 chỉ số Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) để hỗ trợ Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững. UNICEF Việt Nam ra mắt phiên bản MICS 6 cập nhật nhất vào năm 2021.
MICS6 bao gồm các modul mới theo dõi các chỉ số SDG4 liên quan đến giáo dục như học tập (SDG4.1.1), Giáo dục và sự phát triển của trẻ em (SDG4.2.1 và SDG4.2.2), Kĩ năng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT-SDG4.4.1), và Chức năng của trẻ (các vấn đề liên quan đến khuyết tật - SDG4.5.1), cũng như sự tham gia của phụ huynh trong giáo dục.
Nội dung của Hội thảo tham vấn quốc gia tập trung vào 08 chủ đề: (i) Tỉ lệ hoàn thành các bậc học; (ii) Các kĩ năng học tập nền tảng; (iii) Trẻ em ngoài nhà trường; (iv) Sự phát triển và giáo dục bậc mầm non; (v) Lưu ban, bỏ học và không lên lớp; (vi) Khó khăn về các chức năng; (vii) Bảo vệ trẻ em; (viii) Học tập từ xa.
Phiên 1 gồm hai báo cáo. Mở đầu là báo cáo “Tỉ lệ hoàn thành các bậc học” của TS. Lê Đông Phương. Bài trình bày đưa ra tỉ lệ hoàn thành các cấp học: tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; tỉ lệ hoàn thành và không hoàn thành cấp học phân tích theo vùng, miền, giới tính, điều kiện kinh tế gia đình, và dân tộc. Tiếp theo là báo cáo “Lưu ban, bỏ học và không lên lớp” của ThS. Đỗ Đức Lân. Báo cáo đưa ra tỉ lệ lưu ban, bỏ học và không lên lớp tính theo cấp học: tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, theo nhóm tuổi, điểm kinh tế - xã hội, vùng, miền, điều kiện kinh tế gia đình và dân tộc.
Phiên 2 mở đầu với báo cáo “Trẻ em ngoài nhà trường” của ThS. Bùi Thanh Xuân. Trong báo cáo MISC6, trẻ em ngoài nhà trường được hiểu là trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi chính thức của một cấp học nhất định nhưng không theo học các cấp giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở hoặc cao hơn; ngoài ra, giáo dục thường xuyên không bao gồm trong phân tích này. Tỉ lệ trẻ em ngoài nhà trường được phân tích theo cấp học, giới tính, khu vực, điều kiện kinh tế gia đình và nhóm dân tộc. Tiếp theo là báo cáo “Bảo vệ trẻ em” của TS. Trần Thị Yên đề cập đến các vấn đề: tỉ lệ kết hôn sớm, tỉ lệ lao động trẻ em, và mối liên hệ với giáo dục như tỉ lệ bỏ học, tỉ lệ không biết chữ ở những đối tượng này.
Phiên 3 gồm báo cáo “Các kĩ năng học tập nền tảng” của TS. Lê Đông Phương và báo cáo “Học tập từ xa” của ThS. Bùi Thanh Xuân. MICS phân tích dữ liệu về sự sẵn có của các công cụ trong hộ gia đình có khả năng hỗ trợ học tập từ xa, bao gồm khả năng tiếp cận đài phát thanh, truyền hình và máy vi tính có Internet. Hai kĩ năng học tập nền tảng được đề cập đến là kĩ năng đọc và tính toán, được phân tích theo cấp lớp từ 1 đến 9, theo giới tính, vùng, miền, điều kiện kinh tế gia đình và dân tộc.
Phiên 4 cũng là phiên cuối cùng của Hội thảo gồm hai báo cáo. PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh trình bày báo cáo “Sự phát triển và giáo dục bậc mầm non”, Thang ECDI (chỉ số phát triển tuổi thơ) 2030 ghi lại thành tích đạt được các mốc phát triển quan trọng của trẻ em trong độ tuổi từ 24 đến 59 tháng. Dữ liệu phân tích tỉ lệ trẻ phát triển đúng hướng hoặc không đúng hướng theo thang ECDI theo độ tuổi, khu vực, vùng miền, giới tính, điều kiện kinh tế gia đình và nhóm dân tộc. Báo cáo “Khó khăn về các chức năng” do TS. Nguyễn Thị Kim Hoa trình bày đưa ra tỉ lệ trẻ có khó khăn về chức năng (như nhìn, nghe, giao tiếp, học tập, kiểm soát hành vi,…) theo hai nhóm tuổi 2-4 tuổi và 5-17 tuổi.
Phát biểu kết luận tổng kết hội thảo, GS - Viện trưởng Lê Anh Vinh trân trọng cảm ơn các quý vị đại biểu đã dành thời gian tham gia Hội thảo có ý nghĩa này. Các ý kiến trao đổi, thảo luận sẽ được các chuyên gia và tổ chức UNICEF Việt Nam tiếp thu để hoàn thiện báo cáo. Một số vấn đề cần được xem xét thay đổi, bổ sung như trình bày cách chọn mẫu khảo sát, hình thức báo cáo sẽ là công bố dữ liệu hay là báo cáo quốc gia,…