Không tạo áp lực cho học sinh với khảo sát chất lượng

Thứ sáu - 07/04/2023 11:08 163 0
Khảo sát chất lượng là hoạt động được nhiều trường, địa phương thực hiện nhằm làm căn cứ xây dựng, thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục bám sát đối tượng học sinh. Với mục đích tốt, nhưng hoạt động này cần được tổ chức phù hợp, khoa học, để không gây áp lực, quá tải cho học sinh.
Không tạo áp lực cho học sinh với khảo sát chất lượng

Không dùng đánh giá học sinh

Tại Hòa Bình, các trường có cấp THPT tổ chức khảo sát chất lượng học lực đầu năm cho học sinh khối lớp 10, 11, 12; trường có cấp THCS tổ chức khảo sát chất lượng cho học sinh khối lớp 6, 7, 8, 9. Riêng lớp 10 không tổ chức khảo sát 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh vì mới thi vào 10 chung toàn tỉnh. Đối với học sinh lớp 12, ngoài kiểm tra khảo sát đầu năm, các trường còn tổ chức thi thử tốt nghiệp theo kế hoạch của Sở hoặc của trường.

Chia sẻ về mục đích, Giám đốc Sở GD&ĐT Bùi Thị Kim Tuyến cho biết: Kết quả khảo sát đầu năm và kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT là căn cứ để nhà trường xây dựng, thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục bám sát đối tượng học sinh. Cụ thể, từ kết quả khảo sát, giáo viên xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục với từng nhóm đối tượng học sinh được phân công giảng dạy.

Nhà trường xây dựng kế hoạch chung thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT là dạy sát đối tượng. Với thi thử tốt nghiệp THPT, các đơn vị căn cứ kết quả thi từng lớp, học sinh, tiến hành điều chỉnh kế hoạch, chia lớp ôn tập phù hợp với trình độ nhận thức, năng lực từng nhóm người học.
Hằng năm, Trường THPT Cát Bà (huyện Cát Bà, Hải Phòng) cũng tổ chức khảo sát chất lượng theo kế hoạch của Sở GD&ĐT. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Trung Thành, điểm khảo sát không dùng để đánh giá học sinh. Mục đích quan trọng nhất của khảo sát nhằm đánh giá thực trạng để phân loại học sinh và tìm giải pháp, phương pháp phù hợp từng đối tượng, từ đó nâng cao chất lượng. Do đó, cần duy trì hoạt động này.

Thầy Nguyễn Đức Hồng, Hiệu trưởng Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên) cho biết, nhà trường thường tham gia thi thử cho học sinh khối 12 do Sở GD&ĐT tổ chức ra đề mỗi năm một lần. Từ kết quả thi, trường đánh giá kết quả học tập, ôn luyện của học sinh; giáo viên nắm bắt tình hình học tập của người học để điều chỉnh giảng dạy, ôn tập phù hợp; học sinh nắm bắt khả năng bản thân, phần kiến thức chưa nắm vững để điều chỉnh trong học tập.

“Kiến thức đánh giá thường là tổng hợp cả năm hoặc cả cấp. Trong khi đó, kiểm tra lấy điểm, kiến thức chỉ nằm trong một chương hoặc một kỳ. Do đó, Trường không sử dụng kết quả này để đánh giá kết quả học tập của học sinh”, thầy Nguyễn Đức Hồng thông tin.

Không gia tăng áp lực

Nhiều phụ huynh cho rằng, học sinh đã trải qua các kỳ kiểm tra, đánh giá; nhất là học sinh lớp 9, lớp 12 phải đối diện với kỳ thi quan trọng là tuyển sinh vào lớp 10, tốt nghiệp THPT, xét tuyển ĐH… rất áp lực. Có thêm các kỳ khảo sát khó tránh khỏi làm tăng thêm áp lực, căng thẳng cho học sinh.

Chia sẻ về điều này, Giám đốc Bùi Thị Kim Tuyến khẳng định: Ở địa phương, học sinh lớp 10 không phải khảo sát chất lượng đầu năm vì đã có kết quả thi vào 10 làm căn cứ phân loại. Các kỳ khảo sát đầu năm, cũng như các bài kiểm tra định kỳ, kiến thức trong chương trình, hình thức khảo sát cũng như làm một bài kiểm tra không có gì căng thẳng, áp lực cho học sinh. Ngoài mục đích đã nêu ở trên, việc kiểm tra còn giúp học sinh tự ôn tập lại kiến thức đã học ở lớp dưới qua một kỳ nghỉ hè có thể bị rơi rớt.

“Sở GD&ĐT Hòa Bình đã tính đến việc khảo sát không gây áp lực cho học sinh. Vì vậy, Sở đã chỉ đạo các nhà trường ra đề khảo sát bám sát chương trình, động viên học sinh ôn tập tốt, tự tin làm bài. Đồng thời, tuyên truyền với phụ huynh mục đích tích cực của khảo sát chất lượng để phụ huynh động viên, kèm cặp con em học bài, làm bài tốt”, Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình bày tỏ.

Tuy nhiên, không phải nhà trường, địa phương nào cũng cho rằng tổ chức các kỳ khảo sát chất lượng là cần thiết. Như tại Bến Tre, theo thầy Phạm Thành Nhân, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Văn Cấn (huyện Mỏ Cày Bắc), địa phương, nhà trường không tổ chức bất kỳ kỳ khảo sát nào, kể cả thi thử. Tổ chức việc này mất nhiều thời gian của giáo viên, học sinh; tạo áp lực không cần thiết cho người học.

Thầy Phạm Thành Nhân cho biết thêm, nhà trường định hướng học sinh lựa chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội (thi tốt nghiệp THPT) từ đầu năm học lớp 11. Sau năm học này, học sinh có thể điều chỉnh lựa chọn. Sang lớp 12, giáo viên dạy theo sát học sinh, lựa chọn học sinh còn yếu để tham gia các lớp phụ đạo; khi đạt yêu cầu, các em sẽ được rời khỏi lớp.

Trường hợp học sinh yếu để tham gia phụ đạo được bổ sung tiếp tục theo từng chuyên đề. Bên cạnh đó, trong kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ (từ lớp 10), nhà trường đều tổ chức theo cách chia phòng gồm 24 thí sinh như khi thi tốt nghiệp THPT để học sinh được làm quen cách làm bài và không khí phòng thi từ chính các đợt kiểm tra này.

Tác giả bài viết: An Nguyên

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại:

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây