INSTITUTE FOR INTERNATIONAL EDUCATION RESEARCH (IIER)
Hội thảo Chuyển đổi số & Giáo dục Đại học
Thứ tư - 11/01/2023 10:521.8570
Nhằm nhận diện những thách thức và cơ hội đối với giáo dục đại học trong thời đại số và góp phần đưa ra những đề xuất về chính sách phát triển giáo dục đại học tại Việt Nam, ngày 10/01/2023, Viện Nghiên cứu Giáo dục Quốc tế tham dự Hội thảo quốc tế “Chuyển đổi số và Giáo dục đại học: khi thách thức là cơ hội”.
Các diễn giả trình bày tại Hội thảo gồm có: GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Chủ tịch Hội đồng GS ngành giáo dục học; TS. Hoàng Sỹ Tương, Học viện Kỹ thuật mật mã; GS. Ronald Strickland, Trưởng khoa, Khoa KHXHNV - Đại học Công nghệ Michigan (Hoa Kỳ); GS. TS. Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; GS. Vasclav Snášel, Đại học Kỹ thuật Ostrava; PGS.TS Ngô Minh Thủy, Viện trưởng CLEF, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN; TS Mark Spittle, Trường Đại học Việt Đức và TS. Kathy Wright, Advance HE (Vương quốc Anh).
Hội thảo thu hút sự tham gia trực tuyến của hơn 300 chuyên gia, nhà quản lý và nhà khoa học uy tín trong nước và quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và quản lý giáo dục đến từ nhiều quốc gia trên thế giới: Việt Nam, Cộng hòa Séc, Vương Quốc Anh, Ấn Độ, Congo, Haiti, Mỹ, Bénin, Nhật Bản, Pháp.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Ngô Tự Lập, Viện trưởng IFI cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó chuyển đổi số đóng vai trò trung tâm, đang tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội toàn nhân loại. Vì thế, giáo dục đại học phải thay đổi căn bản để đáp ứng yêu cầu của thời đại.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN Đào Thanh Trường nhận định, dưới tác động chưa từng có của đại dịch Covid-19 đối với giáo dục đại học trên toàn thế giới trong hai năm qua, khi các trường đại học buộc phải đóng cửa thì việc dạy và học chuyển sang hình thức trực tuyến, giáo viên và sinh viên phải chuyển đổi và thích ứng với việc sử dụng công nghệ cấp thiết hơn bao giờ hết.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trần Trung Vỹ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long đánh giá cao cơ hội cùng IFI và các trường đại học trong và ngoài nước đồng tổ chức Hội thảo và cho biết đây là một sự kiện đặc biệt có ý nghĩa đối với Nhà trường trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 hiện nay. Ông chia sẻ, Hội thảo sẽ là dịp để cùng nhận diện những thách thức và cơ hội của giáo dục đại học trong thời đại số cũng như để góp phần đưa ra những đề xuất về chính sách phát triển giáo dục đại học tại Việt Nam.
Các tham luận của diễn giả trong Hội thảo xoay quanh các chủ đề như: chuyển đổi số trong quản lý giáo dục đại học, phân hóa xã hội, đại học ảo, Big Data trong môi trường hàn lâm – học thuật, Blockchain và hệ thống quản lý thông tin và hồ sơ giáo dục, ...
Ở phiên làm việc thứ nhất, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc và TS. Hoàng Sỹ Tương đã mang đến những phân tích sâu về các mô hình và cách triển khai điện toán đám mây trong giáo dục đại học. GS. Ronald Strickland chỉ ra các lợi ích của chuyển đổi số trong giáo dục, và khuyến nghị rằng ngành giáo dục cần nhìn nhận và nắm bắt kịp thời cơ hội trong thời đại chuyển đổi số hiện nay để nâng cao chất lượng giáo dục.
GS. TS. Lê Anh Vinh thì đề cập nguyên nhân cần thực hiện chuyển đổi số giáo dục qua bốn động lực là: nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa tài nguyên, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm của học sinh và tạo ra văn hóa quyết định dựa trên số liệu (Data-Driven Decision Making).
Ở phiên thứ hai, GS. Vasclav Snášel đã trình bày một giải pháp cho chuyển đổi số giáo dục đại học mang tên Smart And Green District (SMARAGD), qua đó cung cấp cho khu vực một giải pháp toàn diện cho các thách thức của xã hội trong các lĩnh vực vật liệu, năng lượng, môi trường và công nghệ thông tin, tạo ra lực lượng lao động trình độ cao cho các doanh nghiệp SME.
PGS.TS Ngô Minh Thủy cho biết chuyển đổi số trong giáo dục Việt Nam đã được thực hiện từng bước từ nhiều năm qua và đặc biệt sôi nổi trong vài năm gần đây. Bà cho biết, đây là xu thế tất yếu không thể đi ngược và ngành giáo dục cần có những chính sách, kế hoạch cụ thể và phù hợp để đảm bảo chất lượng giáo dục, đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đối với các đối tượng người học khác nhau.
Cuối cùng, TS Mark Spittle và TS Kathy Wright trình bày kết quả phân tích định tính và định lượng về tác động của hoạt động giảng dạy trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục đại học. Nghiên cứu cho thấy, hoạt động giảng dạy trực tuyến đã mang đến những tác động tích cực cả trước mắt và lâu dài đối với những người tham gia và qua đó dẫn việc thành lập một cộng đồng ngày càng tăng gồm các chuyên gia giảng dạy, mong muốn tiếp nhận các phương pháp giảng dạy mới.
Tại phiên thảo luận, Hội thảo nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi và phản hồi tích cực từ các chuyên gia về thực trạng chuyển đổi số của giáo dục đại học trong nước cũng như trên thế giới. Hội thảo đã mang đến những góc nhìn và những kết nối mới có giá trị, từ đó hình thành những ý tưởng giúp các cơ sở đào tạo trong cả nước nói chung từng bước chuyển đổi số trong Nhà trường, tiến tới trở thành đại học thông minh./.