INSTITUTE FOR INTERNATIONAL EDUCATION RESEARCH (IIER)
Xu hướng và những yếu tố ảnh hưởng tới quá trình quốc tế hoá giáo dục đại học
Thứ hai - 05/12/2022 11:037440
Ngày 02-03/12/2022, Hội thảo quốc tế lần thứ I với chủ đề “Quốc tế hoá giáo dục đại học trong bối cảnh một châu Á năng động”, đã được tổ chức thành công với sự phối hợp của Đại học DEAKIN, Australia, STAR Scholars, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Tạp chí Giáo dục và Viện Nghiên cứu Giáo dục Quốc tế.
Hội thảo có sự góp mặt của các chuyên gia hàng đầu châu Á trong nghiên cứu mà còn góp phần tham vấn chính sách về giáo dục đại học và quốc tế hoá giáo dục đại học, trong đó có GS. Trần Thị Lý (Đại học DEAKIN, Australia, một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 theo Forbes Việt Nam), GS. Ka Ho Mok (Đại học Lingnan, Hong Kong), GS. Jill Blackmore (Đại học DEAKIN, Australia, nhận huân chương cao quý nhất của chính phủ Australia cho một nhà khoa học), GS.TS. Krishna Bistna (Đại học Bang Morgan, Hoa Kì) và GS.TS. Marek Tesar (Đại học Auckland, New Zealand). Các giáo sư đã chia sẻ những kết quả nghiên cứu và phân tích sâu sắc về bối cảnh và xu thế của quá trình quốc tế hoá giáo dục đại học trên thế giới và khu vực châu Á.
Quốc tế hoá giáo dục đại học ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng từ những biến động về kinh tế, văn hoá, ngoại giao và chính trị, cùng với đó là thiên tai và khủng hoảng về sức của khỏe cộng đồng. Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ kĩ thuật số, sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường học trực tuyến trong nước và toàn cầu và mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn giữa các công ti công nghệ giáo dục và các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục đã thay đổi đáng kể cục diện giáo dục quốc tế.
Trong ba thập kỉ qua, quốc tế hoá giáo dục đã được định hình và định hình lại trở thành một hình thức thương mại toàn cầu, được thúc đẩy bởi các yếu tố lịch sử, kinh tế và chính trị. Việc tái định vị quốc tế hoá giáo dục với tư cách là một quá trình thương mại toàn cầu đã được thể hiện thông qua các chính sách và chương trình liên quan tới sự di động của sinh viên trong và ngoài nước, tuyển dụng sinh viên quốc tế, quốc tế hoá chương trình giảng dạy, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu... Ở các quốc gia được nhiều sinh viên quốc tế lựa chọn ở Bắc bán cầu như Úc, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ, quá trình quốc tế hoá giáo dục đã nhận nhiều ý kiến trái chiều, trong đó chỉ trích việc quá đặt nặng khía cạnh kinh tế, coi giáo dục như một ngành xuất khẩu. Bên cạnh đó, sự tự do hoá thương mại dịch vụ giáo dục, thông qua các hiệp định thương mại tự do, đã tạo điều kiện cho sự phát triển của thương mại hoá và thương mại hoá giáo dục.
Đồng thời, quá trình quốc tế hoá giáo dục đại học trở nên dễ bị tổn thương trước sự hợp tác song phương giữa các quốc gia, các cơ sở đào tạo và cả những thay đổi khu vực và toàn cầu trong quan hệ quốc tế. Vào đầu những năm 1980, quá trình quốc tế hoá giáo dục chủ yếu phục vụ các mục đích phát triển và viện trợ. Ngày nay, quá trình quốc tế hoá giáo dục đã được định hình và chịu ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và phong trào như chủ nghĩa dân tuý, chủ nghĩa bảo hộ quốc gia hoặc chủ nghĩa dân tộc hướng nội, chống nhập cư, chống toàn cầu hoá và chống chủ nghĩa đa văn hoá. Đồng thời, quá trình quốc tế hoá giáo dục cũng đã được sử dụng như một cơ chế để tăng cường ảnh hưởng quyền lực mềm của một loạt các quốc gia. Ví dụ, Trung Quốc đang rất tích cực trong việc tăng cường sức mạnh mềm và vị thế của mình trong khu vực và toàn cầu thông qua các chiến lược tích cực nhằm thu hút sinh viên quốc tế, mở các cơ sở đào tạo ở nước ngoài và thúc đẩy hình ảnh đất nước với tư cách một trung tâm giáo dục của khu vực, thông qua các chương trình Học bổng “Con đường Tơ lụa” trong sáng kiến Vành đai và Con đường. Ngoài Trung Quốc, trong thập kỉ qua, nhiều quốc gia hoặc khu vực xuất khẩu giáo dục truyền thống như Hong Kong, Malaysia, Singapore, Thổ Nhĩ Kì và Mexico đã nổi lên trên thị trường giáo dục quốc tế và trở thành đối thủ cạnh tranh tích cực với các nước phương Tây. Trong khi đó, ở các nước đang phát triển tại châu Á như Việt Nam và Indonesia, quốc tế hoá thường được xem là phương tiện cơ bản giúp hệ thống giáo dục đại học phát triển nhằm theo kịp sự phát triển của khu vực và quốc tế, cải thiện thứ hạng quốc tế.
Quốc tế hoá giáo dục đại học ở Châu Á thể hiện ở các cấp độ (khu vực, quốc gia, địa phương…) và các khía cạnh khác nhau (chương trình giảng dạy, dạy và học, sự di động của sinh viên và/hoặc giảng viên, nghiên cứu, xếp hạng,…). Trước đại dịch COVID-19, quốc tế hoá giáo dục đại học ở các nước châu Á thường được đánh giá là kém phát triển hơn so với các đối tác phương Tây. Tuy nhiên, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã mở ra cơ hội cho các quốc gia và tổ chức ở châu Á tiến hành và quảng bá các chương trình quốc tế hoá và xuyên quốc gia trên cơ sở tận dụng công nghệ kỹ thuật số, mô hình hợp tác quốc tế mới.
Tại Hội thảo, nhiều báo cáo từ các tác giả Việt Nam cũng chia sẻ về thực tiễn các hoạt động quốc tế hoá giáo dục đại học. Thực tiễn về các yêu cầu liên quan tới chất lượng quốc tế trong nghiên cứu và công bố, tài trợ cho nghiên cứu, trong việc phong hàm, trong đào tạo tiến sĩ; xếp hạng đại học; hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu, sinh viên quốc tế và thực tiễn cũng như chính sách chuyển đổi số trong giáo dục nói chung, trong giáo dục đại học nói riêng ở Việt Nam. Có thể thấy xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục đã trở thành một công cụ cho quá trình quốc tế hoá giáo dục đại học. Quan hệ quốc tế, chính sách mỗi quốc gia về quan hệ quốc tế, năng lực chuyển đổi số có ảnh hưởng đến quá trình quốc tế hoá giáo dục đại học. Hơn nữa, quốc tế hoá giáo dục đại học không chỉ là một cách thức làm nâng cao chất lượng giáo dục mà còn được coi là một chiến lược về mở rộng thị trường giáo dục của quốc gia, tổ chức.