Kế thừa những nghiên cứu đi trước về lý thuyết và thực tiễn dạy và học ngoại ngữ và tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai, mục tiêu của đề tài là xây dựng được các luận cứ khoa học để đề xuất một Bộ tiêu chuẩn đánh giá các giáo trình TVCNNN ở Việt Nam theo các trình độ, để phục vụ cho việc biên soạn các bộ giáo trình TVCNNN mới theo một tiêu chuẩn thống nhất về kiến thức và các bình diện liên quan khác nhằm đáp ứng Khung năng lực tiếng Việt dành cho người nước ngoài ở Việt Nam.
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, nội dung chính của đề tài được cấu trúc thành 5 chương: Chương 1 - Tổng quan và những vấn đề lý thuyết liên quan đến đề tài; Chương 2 - Khảo sát các giáo trình TVCNNN hiện có ở Việt Nam; Chương 3 -Nghiên cứu thái độ của người dạy và người học bộ giáo trình TVCNNN ở Việt Nam; Chương 4 - Phác thảo bộ tiêu chuẩn đánh giá giáo trình TVCNNN ở Việt Nam; Chương 5 - Thảo luận và đề xuất bộ giáo trình TVCNNN mới ở Việt.
Ở chương 1, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một cái nhìn tổng quan về công việc/sự nghiệp đào tạo và biên soạn giáo trình TVCNNN cũng như tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan, đồng thời, cung cấp cơ sở lý luận cho việc triển khai nghiên cứu. Đó là các lý luận căn bản về giáo dục ngôn ngữ liên quan như: thụ đắc ngôn ngữ thứ hai, phương pháp luận và phương pháp dạy tiếng, việc xây dựng giáo trình dạy tiếng, việc xây dựng bộ tiêu chuẩn đanh giá năng lực tiếng Việt của học viên quốc tế và đặc biệt là lý luận đánh giá giáo trình dạy tiếng, trong đó có giáo trình TVCNNN ở Việt Nam. Chương 2, tập trung tiến hành khảo sát tỉ mỉ, toàn diện giáo trình TVCNNN trình độ A, B, C hiện có ở Việt Nam. Ở các giáo trình TVCNNN trình độ A, B, C đã được khảo sát, các phần bài học được sắp xếp khá hợp lý với mức độ vừa phải, phù hợp với trình độ của học viên. Tuy nhiên, đề tài cũng đã chỉ ra còn một số hạn chế cần được khắc phục trong các bộ giáo trình TVCNNN tương lai. Chương 3, khảo sát bằng 2 bảng câu hỏi cho giáo viên và học viên đang dạy và học tiếng Việt, sử dụng các bộ sách thông dụng đang khảo sát. Chương này tiến hành khảo sát hết sức chi tiết về chất lượng và hiệu quả của giáo trình TVCNNN đối với người dạy và người học đã và đang sử dụng tài liệu này cho quá trình dạy và học tiếng Việt, khảo sát sâu về thái độ của người dạy và người học các giáo trình TVCNNN hiện có ở Việt Nam. Nhờ đó, kết quả thu được khá khả quan và thiết thực đối với nhà nghiên cứu. Chương 4, đã phác thảo Bộ tiêu chuẩn để đánh giá một bộ giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở Việt Nam. Với 11 tiêu chuẩn và 74 tiêu chí cụ thể, hy vọng rằng Bộ tiêu chuẩn này sẽ đủ cơ sở khoa học và thực tiễn, có khả năng đo lường các cuốn giáo trình TVCNNN đã và sẽ xuất bản, đáp ứng được tiêu chuẩn về sách dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ của Việt Nam cũng như một cuốn giáo trình hướng tới chuẩn quốc tế, có thể sánh ngang với các cuốn giáo trình dạy tiếng của các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Chương 5, dựa vào cơ sở lý luận và các kết quả khảo sát toàn diện về giáo trình, thái độ đánh giá của giáo viên và học viên đang sử dụng giáo trình TVCNNN, đặc biệt là Bộ tiêu chuẩn được phác thảo ở chương 4, nhóm nghiên cứu đã phác thảo, đề xuất một bộ khung của bộ giáo trình mới ở tất cả các cấp học của nó. Đây là hệ giáo trình đề xuất theo hướng giao tiếp hiện đại, kết hợp một cách thận trọng giữa lý luận và thực tiễn, tránh các nhược điểm của hệ thống giáo trình hiện có, đó có thể là những gợi ý thiết thực cho những người biên soạn sách trong tương lai.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc và đánh giá cao về mặt lý luận và thực tiễn. Công trình đã có đóng góp vào việc ứng dụng khoa học trong đời sống. Cụ thể là ứng dụng trong việc biên soạn và đánh giá giáo trình, nói chung và giáo trình TVCNNN ở Việt Nam, nói riêng. Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện và quy mô về lĩnh vực này và đã đưa ra được Bộ tiêu chuẩn đề xuất để đánh giá giáo trình TVCNNN đầu tiên ở Việt Nam + Bộ khung giáo trình TVCNNN 6 bậc theo các tiêu chuẩn được đề xuất, kèm với 12 kiến nghị vi mô cho việc biên soạn giáo trình TVCNNN và 3 kiến nghị vĩ mô cho các cấp quản lý nhà nước hữu trách về việc chuẩn hóa chương trình và chấn chỉnh công tác đào tạo TVCNNN trên phạm vi toàn quốc ở Việt Nam. Nhóm tác giả đã thành công trong việc áp dụng những lý luận và phương pháp mới để giải quyết các vấn đề nghiên cứu đặt ra. Đặc biệt các tư liệu điều tra của Đề tài rất hữu ích đối với các học giả và giới nghiên cứu nói chung. Kiến nghị của đề tài sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy - học tiếng Việt cho người nước ngoài ở Việt Nam./.
Tác giả bài viết: Hồng Phong
Nguồn tin: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Ý kiến bạn đọc