1. Chủ nhiệm đề tài: GS TS Nguyễn Văn Khánh
2. Cơ quan chủ trì theo hồ sơ: Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn
3. Cơ quan chủ trì hiện tại: Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn
4. Cơ quan phối hợp thực hiện:
- Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn
5. Mục tiêu thực hiện:
Làm rõ yêu cầu cấp thiết của sự nghiệp chấn hưng đất nước với nguồn lực trí tuệ Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và xu hướng phát triển kinh tế tri thức trong thế kỷ XXI. Đề tài sẽ đưa ra những luận cứ khoa học có tính thuyết phục về nguồn lực trí tuệ với tính cách là một nguồn tài nguyên quý báu, vô tận và không thể thiếu được mà nhờ vậy Việt Nam có thể đi tắt, đón đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá để sớm trở thành một nước công nghiệp phát triển, sánh vai các cường quốc năm châu.
Nghiên cứu cơ sở lý luận, phương pháp tiếp cận và những vấn đề lý luận về trí tuệ, nguồn lực trí tuệ, xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ, trên cơ sở làm rõ những khái niệm cơ bản, đưa ra một cái nhìn tổng quan về các quan điểm trong lịch sử tư tưởng phương Đông, phương Tây đối với các vấn đề trên; cung cấp cơ sở lý luận và phương pháp luận cho đề tài; hệ thống hoá các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về chính sách, pháp luật đối với các vấn đề trí tuệ, nguồn lực trí tuệ, xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ.
Làm rõ đặc điểm, bản chất và thực trạng của nguồn lực trí tuệ Việt Nam trong lịch sử và hiện tại, các quan niệm khác nhau về trí tuệ Việt Nam và kết cấu của nó, về các yếu tố cơ bản (chính trị, kinh tế, văn hoá, đạo đức, tôn giao, tín ngưỡng, v.v…) tác động đến trí tuệ Việt Nam; đánh giá những ưu điểm nổi bật và những hạn chế chủ yếu của trí tuệ Việt Nam, nguồn lực trí tuệ Việt Nam; phân tích kinh nghiệm của ông cha ta trong việc xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam cũng như những kinh nghiệm của một số quốc gia như Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Nhật Bản và các nước được coi là những con rồng ở Đông Á và Đông Nam Á trong việc xây dựng và phát huy nguồn lực tinh thần, trí tuệ của dân tộc mình. Để làm rõ thực trạng của nguồn lực trí tuệ Việt Nam hiện nay, với cách tiếp cận đa ngành, đề tài sẽ tiến hành khảo sát nhằm thu thập dữ liệu, dữ kiện để làm rõ thực trạng của nguồn lực trí tuệ Việt Nam hiện nay trong những lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội, đặc biệt là các lĩnh vực của khoa học và nghệ thuật. Trên cơ sở đó, đề tài sẽ tiến hành phân tích theo phương pháp tích hợp liên ngành (comprehensive interdisciplinary analysis) dưới giác độ của triết học, văn hoá học, sử học, xã hội học, tâm lý học, dân tộc học, khoa học chính trị, giáo dục học, nhân học, y học, khoa học nhận thức, khoa học quản lý v.v… và theo phương pháp phân tích đa chiều (multi-dimensional analysis) nhằm làm rõ bản chất và những đặc điểm quan trọng nhất của nguồn lực trí tuệ Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay. Để khẳng định điều này, nhóm nghiên cứu sẽ giới thiệu 100 gương mặt tiêu biểu cho trí tuệ Việt Nam trong thế kỷ XX và hiện nay với những thành tựu nổi bật.
Đề xuất các quan điểm và giải pháp nhằm xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam phục vụ sự nghiệp chấn hưng đất nước phù hợp với tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Đúc kết kinh nghiệm của lịch sử dân tộc và vận dụng các kinh nghiệm của các nước, đề tài sẽ nêu ra các giải pháp và khuyến nghị nhằm một mặt khắc phục tình trạng lãng phí “chất xám” và chảy máu “chất xám”, mặt khác xây dựng, phát triển và khai thác mọi nguồn lực trí tuệ Việt Nam phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Có hai nhóm giải pháp chính được đề xuất. Nhóm giải pháp vĩ mô, chủ yếu hướng tới quá trình hoạch định chiến lược phát triển con người Việt Nam nói chung và chiến lược đào tạo, sử dụng và phát huy nguồn lực trí thức tinh hoa và nguồn lực trí tuệ Việt Nam nói riêng. Nhóm giải pháp này đặc biệt hướng đến việc xây dựng môi trường phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam với hệ thống các chính sách đặc biệt kèm theo. Nhóm giải pháp thứ hai là các khuyến nghị ở tầm vi mô, mang tính chuyên biệt, cụ thể, có tính thực tiễn cao, trực tiếp liên quan đến việc xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam trong từng lĩnh vực của khoa học, công nghệ, văn hoá và nghệ thuật đối với các cơ quan Đảng và Nhà nước.
6. Các sản phẩm chính:
Báo cáo khoa học (báo cáo chuyên đề, báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu, báo cáo kiến nghị); kết quả dự báo; mô hình; quy trình; phương pháp nghiên cứu mới; sơ đồ, bản đồ; số liệu, cơ sở dữ liệu và các sản phẩm khác.
Bài báo, sách chuyên khảo và các sản phẩm khác.
7. Thời gian thực hiện: 01/01/2009 - 01/12/2010
Nguồn tin: Bộ Khoa học và Công nghệ
Ý kiến bạn đọc