Đề tài cấp Bộ “Hợp tác an ninh phi truyền thống trên biển ở Đông Nam Á và gợi ý chính sách cho Việt Nam” đạt loại xuất sắc

Thứ tư - 27/03/2019 16:30 2.573 0
Chiều ngày 24/03/2019, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài “Hợp tác an ninh phi truyền thống trên biển ở Đông Nam Á và gợi ý chính sách cho Việt Nam” do TS. Võ Xuân Vinh làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á là cơ quan chủ trì, đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc.

Các thách thức an ninh phi truyền thống xuất hiện từ lâu trong lịch sử nhưng do những nguyên nhân khác nhau, thế giới mới thực sự quan tâm tới các thành tố an ninh này kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc khi trật tự thế giới hai cực đối đầu được thay thế bằng xu thế hợp tác và hội nhập, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Để đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển và hội nhập kinh tế, an ninh trong các không gian, trong đó có không gian biển thực sự được quan tâm hơn. Bên cạnh những vấn đề an ninh truyền thống còn tồn tại trong không gian biển như tranh chấp chủ quyền biển đảo, nhiều thách thức an ninh phi truyền thống trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới.

Với vị trí địa chính trị, địa kinh tế quan trọng, khu vực Đông Nam Á với không gian biển rộng lớn vốn là địa bàn cạnh tranh của nhiều thế lực trong lịch sử tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh, trong đó có các thách thức an ninh phi truyền thống như khủng bố trên biển, cướp biển, buôn lậu vũ khí hạng nhẹ, buôn bán ma túy, buôn người, buôn lậu hàng hóa, ô nhiễm môi trường biển, thiên tai trên biển, v.v... Có thể nói, sự phức tạp của địa hình, yếu tố lịch sử-văn hóa của tội phạm biển, vị trí địa chiến lược quan trọng, năng lực thực thi pháp luật trên biển hạn chế của phần lớn các quốc gia trong khu vực, tranh chấp tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa một số quốc gia/vùng lãnh thổ trong và ngoài khu vực ở khu vực Biển Đông cùng việc chủ quyền biển đảo giữa một số nước trong khu vực chưa được phân định dẫn tới việc Đông Nam Á trở thành một trong những vùng biển phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh phi truyền thống trên biển lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh như vậy, hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống trên biển, đặc biệt là khủng bố trên biển, cướp biển và ô nhiễm môi trường biển ở Đông Nam Á được đẩy mạnh với các nỗ lực của các nước trong khu vực thông qua Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trước những vấn đề nêu trên, đề tài “Hợp tác an ninh phi truyền thống trên biển ở Đông Nam Á và gợi ý chính sách cho Việt Nam” được thực hiện, nhằm tìm hiểu một cách hệ thống và giải đáp phần nào các vấn đề được đặt ra, làm rõ tình hình hợp tác an ninh phi truyền thống trên biển ở Đông Nam Á và đưa ra một số gợi ý chính sách cho Việt Nam. Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung nghiên cứu chính của đề tài được thể hiện ở ba chương như sau:

Chương 1: An ninh phi truyền thống trên biển ở Đông Nam Á, tìm hiểu và đưa ra nhận thức về an ninh phi truyền thống, an ninh biển và an ninh phi truyền thống trên biển; nêu lên hiện trạng một số thách thức an ninh phi truyền thống trên biển ở Đông Nam Á trong thời gian qua. Với vị trí địa-chính trị và địa-kinh tế quan trọng cùng năng lực kiểm soát an ninh trên biển còn nhiều hạn chế, khu vực Đông Nam Á đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống trên biển, bao gồm các mối đe dọa an ninh có tổ chức như khủng bố, cướp biển, buôn lậu vũ khí hạng nhẹ, buôn lậu ma túy, buôn bán người, đánh bắt cá trái phép đến các vấn đề an ninh khác như ô nhiễm môi trường, thảm họa tự nhiên. Những thách thức an ninh phi truyền thống này cần được giải quyết ở các cấp độ khu vực, hợp tác ba bên, song phương cũng như giữa khu vực với bên ngoài.

Chương 2: Hiện trạng hợp tác an ninh phi truyền thống trên biển ở Đông Nam Á từ năm 2003 đến năm 2018, phân tích thực trạng hợp tác ứng phó với các thách thức như khủng bố trên biển, cướp biển và bảo vệ môi trường biển từ các cấp độ: trong khuôn khổ của ASEAN, trong khuôn khuôn khổ của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ARF, ADMM+, EAS, EAMF, và một số cơ chế khu vực khác như CSCAP hay ReCAAP.

Chương 3: Một số nhận xét, đánh giá và gợi ý cho Việt Nam, đưa ra một số nhận xét, đánh giá về thành công và hạn chế hợp tác an ninh phi truyền thống trên biển ở Đông Nam Á từ 2003 đến 2018, từ đó đưa ra một số gợi ý cho Việt Nam trong hợp tác ở Đông Nam Á về chống khủng bố trên biển, chống cướp biển và bảo vệ môi trường biển.

Là một quốc gia Đông Nam Á có đường bờ biển dài, vùng biển rộng, hợp tác chống khủng bố, chống cướp biển và bảo vệ môi trường biển cũng như ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống trên biển là yêu cầu cấp bách đối với Việt Nam. Hợp tác sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực, chia sẻ thông tin để phối hợp ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức này. Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam cần chủ động hài hòa hóa khung khổ pháp lý với khu vực và quốc tế về các lĩnh vực, chủ động áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng. Việt Nam cũng cần tăng cường hợp tác khu vực trong khuôn khổ của ASEAN, các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, CSCAP, ReCAAP nhằm nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển và bảo vệ môi trường cũng như thông qua các cơ chế này để bảo vệ các lợi ích hợp pháp của mình ở khu vực Biển Đông và các vùng biển khác ở Đông Nam Á, v.v…
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc và đánh giá cao về mặt lý luận, thực tiễn. Qua đó có thể làm tài liệu tham khảo, cung cấp thêm luận cứ khoa học cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu có thêm cơ sở lý luận cần thiết góp phần vào việc hoàn thiện các định hướng chính sách nhằm bảo vệ, gìn giữ an ninh trên biển nói chung và an ninh phi truyền thống trên biển nói riêng. Dự kiến đề tài sẽ được in thành sách và ra mắt bạn đọc trong thời gian tới./.

Theo https://vass.gov.vn

Tác giả bài viết: Gia Bảo

Nguồn tin: Viện Nghiên cứu Giáo dục quốc tế

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây