Bộ GD-ĐT công bố những thay đổi trong quy chế thi THPT quốc gia 2019

Thứ bảy - 02/02/2019 09:53 1.276 0
Ngày 1/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.
Bộ GD-ĐT công bố những thay đổi trong quy chế thi THPT quốc gia 2019
Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 về cơ bản giữ ổn định đối với các thí sinh như năm 2018, nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Những điều chỉnh phần lớn liên quan đến tổ chức thi, chấm thi, xét công nhận tốt nghiệp…

Camera an ninh giám sát ghi hình phòng bảo quản đề thi 24/24

Theo dự thảo quy chế, đề thi và bài thi phải được bảo quản trong các tủ riêng biệt. Tủ đựng đề thi, tủ đựng bài thi phải đảm bảo chắc chắn, phải được khóa và niêm phong, chìa khóa do Trưởng Điểm thi giữ. Khi mở niêm phong phải có chứng kiến của Công an và những người ký nhãn niêm phong; đồng thời lập biên bản ghi rõ thời gian mở, lý do mở...

Khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có lực lượng công an trực và bảo vệ 24 giờ/ngày. Phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, tự luận có camera an ninh giám sát, ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày, có công an bảo vệ, giám sát 24 giờ/ngày. Các giải pháp này đưa ra để ngăn chặn, tránh lặp lại sự cố nâng bài, sửa điểm thi như đã xảy ra trong năm 2018.

Trường đại học phụ trách chấm thi trắc nghiệm

Điểm thay đổi quan trọng thứ hai trong Dự thảo Quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia 2019 là việc chấm thi trắc nghiệm sẽ do các trường đại học chủ trì tổ chức thay vì các sở giáo dục và đào tạo như trước đây.

Cụ thể, theo Dự thảo, các trường đại học chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm tại các hội đồng thi. Sở giáo dục và đào tạo địa phương chịu trách nhiệm chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, tài chính; hệ thống máy tính, máy quét ảnh và các thiết bị phụ trợ. Các sở cũng có trách nhiệm phối hợp với lực lượng công an, bảo vệ đảm bảo an ninh, an toàn cho việc chấm thi trắc nghiệm.

Trường đại học được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ cử người để giám đốc sở GD-ĐT ra quyết định thành lập ban chấm thi trắc nghiệm. Ban chấm thi trắc nghiệm chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo thi Trung học phổ thông quốc gia. Trưởng ban chấm thi là lãnh đạo trường đại học. Việc quy định trường đại học chủ trì tổ chức chấm thi được cho là sẽ tăng tính khách quan, giảm nguy cơ xảy ra tiêu cực trong kỳ thi.

Bài làm được chấm bằng phần mềm chuyên dụng của Bộ GD-ĐT

Theo dự thảo, các Phiếu trả lời trắc nghiệm (bài làm của thí sinh) đều phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ GD-ĐT cung cấp. Ngay khi quét xong toàn bộ bài thi trắc nghiệm của Hội đồng thi, dữ liệu ảnh quét (đã được mã hóa) phải được sao lưu ra đĩa CD hoặc DVD thành 03 bộ đĩa giống nhau, đóng gói niêm phong; bàn giao 01 bộ đĩa cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu trữ, 01 bộ đĩa Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ; 01 bộ đĩa gửi về Bộ GD-ĐT để quản lý và giám sát; đồng thời, gửi tệp dữ liệu ảnh quét dưới dạng mã hóa về Bộ GD-ĐT.

Sau khi hoàn thành khâu xử lý kỹ thuật dữ liệu ảnh quét, Tổ chấm bài thi trắc nghiệm mới được tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi và từng môn thi thành phần của bài thi tổ hợp.

Thay đổi cách xét công nhận tốt nghiệp

Cách xét công nhận tốt nghiệp THPT cũng là một điểm thay đổi quan trọng trong Dự thảo Quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019. Năm 2018, điểm kỳ thi THPT quốc gia sẽ chiếm tỷ trọng 50% trong việc xét công nhận tốt nghiệp, 50% còn lại là điểm học bạ. Năm 2019, điểm của kỳ thi tăng lên 70%, điểm học bạ chỉ chiếm 30%. Những thí sinh có giấy chứng nhận nghề loại giỏi cũng sẽ được cộng 2,0 điểm. Bộ GD-ĐT sẽ lấy ý kiến góp ý về Dự thảo quy chế thi THPT quốc gia 2019 đến hết ngày 31/3/2019.

Có thể thấy những thay đổi trong Dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia 2019 không có nhiều thay đổi so với công văn trước đó của Bộ về những dự kiến điều chỉnh trong Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019. Những thay đổi này tập trung chủ yếu ở khâu coi thi, chấm thi, nhằm siết chặt hơn kỷ luật trường thi, đảm bảo tính an toàn, nghiêm túc, công bằng của kỳ thi.

Tác giả bài viết: Văn Thành

Nguồn tin: Báo Đời sống và Pháp luật

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây