Theo đó, kỳ thi THPT Quốc gia 2019 vẫn được tổ chức để lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở cho tuyển sinh giáo dục đại học (ĐH) và giáo dục nghề nghiệp.
Kỳ thi này cũng được nhận định có nhiều điểm mới so với năm trước như nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi tiếp tục được thiết kế theo định hướng đánh giá năng lực người học, tăng cường các câu hỏi mở, câu hỏi có tính ứng dụng để phát huy sáng tạo của học sinh với các câu hỏi ở mức độ cơ bản, đáp ứng mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT và có các câu hỏi có tác dụng phân hóa ở mức độ hợp lý để hỗ trợ công tác tuyển sinh giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp; các câu hỏi được sắp xếp theo độ khó tăng dần giúp thí sinh thuận lợi khi làm bài.
Vai trò của kỳ thi THPT Quốc gia 2019 cũng được nâng lên khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định tăng tỷ lệ xét công nhận tốt nghiệp THPT dựa trên kết quả kỳ thi này lên 70% điểm trung bình các bài thi và 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh; thay vì tỷ lệ 50:50 như trước đây.
Điều đáng chú ý, để tránh tình trạng gian lận như đã xảy ra tại các kỳ thi THPT Quốc gia trước đó. Năm nay, khâu tổ chức và kỹ thuật được siết khá chặt. Cụ thể, các trường ĐH, CĐ sẽ được điều động đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình.
Việc sắp xếp phòng thi được thực hiện theo hướng các thí sinh tự do, thí sinh là học viên giáo dục thường xuyên phải thi chung điểm thi với thí sinh là học sinh lớp 12 THPT (tỷ lệ ít nhất 60% trong tổng số thí sinh của điểm thi). Phương án sắp xếp phòng thi, phòng chờ tại các điểm thi cũng được tối ưu hóa với sự trợ giúp của phần mềm nhằm đảm bảo trật tự, an ninh, an toàn tại điểm thi.
Khu vực lưu trữ đề thi, bài thi phải có camera an ninh giám sát 24/24 giờ, có lực lượng công an trực an ninh 24/24 giờ đi cùng các quy định liên quan tới cách thức niêm phong và mở niêm phong phòng, tủ đựng bài thi, đề thi; trực đêm tại phòng lưu trữ đề thi, bài thi tại điểm thi sẽ do Phó trưởng điểm hoặc thư ký là cán bộ, giảng viên của ĐH, CĐ thực hiện.
Các điểm thi phải thực hiện nghiêm túc việc bốc thăm phân công cán bộ coi thi để đảm bảo khách quan; phân công cán bộ giám sát phòng thi theo quy định mỗi cán bộ giám sát không quá 7 phòng thi; thống nhất quy trình, quy cách niêm phong túi đựng bài thi. Cụ thể, nhãn niêm phong sẽ được sử dụng bằng giấy dễ rách, dùng 1 lần, trên nhãn niêm phong có họ tên, chữ ký của Phó trưởng điểm thi là cán bộ của trường ĐH, CĐ; sau khi dán nhãn thì dán phủ một lớp băng dính trong lên nhãn niêm phong một vòng quanh túi đựng bài thi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi (bao gồm cả dữ liệu quét ảnh, các dữ liệu trung gian và kết quả chấm thi cuối cùng); tiến hành đánh phách điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm để không thấy được mối liên hệ giữa thông tin cá nhân và phần bài làm của thí sinh. Mọi thao tác trên phần mềm chấm thi được lưu vết, chỉ người có trách nhiệm mới mở để xem/đọc (không sửa được) các thông tin này nhằm hỗ trợ phát hiện các can thiệp trái phép hay gian lận khi sử dụng phần mềm chấm thi.
Đối với việc chấm bài thi tự luận (Ngữ văn) do sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì; Bộ cũng đưa ra những quy định chặt chẽ việc cách ly trong khi làm phách, bảo mật số phách; thực hiện nghiêm túc việc chấm 2 vòng độc lập; thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra; yêu cầu ráp phách thủ công ít nhất 20% số bài thi Ngữ văn; tiến hành nhập kết quả chấm tự luận theo 2 vòng độc lập, sau đó đối sánh để đảm bảo không có sai sót khi đó mới cập nhật kết quả chấm thi lên hệ thống phần mềm quản lý thi. Căn cứ kết quả phân tích dữ liệu thống kê kết quả thi của các địa phương, trong trường hợp cần thiết bài thi sẽ được chấm thẩm định.