Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho HSSV

Thứ tư - 13/02/2019 09:49 635 0
Ngành Giáo dục đang triển khai, thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; trong đó chú trọng hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của người học; đồng thời coi trọng giáo dục lý tưởng, nhân cách, đạo đức lối sống cho HSSV. Về vấn đề này, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) có những chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại.
Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho HSSV
Từ năm 2008 đến nay, Bộ GD&ĐT đã tham mưu 2 Quyết định của TTg CP về bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; văn hóa ứng xử cho HSSV. Đồng thời, ban hành theo thẩm quyền 4 văn bản quy phạm pháp luật, 6 văn bản chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn liên quan đến giáo dục kỹ năng sống (GDKNS) và hoạt động ngoài giờ chính khóa cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.

Công tác GDKNS nhận được sự đồng thuận, tham gia, hưởng ứng của cán bộ giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và toàn xã hội, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Chất lượng giáo dục toàn diện học sinh được nâng lên, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng theo từng năm và duy trì tỷ lệ chuyên cần; giảm học sinh bỏ học.

Học sinh biết ứng phó với các tình huống bạo lực trong nhà trường, biết phòng, tránh tai nạn thương tích, đuối nước... và có kiến thức cơ bản về giới tính, có kỹ năng chống lại sự cám dỗ từ tệ nạn xã hội. Nội dung chương trình GDKNS được lồng ghép vào các môn học Đạo đức, Giáo dục công dân, Văn học, Địa lý… trong giờ học chính khóa.

Bộ GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, tổ chức Đoàn thể Trung ương trong GDKNS thông qua các phong trào thi đua: “Dạy tốt, học tốt”; “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; “Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực” của ngành Giáo dục và các phong trào “Thiếu nhi thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy”; “Khi tôi 18”; “Học sinh 3 rèn luyện”; “Sinh viên 5 tốt”, Chiến dịch “Mùa hè xanh”, Chương trình “Tiếp sức mùa thi”... của tổ chức Đoàn, Hội, Đội.

Đối với địa phương, 100% các Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch, chương trình giáo dục đạo đức, lối sống và KNS trong các nhà trường. Hầu hết các trường sư phạm đã ban hành văn bản chỉ đạo theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về GDKNS cho sinh viên và được lồng ghép trong các môn học, chương trình giáo dục chính trị, tuần sinh hoạt công dân đầu khóa, các hoạt động ngoại khóa và các hoạt động Đoàn, Hội…

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng chương trình, tài liệu thực hành GDKNS dành cho giáo viên, học sinh THCS, tiểu học để làm tài liệu tham khảo và áp dụng triển khai các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo biên soạn, thẩm định tài liệu GDKNS, thực hành đạo đức cho học sinh phổ thông và sinh viên đại học.

Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, việc triển khai giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho HSSV vẫn bộc lộ hạn chế nhất định.

Thứ nhất, nội dung GDKNS đa phần là lồng ghép, tích hợp với các môn học, chưa được xây dựng thành chương trình riêng trong chương trình phổ thông, nên việc tổ chức, thực hiện chưa thực sự mang lại hiệu quả; khó khăn trong quá trình kiểm tra, đánh giá.

Thứ hai, cơ sở vật chất, thiết bị trong trường học mới chỉ đáp ứng nhu cầu giảng dạy kiến thức cho học sinh, chưa đáp ứng được hoạt động GDKNS. Các hoạt động chủ yếu tổ chức trong phòng học, hội trường, hoạt động tổ chức ở không gian ngoài lớp học, dưới dạng trải nghiệm ở các cơ sở thực tế còn ít. Theo số liệu báo cáo, mới có 70% sinh viên tham gia GDKNS.

Thứ ba, công tác đào tạo, bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy KNS gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Hằng năm, mới có khoảng trên 85% giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông được tham gia tập huấn.

Thứ tư, nguồn lực kinh phí dành cho GDKNS còn hạn chế. Nhiều trường không có nguồn kinh phí riêng để triển khai hoạt động GDKNS cho HSSV nên các hoạt động chưa chuyên sâu, quy mô hạn chế.

Thứ năm, tài liệu, học liệu, các phần mềm chuyên nghiệp và phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho GDKNS, chưa đa dạng, phong phú. Thứ sáu, cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức về GDKNS.

Tới đây Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, ban hành quy định, hướng dẫn triển khai công tác GDKNS trong toàn ngành để phù hợp với tình hình thực tiễn. Công tác GDKNS sẽ được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp hơn và như là một hợp phần quan trọng trong tổng thể Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bộ sẽ tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan biên soạn và thẩm định bổ sung hệ thống các chương trình bồi dưỡng, tài liệu giáo dục, học liệu, phần mềm GDKNS phục vụ cho công tác GDKNS.

Đồng thời tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, nhân viên trực tiếp tổ chức thực hiện. Cụ thể hóa nội dung GDKNS trong thời lượng hoạt động trải nghiệm được bố trí trải dài trong 12 năm học giáo dục phổ thông.

Cùng với đó, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ, hoạt động Đoàn - Hội - Đội và hoạt động của các câu lạc bộ của HSSV. Ngoài ra, chú trọng lồng ghép nội dung GDKNS trong hoạt động của tổ tư vấn tâm lý cho học sinh trong các trường phổ thông. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức, triển khai công tác GDKNS cho HSSV.

Tác giả bài viết: Uyên Linh

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây