Cần chính sách 'đặc thù' phát triển giáo dục vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ ba - 28/05/2019 10:23 943 0
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc phát triển giáo dục của Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế; trong đó, nổi bật nhất là chi ngân sách giáo dục của vùng thấp nhất cả nước, cơ cấu chi bất hợp lý. Đó là thông tin được Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ nêu tại Hội nghị “Đánh giá thực trạng giáo dục mầm non, phổ thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, tổ chức tại Cần Thơ ngày 25/5.
Quang cảnh Hội nghị đánh giá thực trạng giáo dục mầm non, phổ thông khu vực ĐBSCL
Quang cảnh Hội nghị đánh giá thực trạng giáo dục mầm non, phổ thông khu vực ĐBSCL
Chia sẻ tại hội nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, có thể coi đây là “Hội nghị Diên hồng” với ĐBSCL về giáo dục và đào tạo; mục đích nhằm soát xét thực trạng, tìm ra những vấn đề đang cản trở nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Từ đó, đề xuất những nhóm giải pháp để phát triển giáo dục ĐBSCL, trong đó có đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho vùng, đảm bảo tính khả thi. Về phía Bộ GD&ĐT, sẽ tiếp tục rà soát chính sách, tham mưu cho Chính phủ ban hành các Nghị định sát với thực tế, những vấn đề rộng, có tính chất vùng sẽ cân nhắc tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết về giáo dục và đào tạo cho khu vực ĐBSCL. Bộ cũng sẽ rà soát các thông tư liên tịch, thông tư ban hành trong thẩm quyền để bổ sung, hoàn thiện và ban hành mới, tạo điều kiện cho thuận lợi cho phát triển giáo dục ĐBSCL...

Bộ trưởng Nhạ cho biết thêm, hiện Bộ GD&ĐT đang xây dựng bộ chỉ số đánh giá giáo dục các địa phương, qua đó nhìn nhận chất lượng giáo dục của từng địa phương, từng vùng, từ đó biết đâu là vùng trũng và trách nhiệm đến đâu của từng bộ, ngành, địa phương.

Theo ông Phạm Hùng Anh - Cục Trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT), hiện ĐBSCL có tổng cộng 6.874 trường, với 2.029 trường mầm non, 3.101 trường tiểu học, 1.407 trường trung học cơ sở, 377 trường trung học phổ thông. Tỷ lệ học sinh tiểu học của ĐBSCL bỏ học chiếm 55,1% trong tổng số của cả nước, với các lý do chính được nêu ra như: Đời sống kinh tế khó khăn, dân di cư theo thời vụ, địa hình sông nước khó di chuyển trong mùa mưa...

Tổng chi ngân sách địa phương trung bình/năm (gia đoạn 2011 - 2016) cho các cấp học của vùng có sự phân hóa rõ rệt: Mầm non và trung học phổ thông chiếm tỷ lệ thấp nhất, lần lượt là 14,9% và 15,3%, thấp hơn bình quân chung của cả nước là 11,9%). Đối với bậc trung học cơ sở là 27% và tiểu học chiếm 42,8%. Tỷ lệ này cho thấy sự bất hợp lý trong việc phân bổ chi ngân sách địa phương cho các cấp học. Bên cạnh đó, việc được hỗ trợ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương thông qua các chương trình, đề án dành cho ĐBSCL còn rất thấp so với các vùng trong cả nước. Theo đó, toàn vùng để đạt được mức bình quân chung của cả nước về cơ sở vật chất, cần xây mới khoảng 3.300 phòng học (bậc Mầm non và Tiểu học); cải tạo, nâng cấp (kiên cố hóa) khoảng 8.550 phòng học; mua sắm, bổ sung gần 2.200 bộ thiết bị dạy học; đầu tư mới 758 phòng học bộ môn (bậc Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông)...

Tác giả bài viết: Chí Thanh

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây