Tăng mức đầu tư
Đề án đặt ra một số mục tiêu cụ thể, đáng chú ý là trong khoảng 10 năm (từ 2020 - 2030) đào tạo trình độ tiến sĩ cho 10% GV ĐH. Nhà nước sẽ gửi đi đào tạo tiến sĩ toàn thời gian ở nước ngoài cho 7% GV, còn 3% được đào tạo theo kiểu phối hợp trong nước giữa các trường ĐH VN với trường nước ngoài đạt chuẩn chất lượng khu vực và thế giới.
Trong quá trình triển khai đề án, các cơ quan thực hiện sẽ phải bảo đảm sự bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục ĐH công lập và ngoài công lập. Các trường ĐH được quyền tự chủ trong việc tuyển chọn, xét duyệt, lập danh sách GV đủ điều kiện cử đi đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, phương thức đào tạo.
Trong đề án, nhà nước cũng cam kết sẽ tăng mức đầu tư cho đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ đáp ứng đủ chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, thực hành, thí nghiệm, thực tập và công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí có uy tín trong khu vực và trên thế giới.
Số lượng giảng viên ước đoán cần đào tạo
Theo một báo cáo gần đây của Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, năm học 2017 - 2018 cả nước có 74.991 GV đại học, trong đó GV có trình độ tiến sĩ là 20.198, đạt tỷ lệ 27%. Trong khi đó, theo đề án nâng cao chất lượng giáo dục ĐH mà Chính phủ cũng vừa mới phê duyệt (Báo Thanh Niên đã có bài phản ánh), mục tiêu đến năm 2025 đạt tỷ lệ 35% GV có trình độ tiến sĩ.
Một chuyên gia phân tích, nếu dựa vào số lượng tăng GV hằng năm trong những năm qua, giả sử bình quân mỗi năm số lượng đội ngũ GV đại học tăng 2 - 3%, thì 10 năm nữa cần đào tạo thêm 9.750 GV để đạt mục tiêu đào tạo tiến sĩ cho 10% GV. Nếu muốn đạt mục tiêu đào tạo tiến sĩ toàn thời gian ở nước ngoài cho 7% GV thì con số cần đào tạo này là 6.825 GV.
Cứ đào tạo hết ở nước ngoài là tốt ?
Theo PGS Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Đào tạo sau ĐH, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, khó có thể nhận định chung chung việc gửi GV đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài là tốt hay không tốt nếu không căn cứ vào chiến lược, điều kiện, nguồn lực của từng trường ĐH cụ thể. Đào tạo tiến sĩ cho GV là để giúp GV được học cách làm nghiên cứu khoa học chứ không phải để “chuẩn hóa” bằng cấp. Vì thế không phải cứ ra nước ngoài hết là tốt, nếu như trở về không có môi trường học thuật phù hợp để phát huy năng lực nghiên cứu đã được học ở nước ngoài, hoặc không được tiếp tục đầu tư nguồn lực để nghiên cứu. “Với những trường có tham vọng hội nhập quốc tế thì dĩ nhiên việc gửi GV đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài là cần; nhưng đào tạo là một phần, còn muốn tăng năng lực nghiên cứu cho GV thì phải có bài toán tổng thể để giải quyết”, PGS Thành nói.
Còn ông Ngô Quý Nhâm, GV Trường ĐH Ngoại thương, hiện là nghiên cứu sinh tại PSL Paris Dauphine University (Pháp), thì cho rằng để nâng cao chất lượng GV ĐH, đặc biệt là với các trường khối ngành kinh tế, thì rất cần gửi GV đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài. Người được đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài thì sẽ hiểu các yêu cầu của các tạp chí quốc tế để công bố nói chung và phương pháp nghiên cứu nói riêng, sẽ hiểu hơn xu hướng nghiên cứu trong các chuyên ngành nghiên cứu, đó là những cơ sở quan trọng để có thể xuất bản quốc tế. Ông Nhâm nói: “Nếu so sánh chương trình đào tạo tiến sĩ của nước ngoài với trong nước sẽ thấy khác nhau một trời một vực”.
Kinh phí chủ yếu từ ngân sách nhà nước
Đề án không xác định rõ số tiền để thực hiện mục tiêu này, tuy nhiên khẳng định kinh phí thực hiện bao gồm ngân sách nhà nước (bố trí theo quy định về phân cấp ngân sách hiện hành), nguồn tài chính của các cơ sở giáo dục ĐH và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hải Thập, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết trong dự thảo các phiên bản trước đây, ban soạn thảo cũng nghĩ đến việc ước tính tổng kinh phí thực hiện đề án nhưng về sau không có cơ sở để tính toán nên trong đề án không có con số kinh phí.
Ông Thập nói: “Chưa thể tính cụ thể được, vì cần bao nhiêu kinh phí còn tùy theo số lượng thực tế tiến sĩ cần đào tạo của từng trường. Hiện các trường có tỷ lệ tiến sĩ/GV rất khác nhau. Ví dụ Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội hiện đạt 100% GV là tiến sĩ thì có thể chỉ cần đào tạo một số lượng ít nhằm gối vào số GV sẽ nghỉ hưu hoặc chuyển sang công việc khác. Còn các trường như: Kinh tế quốc dân, Bách khoa Hà Nội hiện mới có khoảng 40 - 50% GV là tiến sĩ thì chỉ cần tăng ít thôi. Trường nào chưa có hoặc quá ít tiến sĩ thì phải tăng tối đa để đạt 35% vào năm 2025. Kinh phí lấy từ nguồn ngân sách nhà nước sẽ được Bộ Tài chính phân bổ thẳng xuống trường chứ không qua Bộ GD-ĐT”.
Thu hút ít nhất 1.500 nhà khoa học nước ngoài
Đề án cũng đặt ra mục tiêu thu hút được ít nhất 1.500 nhà khoa học, người có trình độ tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc trong nước, hoặc ở ngoài các cơ sở giáo dục ĐH đến làm việc tại các cơ sở giáo dục ĐH VN. Phấn đấu 80% GV các trường thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao đạt trình độ thạc sĩ trở lên, được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài và trong nước đạt chuẩn chất lượng khu vực, thế giới, cơ cấu hợp lý.
Đến 2030, phấn đấu 100% cán bộ quản lý và GV được bồi dưỡng nâng cao năng lực, trong đó chú trọng các năng lực của GV về phát triển chương trình đào tạo, giảng dạy theo phương pháp hiện đại, nghiên cứu khoa học, ngoại ngữ và công nghệ thông tin.