Diễn đàn Hiệu trưởng đại học Việt Nam – LB Nga

Thứ năm - 30/05/2019 15:21 927 0
Triển khai các hoạt động trong Năm chéo Việt - Nga (2019-2020), trong khuôn khổ các hoạt động liên quan đến giáo dục, Diễn đàn Hiệu trưởng đại học Việt Nam - LB Nga sẽ được tổ chức chiều ngày 28/5/2019 tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Các vị đại biểu tham dự Diễn đàn Hiệu trưởng đại học Việt Nam – LB Nga
Các vị đại biểu tham dự Diễn đàn Hiệu trưởng đại học Việt Nam – LB Nga
Diễn đàn Hiệu trưởng đại học Việt Nam-LB Nga lần này có sự tham dự của 30 cơ sở giáo dục giáo dục LB Nga và 35 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam. Diễn đàn là cơ hội hai bên để tiếp tục mở rộng các mối quan hệ, thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa các cơ sở giáo dục đại học, góp phần cụ thể hoá và triển khai hiệu quả hơn nữa các cam kết hợp tác về giáo dục và đào tạo đã được ký kết giữa hai nước. Ngoài 90 văn bản hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học hai nước đã ký kết còn hiệu lực, dự kiến có 15 văn bản sẽ được ký mới ngay tại Diễn đàn lần này.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Lãnh đạo Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học LB Nga sẽ đồng chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

Diễn đàn sẽ tập trung thảo luận 5 nội dung sau:

Thứ nhất: Tăng cường các chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học của LB Nga và Việt Nam, trong đó ưu tiên các lĩnh vực mà LB Nga có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như năng lượng, công nghệ thông tin, luật, mỏ - địa chất, giao thông, kinh tế - quản lý, nông nghiệp, nghiên cứu về biển, thủy sản, môi trường. Các lĩnh vực này cần gắn với việc sử dụng có hiệu quả số học bổng mà Chính phủ LB Nga dành cho Việt Nam.

Thứ hai: Đẩy mạnh trao đổi sinh viên. Việt Nam và LB Nga đều có tiềm năng hợp tác về đào tạo và trao đổi sinh viên. Diễn đàn sẽ thảo luận và đề xuất các giải pháp tăng cường trao đổi sinh viên; xây dựng thỏa thuận tiến tới công nhận tín chỉ và văn bằng lẫn nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên trong việc tích lũy tín chỉ và nhận văn bằng trong thời gian học tập tại trường đối tác để tăng chỉ số hội nhập quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học.

Thứ ba: Tăng cường trao đổi giảng viên. Trong chương trình học bổng theo hiệp định đã ký kết, các sơ sở giáo dục hai bên sẽ thảo luận thống nhất kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giảng viên Việt Nam, đặc biệt là cựu lưu học sinh Việt Nam đã tốt nghiệp ở các cơ sở giáo dục đào tạo của LB Nga trở về nước, hiện đang công tác trong các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam.

Thứ tư: Hình thành các nhóm nghiên cứu quốc tế. cơ quan quản lý giáo dục Việt Nam – LB Nga khuyến khích các trường xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc theo các lĩnh vực có thế mạnh của mỗi bên với sự tham gia của giảng viên, nhà khoa học, nghiên cứu sinh của các bên. Theo đó, mục tiêu đặt ra là các nhóm nghiên cứu này cần chủ động xây dựng dự án, chương trình nghiên cứu chung để cùng khai thác hiệu quả hơn các phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất của các bên; đồng thời chủ động kết nối với các doanh nghiệp để tìm kiếm nguồn kinh phí tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu, cùng tham gia nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu.

Thứ năm: Cụ thể hóa các thỏa thuận hợp tác đã ký bằng các kế hoạch chi tiết đảm bảo tính thiết thực, khả thi và hiệu quả. Diễn đàn sẽ tập trung thảo luận, thống nhất các hành động cần triển khai ngay sau Diễn đàn này. Định kỳ rà soát, đánh giá tình hình triển khai các thỏa thuận hợp tác đã ký.

Dự kiến sau Diễn đàn, nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác giáo dục, đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học hai nước một Mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam - LB Nga sẽ được thiết lập. Đây cũng là cơ sở để đẩy mạnh các hoạt động hợp tác cụ thể, thiết thực, hai bên cùng có lợi./.

Tác giả bài viết: Hồng Phong

Nguồn tin: Bộ Giáo dục và Đào tạo

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây