INSTITUTE FOR INTERNATIONAL EDUCATION RESEARCH (IIER)
"AI đã xuất hiện trong mọi mặt đời sống Việt Nam"
Thứ ba - 12/01/2021 11:018080
Mở đầu phiên thảo luận "Sức mạnh AI trong kỷ nguyên kết nối mới" do báo VnExpress tổ chức sáng 8/1, Thứ trưởng Khoa học Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng AI luôn có sức hấp dẫn đặc biệt. Trong năm 2020, Việt Nam có nhiều hội thảo, toạ đàm về AI nhưng mỗi sự kiện đều mang đến sự háo hức riêng vì mỗi ngày trôi qua, các nhà nghiên cứu lại cho ra một kết quả nghiên cứu, ứng dụng mới.
"Thế giới đã có những công dân robot, công dân ảo. Những câu chuyện này ở Việt Nam không còn là trong mơ hay khoa học viễn tưởng mà đã âm thầm đi vào cuộc sống", ông Duy khẳng định. Từ những trợ lý ảo, giúp sắp xếp công việc, chọn quần áo, đồ ăn, AI đã rất gần gũi trong mọi ngõ ngách cuộc sống từ ứng dụng trên điện thoại, đến robot giúp tương tác với khách hàng mọi lúc, mọi nơi. Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ cho rằng AI nên được hiểu rộng hơn. Trí tuệ nhân tạo không chỉ tạo ra một phiên bản con người, giúp con người làm những việc ít giá trị, lặp đi lặp lại hàng ngày. AI đã làm được những việc là hàng nghìn người cũng không thể làm được. Ví dụ giúp giám sát an ninh giao thông trên toàn TP HCM, đòi hỏi một số lượng rất lớn người cũng chưa chắc làm được. "Những tiềm năng lớn hơn của AI là giúp giải các bài toán lớn, siêu máy tính, Bigdata, IoT", ông Duy nói. Trong bối cảnh AI Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển, các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa. Từng người dân, doanh nghiệp cũng cần thay đổi nhận thức trong ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào đời sống, sản xuất. Ông Bùi Thế Duy phát biểu: "Để AI có thể ứng dụng vào bất cứ lĩnh vực nào, cần phải xem xét trên ba trụ cột chính gồm: Nhu cầu, dữ liệu và giải pháp kỹ thuật". Nhu cầu đầu tiên phải xuất phát từ sự cần thiết của ứng dụng. Ứng dụng AI làm ra phải thiết thực, giải quyết được những vấn đề cụ thể trong cuộc sống. Những người đứng đầu cần sẵn sàng tiếp nhận công nghệ mới, chấp nhận bỏ tiền bạc, chi phí để tạo ra những nguồn lực đầu tiên cho cộng đồng. Trụ cột thứ hai là dữ liệu. Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng muốn phát triển AI phải có dữ liệu. Khi có nhu cầu, có sẵn hệ thống nhưng không tích luỹ dữ liệu trong nhiều năm thì cũng rất khó để phát triển AI, đưa trí tuệ nhân tạo vào đời sống. Cuối cùng, phải có giải pháp kỹ thuật. Những thuật ngữ về Deep Learning, nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng tiếng nói chỉ là một phần rất nhỏ trong giải pháp kỹ thuật. Khi nói đến những ứng dụng trên diện rộng như giám sát an ninh thành phố, phân tích các dữ liệu giao dịch chứng khoán cầ phải có những giải pháp tổng thể từ kết cấu, lưu trữ, xử lý dữ liệu. Theo ông Bùi Thế Duy, Việt Nam có lợi thế về dân số, thị trường và nhu cầu thị trường còn rất lớn. "Để AI phát triển hơn nữa, chúng ta cần các tập đoàn công nghệ lớn liên kết cộng đồng nghiên cứu, học thuật và giải pháp. Ngoài ra, chúng ta cũng phải hình thành văn hoá xây dựng dữ liệu, tích luỹ dữ liệu, vì đây sẽ là nguồn tài nguyên trong tương lai", ông Duy nhấn mạnh. Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, tiềm năng về AI, nhu cầu của thị trường, sự vào cuộc của chính phủ, thay đổi nhận thức của người dân sẽ là bàn đạp để doanh nghiệp công nghệ có thể đi từ trong nước, ra toàn cầu, giải những bài toán quốc tế bằng sản phẩm AI của người Việt. Diễn đàn "Công nghệ Việt trong kỷ nguyên kết nối mới", được tổ chức trong hai ngày 7 và 8/1 tại TP HCM, có ba phiên thảo luận về: Sản phẩm Công nghệ Việt, Việt Nam trong kỷ nguyên 5G và Sức mạnh AI trong kỷ nguyên kết nối mới. Đại diện các bộ, ngành, các công ty công nghệ Việt Nam, đại diện các nhà mạng lớn trong nước, các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo hàng đầu... sẽ chia sẻ góc nhìn cùng những thách thức với nền công nghệ trong nước trước một kỷ nguyên mới. Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/ai-da-xuat-hien-trong-moi-mat-doi-song-viet-nam-4217959.html