“Đất nước đặt niềm tin vào thế hệ các cháu”
Đề cao đóng góp quan trọng của ngành Giáo dục nước nhà, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Chất lượng giáo dục các cấp đều được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao trong những năm qua.
Theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới về Vốn nhân lực, chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam đứng thứ 38 trên 174 nền kinh tế; trong đó, tiêu chí về kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển... Học sinh tiểu học của Việt Nam thường đứng tốp đầu các nước ASEAN ở năng lực đọc, hiểu, viết và toán.
Trong các đợt đánh giá PISA của Tổ chức OECD, Việt Nam cũng đạt nhiều kết quả vượt trội số trung bình của các nước trong khối. Đến nay, Việt Nam có 4 trường đại học nằm trong tốp 1.000 thế giới; 11 trường đại học nằm trong tốp các trường đại học hàng đầu châu Á; nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo được đứng trong tốp 500 thế giới.
Kết quả thi Olympic trong nhiều năm vừa qua liên tục có tiến bộ vượt bậc, thành tích xuất sắc. Trong giai đoạn 2016-2020, đạt 54 Huy chương Vàng, gấp đôi số Huy chương Vàng trong giai đoạn 2011-2015.
Năm 2020, một năm đặc biệt khó khăn với cả thế giới và Việt Nam trước đại dịch Covid-19, với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là ngành Giáo dục, các thầy giáo, cô giáo và các cháu học sinh, sinh viên vẫn đạt được thành tựu nổi bật. Học sinh Việt Nam tiếp tục tham dự Kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế theo hình thức trực tuyến và đều đạt thành tích đặc biệt xuất sắc.
Trong đó, đội tuyển Hóa học có 4/4 thí sinh đoạt Huy chương Vàng, xếp thứ 2 thế giới, sau đội tuyển quốc gia Hoa Kỳ. Đội tuyển Toán học có 6/6 học sinh dự thi đều đoạt giải, đứng thứ 4 thế giới, trong đó, lần đầu tiên có một cháu học sinh lớp 10 tham dự đội tuyển giành Huy chương Vàng. Các đoàn học sinh dự thi của Việt Nam liên tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất. Nhiều học sinh Việt Nam đạt số điểm cao nhất, tự hào sánh vai với cường quốc năm châu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Những thành tích này đã góp phần làm rạng danh cho đất nước và dân tộc. Nó cũng minh chứng thêm rằng người Việt Nam ta có đầy đủ tố chất bẩm sinh cho sự phát triển và trường tồn”.
Thủ tướng biểu dương và ghi nhận kết quả xuất sắc này và cho rằng, để có được thành tích đó trước hết là sự nỗ lực của chính các cháu học sinh dưới sự chỉ dẫn của các thầy giáo, cô giáo; sự quan tâm, chăm lo và động viên, khích lệ kịp thời của các bậc phụ huynh và các tổ chức, đoàn thể. Đây cũng là kết quả từ sự đổi mới của ngành Giáo dục trong công tác tuyển chọn, bồi dưỡng các đội tuyển quốc gia tham gia các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế theo yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trước giai đoạn phát triển mới với khát vọng lớn, nhiều thành tựu và tiềm năng ứng dụng đầy cơ hội lẫn thách thức, Thủ tướng nhận định: Quốc gia nào có khả năng nắm bắt được các thành tựu, các xu hướng mới mở ra thì sẽ thành công. Khả năng nắm bắt thành tựu của cách mạng công nghiệp xét cho cùng là tùy thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực hay chất lượng vốn con người.
“Chất lượng vốn con người của chúng ta trong tương lai chính là thế hệ các cháu. Cha mẹ các cháu đã dành niềm tin vào các cháu. Đất nước này đã đặt niềm tin vào thế hệ các cháu! Việt Nam chúng ta có thể cạnh tranh, tranh đua được các nước trên thế giới được hay không chính là bản lĩnh, khí chất của các cháu!”.
Để hiện thực hóa được sứ mệnh lớn lao đó, ngành Giáo dục phải có sự phát triển đột phá, chuyển biến mạnh hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động. Thủ tướng đề nghị ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có kiến thức và kỹ năng vững vàng, khả năng sáng tạo, làm chủ bản thân để lập nghiệp; phát triển tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân; đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Thủ tướng cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội và toàn thể nhân dân quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục, tạo điều kiện tốt hơn nữa, đầy đủ hơn nữa cho việc học tập, rèn luyện và phấn đấu của con cháu. Quan tâm đổi mới mô hình trường chuyên, lớp chọn cho phù hợp, hiệu quả để ngày càng đào tạo được nhiều học sinh giỏi quốc gia, quốc tế cũng như phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho tương lai của đất nước.
Dặn dò các em học sinh, Thủ tướng cho rằng, những thành tựu là những bước đầu đầy ý nghĩa trên hành trình tiếp cận khoa học và cuộc sống. Dù học đại học trong nước hay nước ngoài, các cháu vẫn cần tiếp tục nỗ lực vươn lên mạnh mẽ với những đam mê, khát khao cháy bỏng trong học tập và nghiên cứu khoa học để hoàn thiện bản thân, theo đuổi sự nghiệp mà mình yêu thích, phấn đấu sau này trở thành những người có ích cho đất nước, cho xã hội.
“Tôi tin tưởng rằng cả nước đồng lòng, toàn dân chung sức, nhất định chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tiếp tục đưa nền giáo dục Việt Nam tiến lên tầm cao mới, đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc”, Thủ tướng khẳng định.
Lan toả, nuôi dưỡng khát vọng của thế hệ trẻ Việt Nam
Phát biểu tại Lễ Tuyên dương, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Lễ tuyên dương là sự kiện rất có ý nghĩa trong bối cảnh ngành Giáo dục vừa trải qua một năm học “đặc biệt” với nhiều khó khăn, thử thách nhưng đã nỗ lực vượt qua và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đây cũng là dịp để ngành Giáo dục thể hiện trách nhiệm và sự quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng về thực hiện Nghị quyết 29.
Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh Việt Nam vẫn được tạo điều kiện để tham gia các kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế. Bộ GDĐT đã chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ, nghiêm túc, tổ chức thi theo đúng quy định của Ban Tổ chức, các thí sinh dự thi được quản lý, theo dõi trực tuyến qua hệ thống camera với chế độ thời gian thực của Ban Tổ chức các kỳ thi Olympic quốc tế năm 2020.
Vượt qua nhiều khó khăn của bản thân, gia đình và đất nước do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, 24 lượt học sinh của 5 đội tuyển quốc gia đã được chuẩn bị tốt cả về tâm thế, kiến thức và kỹ năng để bước vào kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế “đặc biệt” trong lịch sử và đã đạt được những kết quả rất đáng tự hào.
Theo đó, 100% học sinh dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2020 đều đoạt giải, với 9 Huy chương Vàng, 8 Huy chương Bạc, 5 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen; tất cả các đoàn dự thi đều có thí sinh đoạt Huy chương Vàng. Với thành tích đạt được, nhiều em đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
“Kết quả này đã lan toả, hun đúc, nuôi dưỡng khát vọng của thế hệ trẻ Việt Nam phát triển đất nước sánh vai với bạn bè quốc tế”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Từ 2016 đến nay, Việt Nam có 174 lượt học sinh được cử đi dự thi các môn văn hóa tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Kết quả, học sinh Việt Nam đã đoạt 170 huy chương và bằng khen, trong đó 54 Huy chương Vàng, 68 Huy chương Bạc, 40 Huy chương Đồng và 08 Bằng khen quốc tế. Riêng số Huy chương Vàng tăng gấp đôi so với giai đoạn 2011-2015.
Thành tích của các đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic quốc tế, khu vực có những chuyển biến, tiến bộ theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, năm 2017, các đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự Olympic khu vực và quốc tế đã đạt thành tích cao nhất so với các năm trước với 14 Huy chương Vàng.
Bên cạnh thành tích cao của học sinh, Việt Nam cũng đã đăng cai và tổ chức thành công các kỳ Olympic khu vực và quốc tế, như Olympic Sinh học quốc tế năm 2016, Olympic Vật lí châu Á năm 2018, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế về đất nước, con người và trí tuệ Việt Nam.
Tại buổi Lễ, các em học sinh xuất sắc đoạt giải Olympic quốc tế và khu vực năm 2020 đã vinh dự đón nhận Huân chương lao động của Nhà nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quan tâm, dành tặng quà cho các học sinh và các thầy cô giáo tham gia công tác bồi dưỡng đội tuyển, tổ chức kỳ thi.
Nguồn tin: Trung tâm Truyền thông Giáo dục
Ý kiến bạn đọc