Mà muốn vậy, thì không có cách nào khác ngoài giáo dục. Đặc biệt, trong Di chúc, Người căn dặn Đảng ta: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Xuất phát từ vị trí và tầm quan trọng đó, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết về công tác giáo dục đạo đức lối sống, bồi dưỡng nhân cách công dân cho thế hệ trẻ như Chỉ thị số 20 – CT/TW, ngày 5/11/2012 của Bộ Chính Trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”; Chỉ thị số 42- CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030”; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”.
Việc giáo dục đạo đức cho học sinh là một quá trình dài lâu, xuyên suốt trong quá trình giáo dục. Nó đòi hỏi phải có sự chung tay, góp sức của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Muốn đưa nước ta trở nên giàu mạnh, văn minh thì trước tiên phải xây dựng được những lớp người có đủ trí và đức. Những lớp người đó không ai khác chính là thế hệ trẻ hôm nay, những học sinh, sinh viên đang còn ngồi trên ghế nhà trường họ phải được trang bị đầy đủ đức và tài để trở thành chủ nhân tương lai của đất nước. Nhận thức được điều này, Sở Giáo dục và Đào tạo những năm qua luôn quan tâm chỉ đạo công tác giáo dục đạo đức, đạo lý làm người, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, đạo đức lối sống, nếp sống văn hóa, lịch sử dân tộc và bản sắc dân tộc trong nhà trường.
Tất cả các đơn vị trường học đã chú trọng nâng cao chất lượng giờ dạy môn Giáo dục công dân, Lịch sử, Ngữ văn không chỉ tập trung trong việc đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá mà còn thông qua các môn học để phổ biến và giáo dục pháp luật, hình thành hành vi đạo đức và chấp hành pháp luật trong học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nhiều chuyên đề bồi dưỡng cho giáo viên các bộ môn này về chuyên môn cũng như về các văn bản về phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng đội ngũ giáo viên Giáo dục công dân trở thành lực lượng báo cáo viên về phổ biến giáo dục pháp luật trong các đơn vị trường học. 100% các trường đều có lực lượng báo cáo viên pháp luật là giáo viên Giáo dục công dân hoặc cán bộ quản lý. Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán các môn về các chuẩn mực, giá trị đạo đức, các kỹ năng sống cũng như hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường như: Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật phòng, chống tham nhũng; Luật bình đẳng giới; Luật phòng chống HIV/AIDS, cũng như tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường; Từ đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tuyên truyền đến toàn bộ đội ngũ giáo viên Giáo dục công dân trong toàn tỉnh qua nhiều hội nghị tập huấn với hàng ngàn lượt giáo viên tham gia.
Hiệu quả giảng dạy nội dung giáo dục đạo đức, bồi dưỡng nhân cách công dân cho học sinh khá tốt. Học sinh đã có nhiều chuyển biến về nhìn nhận những sự việc diễn ra xung quanh, đã tham gia tích cực các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội như: tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, chăm sóc bồn hoa cây cảnh, tham dự những ngày lễ do trường tổ chức một cách nghiêm túc, lễ độ với thầy cô, người lớn tuổi và tích cực tham gia các hoạt động từ thiện trong và ngoài nhà trường. Hàng năm, học sinh toàn tỉnh được xếp loại hạnh kiểm khá, tốt đạt từ 97% trở lên.
Để công tác giáo dục, bồi dưỡng nhân cách công dân cho thanh thiếu niện, học sinh nâng cao và hiệu quả hơn nữa chúng tôi xin đề xuất một số những giải pháp cho công tác này nhằm góp phần vào công cuộc đổi mới giáo dục nói chung vào việc đào tạo, giáo dục toàn diện học sinh nói riêng.
Thứ nhất là đa dạng hoá nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Thực hiện nội dung, chương trình giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống bảo đảm phù hợp với từng nhóm đối tượng; liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo; đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện; chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá dân tộc, tinh hoa văn hoá nhân loại trong bối cảnh hội nhập quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thứ hai là tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học; nâng cao chất lượng môn học Đạo đức, các môn lý luận chính trị và hiệu quả hoạt động giáo dục theo nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn. Phát huy tính tích cực, niềm say mê; khơi dậy ý chí vươn lên, khát vọng cống hiến ở mỗi học sinh, sinh viên.
Thứ ba là vận dụng các hình thức tổ chức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho học sinh, sinh viên linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tâm sinh lý lứa tuổi và khả năng của người học. Tổ chức hiệu quả tuần sinh hoạt công dân - học sinh, sinh viên, các hoạt động trải nghiệm, hoạt động tập thể, lao động, vệ sinh trường, lớp học, hoạt động xã hội; diễn đàn, câu lạc bộ sở thích, tài năng, các phong trào thi đua trong cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học.
Thứ tư là tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền; nâng cao nhận thức của thanh niên, thiếu niên, nhi đồng và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến. Tập trung tuyên truyền, phổ biến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; giáo dục cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cống hiến vì lợi ích của cộng đồng, xã hội; ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hằng năm lồng ghép các nội dung tuyên truyền về những phẩm chất đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam cho đối tượng thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của các cấp học. Phát huy hiệu quả các hình thức và phương tiện tuyên truyền: Phát hiện, bồi dưỡng, tuyên dương và nhân rộng mô hình hiệu quả, gương điển hình tiên tiến trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; tổ chức các hoạt động, phong trào thi đua, cuộc thi, hội thi, tọa đàm trực tiếp và trực tuyến bảo đảm phù hợp với điều kiện, đặc điểm, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Quản lý nội dung và khai thác hiệu quả hệ thống truyền thông, văn hóa, thể thao sẵn có và tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, mạng xã hội để phục vụ công tác tuyên truyền.
Thứ năm là tổ chức hiệu quả các phong trào hành động cách mạng của Đoàn, Hội, Đội trong và ngoài nhà trường để giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động Đoàn, Hội, Đội. Phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức và đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội, Đội trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Khuyến khích, tạo môi trường và điều kiện cho hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật trong thanh niên trí thức trẻ, văn nghệ sĩ trẻ. Đổi mới và nâng cao chất lượng tổ chức trại sáng tác văn học nghệ thuật của Đoàn, Hội, Đội.
Thứ sáu là tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý và giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, văn hoá ứng xử cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Phát huy vai trò của cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm, hợp đồng chuyên trách công tác tư vấn tâm lý, cán bộ Đoàn, Hội, Đội, giáo viên chủ nhiệm và các thành viên khác thực hiện công tác tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, văn hoá ứng xử cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trong nhà trường. Phối hợp với các chuyên gia, các trung tâm tư vấn tâm lý trong hoạt động hỗ trợ, tư vấn về các vấn đề xã hội, tư vấn tâm lý học đường, giáo dục kỹ năng phòng, chống các bệnh về học đường, tệ nạn xã hội và các kỹ năng cần thiết cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
Chú trọng tư vấn tâm lý về vấn đề dân tộc, giới tính, lứa tuổi, học tập, mối quan hệ xã hội, hướng nghiệp, cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; tham vấn tâm lý với những trường hợp khó khăn, cần sự trợ giúp can thiệp. Kết hợp tư vấn, tham vấn trực tiếp và thiết lập đường dây nóng, chuyên trang, chuyên mục, diễn đàn, hòm thư, mạng xã hội để tiếp nhận thông tin và tư vấn tâm lý cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Triển khai hiệu quả chương trình sức khoẻ học đường nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
Thứ bảy là xây dựng và thực hiện hiệu quả cơ chế phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội. Phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Các bậc ông bà, cha mẹ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quyền, bổn phận của trẻ em, mục tiêu giáo dục toàn diện và hài hòa về đức, trí, thể, mỹ; phát triển tốt nhất tiềm năng của mỗi thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Chủ động phối hợp với nhà trường và các đoàn thể trong việc giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Thực hiện cam kết với cơ sở giáo dục về thực hiện đầy đủ nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục và tạo môi trường tốt nhất, góp phần hướng dẫn, quản lý con em học tập, rèn luyện. Phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, các ngành và các tổ chức đoàn thể trong việc hỗ trợ, cảm hóa thanh niên, thiếu niên, nhi đồng chậm tiến. Xây dựng môi trường nhà trường dân chủ, lành mạnh, thân thiện. Nâng cao hiệu quả thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa trong các nhà trường.
Tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, “Dạy tốt, học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” trong các cấp học.
Tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên, thiếu niên, nhi đồng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ và khẳng định năng lực của bản thân.
Thứ tám là tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên giảng dạy môn học Đạo đức, Giáo dục công dân, các môn lý luận chính trị, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý, tổng phụ trách đội, giáo viên làm công tác Đoàn, Hội, Đội, trợ lý thanh niên, giáo viên chủ nhiệm lớp trong các nhà trường. Tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác xã hội ở cấp xã, phường về công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Cập nhật, hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo đối với các trường sư phạm, cơ sở giáo dục có khoa sư phạm; bổ sung các chuyên đề nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên tham gia công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng sau khi tốt nghiệp.
Thứ chín là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Khai thác hiệu quả các trang thông tin điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin và từng bước thực hiện chuyển đổi số trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
Thứ mười là nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát, đổi mới công tác quản lý trong các nhà trường; nâng cao hiệu quả triển khai lồng ghép quy chế dân chủ trong quản lý các hoạt động giáo dục; bảo đảm thuận lợi cho việc tham gia của người học, gia đình học sinh, sinh viên và xã hội trong các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với việc kiểm soát, phê duyệt các thông tin, sách báo, ấn phẩm…; thanh tra xử lý sai phạm đối với công tác báo chí, xuất bản phẩm và thông tin trên mạng xã hội liên quan đến hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; tăng cường chỉ đạo, quản lý công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, các trường tư thục, các chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài.
Mục tiêu của giáo dục ngày nay là đào tạo con người phát triển toàn diện, trong đó giáo dục “đức dục, trí dục” là hai yếu tố cơ bản có tính chất nền tảng để hình thành nhân cách cho con người khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Để đạt hiệu quả cao trong công tác bồi dưỡng nhân cách cho thanh thiếu niên, học sinh chúng ta phải coi đây là nhiệm vụ không chỉ của ngành giáo dục mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội trong thời đại ngày nay./.
Ý kiến bạn đọc