Chỉ đạo mới nhất của Bộ Giáo dục về tuyển dụng đặc cách, xếp hạng có gì mới?

Thứ bảy - 19/02/2022 14:11 394 0
Bộ Giáo dục chỉ đạo, những địa phương chưa thực hiện xong việc tuyển dụng đặc cách khẩn trương hoàn thành, bảo đảm quyền lợi của giáo viên có nhiều năm công tác. Ngày 27/1/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 336/BGDĐT-NGCBQLGD về một số nội dung liên quan đến trình độ chuẩn được đào tạo và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Bộ Giáo dục đề nghị các địa phương thực hiện một số nội dung công việc sau đây.
Chỉ đạo mới nhất của Bộ Giáo dục về tuyển dụng đặc cách, xếp hạng có gì mới?

Về tuyển dụng đặc cách giáo viên đã có nhiều năm công tác

Năm 2019, Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho phép các địa phương thực hiện xét đặc cách đối với số giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.

Thực hiện chủ trương trên, Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019 hướng dẫn các địa phương tổ chức tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên hợp đồng (sau đây gọi là Công văn số 5378).

Theo đó, việc tuyển dụng phải bảo đảm các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chuẩn chức danh, khung danh mục vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập tại thời điểm năm 2019.

Do đó, những địa phương chưa thực hiện xong việc tuyển dụng đặc cách theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và theo hướng dẫn tại Công văn số 5378 của Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thành để bảo đảm quyền lợi của giáo viên có nhiều năm công tác.

Trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương lưu ý:
  • Thực hiện tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2005 nhưng chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019. Sau khi tuyển dụng, các giáo viên được bố trí đào tạo theo lộ trình nâng trình độ chuẩn theo quy định.
  • Thực hiện tuyển dụng giáo viên có bằng cử nhân chuyên ngành (phù hợp với môn dạy) không thuộc ngành đào tạo giáo viên. Đối với trường hợp này, giáo viên phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm (một số nội dung về chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm được hướng dẫn tại mục 4 Công văn này).
  • Sau khi tuyển dụng, các địa phương áp dụng các quy định tại các văn bản hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện việc bổ nhiệm, xếp lương.

Hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng giáo viên

Hiện nay, nhiều địa phương đang hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Điều 77 Luật Giáo dục 2005.

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên và bảo đảm quyền lợi cho giáo viên hiện đang hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng, các địa phương xem xét tiếp tục hợp đồng, thỉnh giảng đối với những giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Điều 77 Luật Giáo dục 2005 đã ký hợp đồng trước ngày 1/7/2020.

Những giáo viên này được tham gia lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo để đạt trình độ chuẩn theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.

Việc bổ nhiệm lại và bổ nhiệm, xếp lương đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có bằng Cử nhân Quản lý giáo dục

Kể từ ngày 1/7/2020, khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, đã có những tác động đến chính sách do thay đổi quy định về trình độ chuẩn được đào tạo đối với đội ngũ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cơ sở giáo dục có bằng cử nhân quản lý giáo dục mà không có bằng cử nhân chuyên ngành đào tạo giáo viên theo quy định.

Nhằm bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương xem xét thực hiện quy trình bổ nhiệm lại cán bộ quản lý trường học đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có bằng Cử nhân Quản lý giáo dục (không phải bằng cử nhân chuyên ngành đào tạo giáo viên).

Sau khi bổ nhiệm lại, cán bộ quản lý trường học phải tham gia đào tạo nâng chuẩn trình độ để đạt trình độ chuẩn theo quy định tại Luật Giáo dục 2019. Sau khi hoàn thành nâng chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 thì thực hiện bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cấp phổ thông

Triển khai thực hiện Luật Giáo dục 2005, Luật Giáo dục 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên và cho người có bằng cử nhân không thuộc ngành đào tạo giáo viên muốn trở thành giáo viên để đáp ứng yêu cầu về năng lực sư phạm cũng như yêu cầu về thực tiễn nguồn nhân lực cho ngành Giáo dục.

Thời gian qua, nhiều giáo viên có bằng cử nhân không thuộc ngành đào tạo giáo viên đã tham gia bồi dưỡng để được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Bên cạnh đó, nhiều giáo viên đã đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2005 và tham gia đào tạo được cấp bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp (chẳng hạn: giáo viên có bằng trung cấp sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm, sau đó đào tạo và được cấp bằng cử nhân Tin học, cử nhân Tiếng Anh...).

Những giáo viên này đã có nhiều năm tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông, đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng sư phạm của cấp học, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Để bảo đảm quyền lợi cho giáo viên đã có nhiều năm công tác trong việc tuyển dụng (bao gồm tuyển dụng đặc cách giáo viên theo Công văn số 5378 và tuyển dụng mới đối với giáo viên đã tham gia hợp đồng giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục phổ thông), bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương:

Không yêu cầu chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên đã tham gia giảng dạy có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm; chấp nhận các loại chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mà các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đã cấp cho các giáo viên trước ngày 22/5/2021.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện các nội dung trên. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Công văn số 336/BGDĐT-NGCBQLGD có gì mới?

Theo ý kiến cá nhân người viết, Công văn số 336 có 2 điểm đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có bằng Cử nhân Quản lý giáo dục (không phải bằng cử nhân chuyên ngành đào tạo giáo viên) được xem xét bổ nhiệm lại là chủ trương hợp tình hợp lí vì lãnh đạo đã có kinh nghiệm quản lí trong nhiều năm.

Sau khi hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hoàn thành nâng chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 thì được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT).

Các văn bản hiện hành đều yêu cầu hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải đạt chuẩn bằng cấp theo quy định gây khó khăn cho lãnh đạo (chỉ có bằng Cử nhân Quản lý giáo dục). Chẳng hạn, Thông tư 14/2018/TT/BGDĐT yêu cầu hiệu trưởng phải:

Đạt chuẩn trình độ đào tạo và hoàn thành các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định; có kế hoạch thường xuyên học tập, bồi dưỡng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ bản thân; cập nhật kịp thời các yêu cầu đổi mới của ngành về chuyên môn, nghiệp vụ.

Hoặc điểm a, Khoản 3 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định trình độ đào tạo và thời gian công tác của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường trung học như sau:

Phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục đối với cấp học, đạt trình độ chuẩn được đào tạo ở cấp học cao nhất đối với trường phổ thông có nhiều cấp học và đã dạy học ít nhất 05 năm (hoặc 04 năm đối với miền núi, hải đảo, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) ở cấp học đó.

Thứ hai, Bộ Giáo dục không yêu cầu chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên đã tham gia giảng dạy có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm; chấp nhận các loại chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mà các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đã cấp cho các giáo viên trước ngày 22/5/2021 – cho thấy Bộ Giáo dục đã lắng nghe tiếng nói của giáo viên.

Bài viết Sở đòi chứng chỉ sư phạm mới, giáo viên hợp đồng Hưng Yên kêu cứu Cục Nhà giáo ngày 9/10/2021 được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh, đã có quyết định phê duyệt của Ủy ban Nhân dân tỉnh, giáo viên Hưng Yên bức xúc khi xét tuyển đặc cách lại cần có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo thông tư mới.

Hay bài Giáo viên phải bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, giảng viên không cần, tôi thấy vô lý ngày 23/11/2021 chỉ ra một số bất cập về quy định chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên và giáo viên bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Tôi cho rằng, Bộ Giáo dục ban hành Công văn 336 là kịp thời, đúng lúc, chắc chắn một số chế độ, chính sách của giáo viên sẽ được giải quyết nhanh chóng, giúp thầy cô yên tâm công tác.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây