Bình đẳng giới trong giáo dục: Làm sao xóa bỏ định kiến giới?

Thứ năm - 22/10/2020 15:50 825 0
Mỗi ngành nghề có đặc thù riêng. Tùy theo ngành sẽ có những thuận lợi hoặc khó khăn riêng trong thực hiện công tác bình đẳng giới. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của toàn xã hội, mỗi người dù là nam hay nữ giới.
Bình đẳng giới trong giáo dục: Làm sao xóa bỏ định kiến giới?

Vẫn còn định kiến về giới

Theo bà Nguyễn Thị Bích Hợp - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Phó Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ GD&ĐT, thực tế vẫn còn hiện tượng định kiến về giới trong bộ phận người dân, kể cả cán bộ công chức, viên chức Nhà nước. Ngành Giáo dục không phải ngoại lệ khi có người “mặc định” trong suy nghĩ nam giới là giáo viên mầm non, dạy hát, múa không “pê đê” cũng có vấn đề về giới tính.

Bà Hợp khẳng định: Suy nghĩ, quan niệm trên cần thay đổi. Hiện nhiều sinh viên nam có năng khiếu đặc biệt, mong muốn được làm giáo viên mầm non. Nhiều thầy giáo mầm non đã mạnh dạn bước qua định kiến để học, gắn bó với lũ trẻ. Không ít thầy giáo được phụ huynh tin tưởng khi chăm sóc trẻ, có nhiều sáng kiến trong môn Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Ngoại ngữ, Mỹ thuật, dạy chữ, tổ chức hoạt động giáo dục và các kỹ năng khác.

“Ngành Giáo dục đang khuyến khích giáo viên nam tham gia công việc bậc mầm non. Điều này được cụ thể hóa trong kế hoạch bình đẳng giới của ngành Giáo dục giai đoạn 2016 – 2020” – bà Hợp nhấn mạnh, đồng thời cho biết: Bộ GD&ĐT khuyến khích, động viên nhưng số lượng nam tham gia bậc học mầm non rất ít (chưa đến 1%), do đó không có nguồn cán bộ bồi dưỡng làm cán bộ quản lý.

Cũng theo bà Hợp, ngành Giáo dục có khoảng 80% nữ cán bộ nhà giáo người lao động (CBNGNLĐ), trong đó tỷ lệ giáo viên, giảng viên nữ chiếm trên 80%, cán bộ quản lý (CBQL) trên 63%. Trong khi đó, chất lượng của GD-ĐT phần lớn nhờ sự chỉ đạo thống nhất từ Bộ GD&ĐT đến cơ sở giáo dục, trong đó số đông CBQL chịu trách nhiệm chính về việc triển khai các nhiệm vụ của đơn vị mình. Đặc biệt, ở khối phổ thông, hầu hết các trường đạt chuẩn quốc gia đều do nữ làm hiệu trưởng. Vì vậy phải khẳng định, nữ làm CBQL không thua kém, thậm chí có nơi còn tốt hơn nam giới.

Trách nhiệm của toàn xã hội

Trước câu hỏi, chúng ta đang kêu gọi đàn ông, mà cụ thể là người chồng chia sẻ việc nhà với vợ; thế nhưng trong ngành Giáo dục lại có phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, điều này liệu có mâu thuẫn? Bà Hợp chia sẻ: Gần 30 năm qua, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã tạo động lực tích cực đối với nữ CBNGNLĐ, giúp chị em hăng hái thi đua lao động giỏi, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng thời thực hiện thiên chức của người phụ nữ: Người con, người vợ, người mẹ trong gia đình.

Nhiều chị có hoàn cảnh khó khăn đã cố gắng vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, nuôi con học giỏi, làm tốt nghĩa vụ với gia đình. Các chị đã động viên chồng con cùng chia sẻ công việc gia đình để có điều kiện chăm sóc sức khỏe và học tập nâng cao trình độ. Đây là phong trào thi đua phù hợp tính chất về giới, mang đặc thù cho phụ nữ, giúp phụ nữ phát huy phẩm chất và năng lực của mình, đồng thời là môi trường tốt để nữ nhà giáo không ngừng phấn đấu vươn lên.

Song song với việc phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác, phong trào còn giúp chị em thi đua trong tổ chức, sắp xếp các hoạt động gia đình khoa học, để gia đình thực sự là tổ ấm sau những giờ lao động, làm việc vất vả. “Việc triển khai phong trào thi đua này không làm mất bình đẳng giới, nhất là với nữ giới trong ngành Giáo dục” – bà Hợp khẳng định.

Theo bà Ngô Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW), ở Việt Nam, định kiến giới đang tồn tại trong mọi tầng lớp xã hội, bao gồm thanh niên. Quá trình thực hiện các nghiên cứu hay thảo luận với thanh niên về bình đẳng giới trong thời gian gần đây cho thấy: Cả nam và nữ thanh niên đang tự áp đặt các khuôn mẫu giới vào bản thân mình và giới còn lại.

Để xóa bỏ định kiến về giới và khuôn mẫu giới trong thanh niên, bà Hà cho rằng: Đây là công việc chiếm nhiều thời gian và nguồn lực. Ngành Giáo dục cần rà soát và tập huấn để giáo viên các cấp học có nhạy cảm giới trong quá trình giao tiếp với học sinh. Công chúng cũng cần lên tiếng với những sản phẩm truyền thông củng cố khuôn mẫu giới. Nhà nước và các tổ chức xã hội cần thực hiện nhiều hơn nữa chương trình truyền thông để giúp thanh niên hiểu về hậu quả của kì thị và phân biệt đối xử trên cơ sở giới với từng cá nhân, thế hệ để tạo ra động lực thay đổi trong thanh niên.

Theo Thầy Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội), xóa bỏ bất bình đẳng giới là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó các chính sách vĩ mô đóng vai trò quan trọng. Là đối tượng dễ tổn thương và còn chịu nhiều thiệt thòi trong định kiến về giới, phụ nữ cần tự mình nỗ lực khẳng định vai trò, vị thế và những đóng góp của mình cho sự phát triển của đơn vị công tác nói riêng và xã hội nói chung. Cùng với đó, rất cần sự hỗ trợ của nam giới trong công việc để giảm thiểu những gánh nặng nằm ngay trong ý thức hệ về vấn đề bình đẳng giới.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây