Nước Nga và miền ký ức một cựu lưu học sinh người Nghệ

Thứ sáu - 03/11/2017 09:45 678 0
Những ngày này, trong không khí hân hoan chào mừng kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga 1917, cũng như nhiều người khác từng có dịp được sinh sống và học tập tại Nga (Liên Xô cũ), trong tôi lại trào dâng một nỗi niềm xúc động mãnh liệt khi ký ức về những năm tháng thanh xuân ấy bất chợt ùa về.
Nước Nga và miền ký ức một cựu lưu học sinh người Nghệ
Thước phim ký ức chầm chậm đưa tôi trở về năm 1971, trải qua quá trình xét hồ sơ lý lịch nghiêm ngặt, tham dự kỳ thi đại học với mã riêng “QR” (dành cho lưu học sinh), tôi - một cậu trai vừa tròn 18 tuổi được đón nhận niềm vinh dự và sung sướng tột bậc khi trúng tuyển vào diện được Nhà nước cử đi học ở nước ngoài.

Tạm biệt gia đình, tôi ra thủ đô Hà Nội theo giấy gọi, tập trung cùng những người khác rồi lên đường sang Bắc Kinh (Trung Quốc). Tại đây, chúng tôi lên tàu liên vận quốc tế vốn chủ yếu dùng để đưa cán bộ và lưu học sinh di chuyển trong các nước khối xã hội chủ nghĩa, đi suốt nhiều ngày đêm để đến xứ bạch dương.

Sau chặng nghỉ 1 tuần tại thành phố Irkutsk nằm bên hồ Baikal của Siberia để chờ được nhân viên y tế tiêm chủng, tẩy rửa giun sán, bệnh ngoài da,… đoàn lưu học sinh chúng tôi rốt cuộc cũng đặt chân đến thủ đô Moskva.

Chưa kịp quen với cái lạnh âm độ nơi đây thì lưu học sinh Việt Nam theo phân công đã tản đi nhiều nơi, trong đó tôi được phân về thành phố Baku (thủ đô của Azerbaijan) để bắt đầu 7 năm đèn sách bằng 1 năm học dự bị ngoại ngữ.

Trong 9 tháng phải sở hữu vốn tiếng Nga kha khá đủ đáp ứng điều kiện vào học đại học quả là điều không đơn giản, ngay cả với một người từng có 3 năm theo học tiếng Nga khi còn là học sinh lớp chuyên Toán của tỉnh như tôi.

Giữa lúc còn “lạ nước lạ cái”, bỡ ngỡ với gần như mọi thứ trên miền đất mới, chúng tôi càng thấm thía cái tình mà người dân Liên Xô khi ấy dành cho mình. Họ giao mỗi giáo viên phụ trách 1 nhóm sinh viên chừng 3-4 người, miệt mài dạy và học với cường độ lên tới 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Nhịp độ căng như dây đàn là vậy nhưng ngược lại những người con xa quê hương Việt Nam được cảm nhận tình cảm ấm áp của người bản xứ, được những người thầy, người cô xem như con em trong gia đình, chỉ bảo tận tình từng ly từng tí, từ cách sử dụng bếp gas, các biện pháp phòng chống cháy nổ, đến việc đi chợ mua nhu yếu phẩm như thế nào, giữ ấm ra sao khi ra ngoài trong tiết trời có lúc xuống tới -30 độ C …

Chớp mắt, 9 tháng học tiếng Nga cũng trôi qua chóng vánh sau những cố gắng trong học tập, lưu học sinh tiếp tục được phân về các trường đại học để theo đuổi các chuyên ngành phù hợp.

Riêng tôi khi ấy đến thành phố Leningrad (nay là St. Petersburg), theo học Học viện Kỹ thuật Lâm nghiệp Leningrad (nay là Đại học Tổng hợp Lâm nghiệp St. Petersburg) - ngôi trường đã đào tạo ra nhiều cán bộ cấp cao cho Việt Nam như nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Thứ trưởng nông nghiệp Hứa Đức Nhị, Nguyễn Quang Hà,…

Những năm tháng ấy, với mức học bổng 70 ruble/tháng, trong khi giá thịt bò ngoài chợ chỉ 2 ruble/kg, thịt gà nhỉnh hơn cũng chỉ 2,6 ruble/kg,… nên sinh viên Việt Nam chẳng phải lo nghĩ nhiều về chuyện cơm áo, chẳng ai bảo ai mà tất cả đều tự giác tập trung thời gian và sức lực toàn tâm toàn ý học tập.

Suốt thời tuổi trẻ gắn bó với mảnh đất mến yêu này, có dịp gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người Nga, và cũng không ít con người nơi đây tự lúc nào chẳng hay đã in sâu vào ký ức, để rồi kỷ niệm cứ sống lại sắc nét như vừa diễn ra ngày hôm qua mỗi lần tôi khẽ chạm tay vào miền thương nhớ ấy.

Về Việt Nam đã 40 năm, nhưng tôi chưa bao giờ quên vị trưởng khoa ngoại quốc đáng kính chuyên quản lý sinh viên nước ngoài - người luôn giữ thái độ nhã nhặn với lưu học sinh, và dành cho sinh viên Việt Nam chúng tôi một tình cảm đặc biệt, một sự ưu ái hiếm thấy.

Cũng như vậy, vị giáo sư, tiến sỹ khoa học phụ trách giảng dạy chúng tôi bộ môn Sinh học, từng có 3 năm dạy ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, luôn lấy hình ảnh sinh viên Việt Nam cần cù, chịu khó ra làm gương cho sinh viên quốc tế, luôn căn dặn sinh viên Việt Nam “phải học thật giỏi để về phụng sự đất nước” cũng được tôi trang trọng dành riêng một vị trí trong tim mình.

Còn nhiều lắm những gương mặt, những người Nga đáng kính đã dìu dắt, giúp đỡ tôi, chăm từ bữa ăn giấc ngủ đến lo chuyện học hành, mà nếu không có họ chắc bản thân tôi cũng khó có được ngày hôm nay.

Những năm tháng ở Liên Xô, thông qua Hội Hữu nghị Việt-Xô (nay là Hội Hữu nghị Việt-Nga), tôi được biết và nhớ mãi sự kiện có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn đối với Việt Nam.

Đó là ngày 27/1/1973 khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam được ký kết, sau khi theo dõi diễn biến sự kiện chấn động này qua chiếc tivi đen trắng, chúng tôi được chứng kiến người dân Nga ùn ùn đổ ra đường hân hoan chào mừng bước ngoặt trọng đại của dân tộc Việt Nam.

Tới lớp học, các bạn Nga đã chuẩn bị sẵn nào hoa, nào quà, ôm chầm lấy tôi trong nỗi niềm sung sướng tột bậc. Có vị giáo sư còn bảo: “Việt Nam các anh thắng Mỹ là việc hệ trọng, thắng Ngụy chỉ là chuyện sớm muộn nữa thôi”.

Và đúng như vậy, 2 năm sau đó, ngày 30/4/1975, ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước Việt Nam được hoàn toàn thống nhất cũng trở thành sự kiện lớn đối với cả nhân dân Liên Xô - người anh em trong khối xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

Sau khi trở về năm 1977, mãi đến 30 năm sau tôi mới có dịp quay trở lại đất nước từng nuôi nấng, đào tạo mình trong chương trình do Trung ương Hội hữu nghị Việt-Nga tổ chức. Sau đó, năm 2012, tôi cùng vợ - một cựu lưu học sinh Việt Nam tại Liên Xô khóa 1972-1977 cũng có hành trình riêng về lại những nơi từng gắn bó với những tháng ngày tuổi trẻ.

Và mới nhất, năm 2013, Hội hữu nghị Nga-Việt cũng mời tôi sang thăm lại xứ sở bạch dương. Trong những chuyến đi này, tôi có dịp tiếp xúc, chuyện trò cùng nhiều người thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội Nga đương đại, song hầu hết ở họ đều toát lên một nỗi niềm luyến tiếc và hoài niệm đối với chế độ xã hội chủ nghĩa trước đây của Liên Xô - thành quả vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Mười lịch sử năm 1917.

Việt Nam chúng ta, đặc biệt là những người thuộc thế hệ chúng tôi không bao giờ có thể phủ nhận được những thành quả mà cuộc Cách mạng tháng Mười đem lại cho thành trì cách mạng thế giới, cho nền xã hội chủ nghĩa ở các nước.

Để rồi mỗi dịp kỷ niệm hàng năm, những lưu học sinh năm ấy lại bồi hồi nhớ lại mối tơ duyên với nước Nga rất xa nhưng cũng rất gần…

Tô Hồng Hải
(Nguyên Ủy viên BTV, nguyên Trưởng BTG Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh Nghệ An)

Tác giả bài viết: Gia Bảo

Nguồn tin: Báo Nghệ An

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây