Giá trị bằng tốt nghiệp đại học Nga ở nước ngoài

Thứ tư - 25/07/2018 14:29 1.266 0
Chảy máu chất xám là một trong những vấn đề chủ yếu của thị trường lao động Nga: Các cán bộ chuyên môn có trình độ cao thường tìm kiếm cơ hội tiếp tục thăng tiến ở nước ngoài.
Giá trị bằng tốt nghiệp đại học Nga ở nước ngoài
Tuy nhiên, trên các phương tiện thông tin đại chúng, không hiếm khi có thể bắt gặp những thông tin về việc nhiều phó tiến sĩ khoa học Nga ở nước ngoài phải làm việc tại các nhà hàng ăn nhanh “McDonald’s”, rằng ở đấy bằng cấp Nga không được coi trọng. Vậy, quá trình đánh giá công nhận bằng cấp ở Nga được thực hiện như thế nào?

Vấn đề công nhận bằng cấp

Về lý thuyết, bằng tốt nghiệp đại học Nga phải được công nhận ở nước ngoài sau năm 1999, từ khi nước Nga tham gia Công ước Lisbon về việc công nhận bằng cấp lẫn nhau của giáo dục đại học. Trên thực tế, mọi chuyện phức tạp hơn nhiều. Thứ nhất, có sự phân biệt đối với sinh viên tốt nghiệp các trường đại học muốn học tiếp ở nước ngoài và đối với những người đang chuẩn bị tìm kiếm việc làm.

Thứ hai, bản thân quá trình công nhận bằng cấp cũng bao gồm hai giai đoạn – giai đoạn hợp pháp hóa và giai đoạn công nhận mà không phải ai cũng trải qua. Nhưng ngay cả điều đó cũng không bảo đảm rằng trình độ học vấn của ứng viên tìm việc sẽ làm hài lòng nhà tuyển dụng lao động cụ thể.

Trước hết, tùy theo nước, bằng cấp phải được hợp pháp hóa theo hai hình thức: Chuẩn hóa (nếu đất nước nơi bạn chuẩn bị làm việc, ủng hộ Công ước Hague) và hợp pháp hóa lãnh sự. Vẫn còn có những quốc gia mà nước Nga đã ký kết thỏa thuận về hỗ trợ pháp lý (ví dụ như Czech và Italia) - ở đấy nói chung không cần thực hiện các thủ tục này. Nhưng bất luận thế nào, ở nước ngoài, người ta chỉ công nhận văn bằng của trường đại học quốc gia hay trường đại học có sự đánh giá chất lượng của nhà nước.

Để được chuẩn hóa quốc tế bạn cần đến phòng dịch thuật làm công chứng bản dịch văn bằng, đóng dấu xác nhận. Hợp pháp hóa lãnh sự là một quá trình phức tạp và nhiều cấp độ hơn: Văn bằng được thông qua tại phòng hợp pháp hóa lãnh sự của Bộ Pháp lý, phòng hợp pháp hóa lãnh sự của Bộ Ngoại giao LB Nga và lãnh sự nước ngoài.

Việc thực hiện các thủ tục này chứng minh rằng về nguyên tắc văn bằng có thể được một trường đại học nước ngoài hoặc nhà tuyển dụng lao động coi là có hiệu lực. Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đấy, cần phải chứng minh rằng trình độ học vấn được ghi trong văn bằng phù hợp với các chuẩn mực nước ngoài. Các cơ quan hữu quan của nước ngoài sẽ tiến hành việc công nhận văn bằng, và ở đây có thể xuất hiện những rắc rối trong việc chuyển ngữ các trình độ chuyên môn.

Bởi nếu như trình độ cử nhân hay thạc sĩ là dễ hiểu đối với người thẩm định nước ngoài thì trình độ phó tiến sĩ khoa học của Nga có thể gây nghi vấn: Nó không hoàn toàn tương đương với học vị PhD của nước ngoài. Ngoài ra, kế hoạch dạy học và phương pháp đánh giá kiến thức tổng thể của nước Nga thậm chí trong các trường đại học xuất sắc cũng rất khác với các đại học nước ngoài. Vì vậy, 5 năm học tập tại trường đại học Nga có thể được tính là 4 năm, hoặc người ta yêu cầu ứng viên tìm việc thi thêm những môn nào đó. Nếu mọi chuyện diễn ra trót lọt thì trong tay bạn sẽ xuất hiện chứng chỉ công nhận văn bằng tương đương.

Kinh nghiệm làm việc quan trọng hơn bằng cấp

Đương nhiên, việc sở hữu một tấm bằng đại học danh giá là sự bảo đảm tốt cho các cán bộ chuyên môn có trình độ cao khi xin việc. Nhưng bằng tốt nghiệp các trường MGIMO hay MGU trong con mắt nhà tuyển dụng lao động phương Tây, thông thường, không có gì khác với văn bằng của bất kỳ trường đại học nào - ở nước ngoài chúng không được đánh giá cao như ở Nga.

Những người muốn tiến thân theo con đường hàn lâm nên biết rằng văn bằng của một trường đại học quốc gia lớn ở Nga kết hợp với tu nghiệp ở nước ngoài và các công bố trên các tạp chí khoa học nước ngoài sẽ gây ấn tượng tốt. Còn một phương án thực hành nữa - các chương trình đào tạo liên kết với các đại học nước ngoài cấp văn bằng hai: Ví dụ, tại Trường Đại học Kinh tế Moskva, bạn có thể đồng thời nhận bằng tốt nghiệp Đại học

Sorbonne hoặc Đại học Bologna, còn tại MGIMO - nhận bằng MBA của Đại học Genève. Trong những trường hợp khác, trường đại học không có vai trò gì lớn - kinh nghiệm thực tế của ứng viên tìm việc có ý nghĩa lớn hơn nhiều.

Tiếng nói người trong cuộc

Theo ông Luke Jones, Giám đốc thương mại Công ty tuyển dụng Antal Russia, nhiều vấn đề phụ thuộc vào nghề nghiệp và mục đích, nếu như ứng viên tìm việc không những muốn tiếp thu kinh nghiệm làm việc mà còn định cư ở nước ngoài thì nhiệm vụ rất khó khăn.

Thứ nhất, sẽ rất khó chứng minh cho nhà tuyển dụng lao động rằng văn bằng, ngay cả khi đã được công nhận, là thật, chứ không phải mua ngoài chợ với đầy đủ các con dấu. Bản thân việc bạn không xuất thân từ Liên minh châu Âu hay Mỹ, đã là một bất lợi. Nhưng điều đó chỉ liên quan tới những nghề mà bằng cấp thực sự quan trọng, ví dụ bác sĩ và luật sư.

Nhìn chung ở Nga, các nhà tuyển dụng lao động quan tâm nhiều tới trình độ của ứng viên tìm việc hơn ở phương Tây. Ở Nga người ta hỏi: “Bạn học ở đâu?”. Còn ở nước ngoài không ai quan tâm tới điều đó, ở đấy người ta sẽ hỏi: “Bạn biết làm gì?”. Nếu bạn nói dối rằng bạn là chuyên gia lập trình, thì điều đó sẽ nhanh chóng được làm rõ trong quá trình làm việc, trước hết là khi trả lời phỏng vấn.

Còn nếu bạn biết làm nhiều việc thì ít ai quan tâm tới bằng cấp của bạn. Và không nhất thiết phải làm việc theo chuyên ngành, hơn nữa, một số nghề cần thiết người ta không dạy trong trường đại học. Ví dụ, để trở thành nhân viên quản lý bán hàng giỏi chỉ cần thực tập bán hàng. Ngoài ra, ngoại ngữ rất quan trọng, trình độ tiếng Anh được coi là giỏi của một người đến từ Nga không thể so sánh được với trình độ tiếng Anh của một người đến từ Ấn Độ vốn nói tiếng Anh từ nhỏ.

“Tôi không nói rằng học vấn không có giá trị, nhưng tự thân nó không làm cho ứng viên tìm việc trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt nhà tuyển dụng lao đông nước ngoài. Kinh nghiệm làm việc là ưu thế cạnh tranh quan trọng hơn nhiều” - ông Luke Jones kết luận.

“Ở Nga, các nhà tuyển dụng lao động quan tâm nhiều tới trình độ của ứng viên tìm việc hơn ở phương Tây. Ở Nga người ta hỏi: “Bạn học ở đâu?”. Còn ở nước ngoài không ai quan tâm tới điều đó, ở đấy người ta sẽ hỏi: “Bạn biết làm gì?”. Nếu bạn nói dối rằng bạn là chuyên gia lập trình, thì điều đó sẽ nhanh chóng được làm rõ trong quá trình làm việc, trước hết là khi trả lời phỏng vấn. Còn nếu bạn biết làm nhiều việc thì ít ai quan tâm tới bằng cấp của bạn”.

Tác giả bài viết: Anh Thư

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây