Trải thảm đỏ đón du học sinh Việt

Thứ tư - 29/06/2022 11:52 605 0
au dịch COVID-19, nhiều quốc gia đã tăng cường các chính sách hỗ trợ về học bổng, việc làm, định cư... thu hút sinh viên quốc tế, trong đó có Việt Nam.
PHU 9550 1024x706
PHU 9550 1024x706

Thường tháng 8 - 9 là đợt nhập học lớn nhất trong năm ở các thị trường du học lớn trên thế giới. Do vậy, các nước đang tăng tốc thu hút du học sinh.

Úc: "bơm" ngân sách cho truyền thông

Ông Lương Thanh Quang - quản lý tuyển sinh khu vực Mekong của Đại học Curtin (Úc) - cho biết hiện hoạt động du học tại Úc gần như đã trở về bình thường như hồi trước COVID-19. Thủ tục nhập cảnh giữa Việt Nam và Úc đã dễ dàng, tạo điều kiện cho sinh viên sang học trực tiếp trong đợt nhập học quan trọng tới đây. Số lượng sinh viên Việt đến Úc trực tiếp nhìn chung đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.

Theo ông Quang, trong hai năm chịu ảnh hưởng của COVID-19, dù không thể đón sinh viên nước ngoài, nhiều trường ở Úc đã tận dụng khoảng thời gian này để xây thêm các khu học xá (campus), nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị. 

Nhiều bang ở Úc cũng công bố những gói tài chính "khủng" rót vào các chiến dịch marketing hùng hậu nhắm tới các nước tiềm năng như Việt Nam. Điển hình, chính quyền bang Tây Úc vừa bổ sung hơn 41 triệu USD cho các kế hoạch quảng bá đến 10 thị trường mục tiêu ở châu Á, trong đó có Việt Nam, nhằm đưa hình ảnh của giáo dục của họ tới những học sinh có ý định du học.

Chính phủ Úc còn đưa ra thêm nhiều chính sách ưu đãi về cơ hội ở lại làm việc. Theo quy định mới, nếu chọn đến học tại các vùng "Regional" (các thành phố ngoài Sydney, Melbourne và Brisbane), các bạn trẻ sẽ có thể tìm việc từ 3-4 năm sau khi tốt nghiệp, tăng thêm khả năng định cư cho sinh viên quốc tế.

Mỹ: học bổng gấp đôi

Ông Vũ Hải Trường - giám đốc chương trình Việt Nam của ĐH Arizona (Mỹ) - cho biết số sinh viên Việt Nam nhập học tại trường trong kỳ tới đây đã nhiều hơn cả ba năm gần nhất (2019-2021). Ông Trường cho rằng đây là xu hướng chung của các đại học ở Mỹ khi tình hình tuyển sinh gần như trở lại bình thường sau hai năm chật vật vì COVID-19. 

"Dù vậy, các trường lại ghi nhận một số sinh viên muốn học... online từ 1-2 năm ở Việt Nam trước khi sang Mỹ. Hiện tại, nhiều bạn đã có thiện cảm hơn với học online nên chủ động lựa chọn học từ xa ở Việt Nam để tiết kiệm và gần gia đình hơn rồi mới lên đường qua Mỹ học trực tiếp" - ông Trường nói.

Về chính sách học bổng, theo ông Trường, hầu hết các trường đều gia tăng học bổng trong đợt nhập học tới đây. Trong COVID-19, các đại học, cao đẳng đều gặp khó khăn nên lượng học bổng có phần giảm, nhưng giờ đã nhiều hơn đáng kể. Giá trị nhiều học bổng xấp xỉ gấp đôi so với năm trước, chẳng hạn ĐH Arizona cấp học bổng dao động mức 22.000 USD/năm.

Anh: thêm cơ hội việc làm

Ông Nguyễn Thanh Vân - đại diện ĐH Bournemouth (Anh) tại Việt Nam - cho biết tới nay Vương quốc Anh đã gần như gỡ hết những rào cản về di chuyển, học tập sau COVID-19. Các trường đã khuyến khích học sinh, sinh viên sang học tại chỗ. Trong kỳ nhập học tháng 9 lần này, số lượng sinh viên Việt qua Anh đông đảo, ước tính bằng 80% so với trước khi đại dịch diễn ra.

Theo ông Vân, nhằm tạo thêm sức hút cho sinh viên thời hậu COVID-19, các đại học, cao đẳng ở Anh đã mở rộng các chương trình thực tập cho sinh viên quốc tế, đặc biệt các bạn từ Đông Nam Á. Ngày càng có nhiều trường coi trọng chuyện hỗ trợ sinh viên tìm việc làm, tìm chỗ thực tập. Thậm chí, một số chương trình trước nay không bao gồm thời gian thực tập như thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA), nay đã cho người học cơ hội tìm việc.

"Sinh viên Việt Nam sang Anh trong năm nay sẽ có rất nhiều lựa chọn tìm việc làm. Ngay cả những ngành trước đây rất khó xin việc như trong ngành bán lẻ hay marketing, giờ cũng đã dễ dàng hơn" - ông Vân nói.

Ông Vân lưu ý hiện do chiến sự tại Ukraine, Chính phủ Anh có phần ưu tiên giải quyết hồ sơ visa cho người tị nạn. Bên cạnh đó, đợt nhập học này dự kiến đón lượng sinh viên tăng vọt từ châu Phi như Nigeria, Ghana, nên thời gian làm visa với sinh viên Việt có thể lâu hơn, mất khoảng 6-8 tuần, thậm chí tới 10 tuần. 

"Vì vậy, các bạn cần chuẩn bị hồ sơ thật sớm, phòng trường hợp sai sót có thể nhanh chóng chỉnh sửa. Nếu sang nhập học vào kỳ tháng 9 mà làm hồ sơ quá tháng 7 có thể sẽ không kịp" - ông Vân tư vấn.

Đức: điểm cộng từ sự ổn định

Bà Trần Thị Út Anh Đào - giám đốc Công ty Eurolink Education - cho biết hiện bức tranh du học Đức đã khởi sắc hơn rất nhiều. Từ quan sát cá nhân, bà Đào cho hay nhiều công ty tư vấn du học ghi nhận lượng hồ sơ sinh viên sang Đức tăng cao hơn 200%.

"Sự tích cực này không chỉ đến từ phía Đức mà còn từ các chính sách ở Việt Nam. Khi tình hình dịch bệnh và các chính sách xuất nhập cảnh từ phía Việt Nam đã trở lại bình thường, du học sinh có nhiều cơ hội để du học.

Riêng Đức vẫn khá thoáng, luôn mở cửa cho sinh viên quốc tế ngay cả trong thời gian dịch bệnh diễn ra. Sự ổn định trong các chính sách của Đức tới nay vẫn là điểm cộng lớn nhất của thị trường du học này" - bà Đào nói.

New Zealand: xét visa sinh viên từ 1-8

Ông Đặng Trần Duy Quân - quản lý khu vực Đông Nam Á, ĐH Auckland (New Zealand) - cho biết New Zealand chính thức sẽ đón rộng rãi sinh viên quốc tế từ đợt nhập học tới đây. Cụ thể từ 1-8, du học sinh Việt Nam có thể nộp visa đến New Zealand, sớm hơn dự kiến hai tháng, nhằm tạo thuận lợi cho các bạn trẻ Việt đến xứ kiwi học trực tiếp. Trước đó, New Zealand chỉ nhận xét visa sinh viên cho một số trường hợp đặc biệt.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây