Mổ xẻ bất cập trong đào tạo sư phạm

Thứ hai - 29/08/2011 15:26 1.920 0
Sáng 27/8, hội nghị các trường sư phạm được tổ chức trên cả nước thông qua 6 điểm cầu: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Nghệ An, Cần Thơ và Thái Nguyên. Tham dự có Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo Bộ Giáo dục, lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm và trường có đào tạo ngành sư phạm. Sau báo cáo dự thảo chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến 2020 của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, đại diện các trường bày tỏ ý kiến.

Ông Nguyễn Văn Bản, Hiệu phó ĐH Đồng Tháp cho biết, trường ông có 14 khoa với 32 ngành đào tạo, trong đó 14 ngành sư phạm bởi chủ trương của trường lấy đào tạo giáo viên làm cốt lõi. Tuy nhiên, theo ông Bản, hiện nay ĐH Đồng Tháp gặp khó khăn lớn là đầu vào rất thấp bởi nguồn tuyển chủ yếu là học sinh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Mặt khác, tâm lý của học sinh không muốn đi theo ngành giáo viên bởi ra trường khó xin việc và thu nhập thấp.

"Tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục phối hợp đưa ra quy định các trường, cấp học, ngành học cung cấp số lượng giáo viên còn thiếu làm căn cứ để chúng tôi tổ chức đào tạo. Đồng thời, Bộ Giáo dục cần chủ trì hội nghị các trường sư phạm vùng, giao nhiệm vụ đào tạo, từ đó khắc phục sự mất cân đối trong ngành", ông Bản nêu ý kiến.

Cũng trăn trở việc đào tạo nguồn giáo viên tương lai, bà Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Hiệu trưởng ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, hiện nay hệ thống giáo dục đang thiếu trầm trọng các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, thể chất, tinh thần cho học sinh. Ngoài ra, theo bà Lộc, việc đào tạo đội ngũ giáo viên tiểu học cần được xem xét lại bởi giáo dục ở bậc này rất quan trọng.

"Chồi có khỏe thì cây mới phát triển được. Nếu trẻ học tốt từ mầm non, tiểu học thì lên cấp trên các em sẽ theo quán tính mà phấn đấu, giáo viên chỉ cần uốn nắn thêm", bà nói. Cũng theo bà Lộc, hiện nay môi trường thực hành, thực tập của các đại học sư phạm chưa có. Chế tài về việc quy định nhiệm vụ của các trường phổ thông đối với thế hệ giáo viên kế tiếp cũng chưa được xây dựng. Bên cạnh đó, hiện nay cùng một lúc các trường đào tạo sư phạm cho sinh viên đi thực tập đang gây áp lực quá tải cho các trường phổ thông.

"Tôi nghĩ việc dồn thực tập vào 6 tuần trong năm không còn phù hợp nữa. Chúng ta cần thay đổi, để các em đăng ký thực tập tùy theo năng lực", bà Lộc kiến nghị và cho hay, các trường đại học nên ký hợp đồng với giáo viên có tâm huyết với sinh viên thực tập, hình thành chế độ giảng viên vệ tinh.

Đại diện các trường nêu ý kiến về những tồn tại trong thực tiễn đào tạo sư phạm. Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Đà Nẵng Nguyễn Hoàng Bảo Thanh cho biết, hiện trường ông mỗi năm tổ chức hai hội nghị khoa học cho sinh viên, tuy nhiên, các đề tài nghiên cứu cấp nhà nước vẫn chưa có. Ông kiến nghị, Bộ nên chủ trì để các trường, ngành đào tạo sư phạm có thể góp ý cho đề tài nghiên cứu khoa học của đồng nghiệp, xây dựng các nhóm nghiên cứu có tính liên ngành, thành lập trung tâm nghiên cứu mới, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, liên kết và hợp tác quốc tế.

Tiếp thu ý kiến của đại diện các trường, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo, đổi mới công nghệ đào tạo trong ngành sư phạm là việc cần triển khai ngay. Theo ông, việc giáo dục truyền thống đạo đức từ xưa đến nay cần chuyển hướng sang giáo dục kỹ năng của người công dân Việt Nam trong thời đại mới, để từ đó hướng tới năng lực tự học của mỗi người.

Phó thủ tướng cũng góp ý, Bộ Giáo dục cần sớm ban hành quy hoạch phát triển nhân lực của hệ thống đào tạo trên cơ sở quy hoạch nguồn nhân lực toàn ngành và của từng địa phương. Từ đó, rà soát lại các trường sư phạm, khoa sư phạm, nghiên cứu nâng cấp 3 trường trung cấp lên cao đẳng để thể hiện đòi hỏi cao đối với những người làm nghề giáo.

"Trường đại học là trung tâm đào tạo lớn nhất, còn các doanh nghiệp là vệ tinh đào tạo. Trong khuôn khổ ngành sư phạm phải biến các trường phổ thông thành vệ tinh. Đây là nơi tiếp nhận phản hồi đào tạo và cũng là cơ sở thực hành tuyệt vời nhất đối với các trường đào tạo sư phạm", Phó thủ tướng nói và góp ý, đã đến lúc cần hình thành hội đồng hiệu trưởng các trường đại học để cùng thảo luận những vấn đề chung, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục cần lập dự kiến bồi dưỡng đào tạo lại giáo viên để dạy chương trình mới, tạo lực lượng nòng cốt truyền đạt kiến thức cho đồng nghiệp. Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần khuyến khích hình thành giảng viên tư vấn, phát triển hơn nữa các chính sách khuyến khích đối với học sinh, thu hút các em vào ngành sư phạm.

Tác giả bài viết: Đức Chinh

Nguồn tin: Viện Nghiên cứu Giáo dục quốc tế

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây