Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020

Thứ ba - 13/03/2018 13:38 329 0
Ngày 08 tháng 8 năm 2016 tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì buổi làm việc với Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 (BQL Đề án) về triển khai các nhiệm vụ của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 và những công việc có liên quan tới tổ chức và hoạt động của BQL Đề án. Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, lãnh đạo các Vụ, Cục, Văn phòng, lãnh đạo và toàn thể cán bộ công chức và nhân viên của BQL Đề án.
Sau khi khẳng định những kết quả bước đầu của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 và ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của tập thể lãnh đạo và cán bộ công chức, nhân viên của BQL Đề án trong thời gian qua, Bộ trưởng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đồng thời nêu lên những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 giai đoạn 2016 -2020 định hướng đến năm 2025.   
        
Sau khi khẳng định những kết quả bước đầu của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 và ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của tập thể lãnh đạo và cán bộ công chức, nhân viên của BQL Đề án trong thời gian qua, Bộ trưởng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đồng thời nêu lên những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 giai đoạn 2016 -2020 định hướng đến năm 2025.            

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng cũng đã nghe báo cáo của lãnh đạo và một số cán bộ, nhân viên của BQL Đề án, Bộ trưởng khẳng định vai trò quan trọng của giảng dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân và nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án trong giai đoạn tới là bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ giáo viên ngoại ngữ và công tác khảo thí ngoại ngữ. Bộ trưởng kết luận, trước mắt BQL Đề án cần tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ dưới đây:

Thứ nhất, BQL Đề án cần khẩn trương rà soát, điều chỉnh kế hoạch 2016 - 2020 và xây dựng định hướng tới năm 2025, trong đó tập trung xây dựng kế hoạch chi tiết của năm 2017.

Thứ hai, BQL Đề án dự thảo kế hoạch triển khai Đề án giai đoạn 2016 -2020 định hướng tới năm 2025 với 3 nội dung trọng tâm là: bồi dưỡng giáo viên, đổi mới công tác khảo thí và xây dựng cơ chế chính sách về ngoại ngữ. Trong quá trình xây dựng kế hoạch BQL Đề án cần phối hợp chặt chẽ với các Vụ, Cục để đảm bảo triển khai hiệu quả Đề án từ giáo dục mầm non.

Trên cơ sở dự thảo kế hoạch nêu trên, chuẩn bị tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch 2017 - 2020. Thành phần tham dự Hội nghị là các địa phương, đơn vị có liên quan đến việc triển khai nhiệm vụ của Đề án. BQL Đề án cần liên hệ trước với các địa phương, đơn vị về nội dung tham luận tại hội nghị. Thời gian tổ chức hội nghị, dự kiến là trước ngày 30 tháng 8 năm 2016.

Thứ ba, BQL Đề án cần rà soát toàn bộ nhân lực theo vị trí công việc tại BQL Đề án theo hướng tăng cường năng lực đáp ứng chức năng, yêu cầu nhiệm vụ của Đề án. Đối với những vị trí chuyên môn chủ chốt trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, khảo thí, cần lựa chọn những người am hiểu, có kinh nghiệm và có thể làm việc độc lập bằng tiếng Anh, tránh tình trạng số lượng cán bộ, nhân viên đông nhưng làm việc không hiệu quả.

Cùng với việc hoàn thiện tổ chức và nhân sự của BQL Đề án, cần xây dựng mạng lưới điều phối triển khai Đề án trên cơ sở huy động được sự tham gia của cán bộ đầu mối của các trường đại học ngoại ngữ, các địa phương, đơn vị tham gia Đề án đảm bảo hiệu quả và nâng cao năng lực quản lý việc dạy và học ngoại ngữ trên toàn hệ thống.

Thứ tư, BQL Đề án chủ trì, phối hợp với các Vụ, Cục, đặc biệt là Cục Công nghệ thông tin để bổ sung, hoàn thiện hệ thống dữ liệu về Đề án phục vụ công tác chỉ đạo và điều hành của Bộ. Cơ sở dữ liệu cần đảm bảo số liệu thống kê đầy đủ, rõ ràng và trở thành một mục riêng trong Cổng thông tin điện tử của Bộ.

Thứ năm. BQL Đề án cần xây dựng nội dung truyền thông để toàn xã hội thấy được vị trí, vai trò của Đề án trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế, nhất là khi nước ta tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN. Hình thức truyền thông nội bộ và truyền thông tới toàn xã hội cần đa dạng, phong phú, sinh động, và có sự phối hợp chặt chẽ với Kênh Truyền hình Giáo dục (VTV7) - Đài Truyền hình Việt Nam.

Ngoài các nhiệm vụ nêu trên, BQL Đề án cần trao đổi và phối hợp với các Vụ, Cục có liên quan để triển khai sớm việc dạy học thí điểm tiếng Hàn, tiếng Nhật theo Thỏa thuận đã ký kết với Hàn Quốc và Nhật Bản. (moet.gov.vn)

Tác giả bài viết: Kim Hoa

Nguồn tin: Bộ Giáo dục và Đào tạo

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây