Bộ Giáo dục nên học cách tổ chức thi cử và quản lý bằng cấp như IELTS

Chủ nhật - 16/01/2022 16:42 458 0
Thời gian qua, chuyện học sinh học và thi IELTS nói riêng và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nói chung, đã được dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều. Ngành giáo dục nên có cách thức tổ chức các kì thi ngoại ngữ nói riêng, các kì thi khác nói chung, minh bạch và có phương thức quản lý bằng cấp, chứng chỉ. Nhiều trường đại học công bố phương án tuyển sinh năm học 2022 – 2023 đã sử dụng IELTS để xét tuyển, trong phương án tuyển sinh.
Bộ Giáo dục nên học cách tổ chức thi cử và quản lý bằng cấp như IELTS

Đừng lo ngại học sinh học lệch vì thi IELTS

Thực tế, gần 40 năm dạy học, người viết thấy những học sinh phổ thông dám học và thi IELTS nói riêng và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nói chung, xứng đáng nhận được sự khen ngợi của xã hội. Những học sinh phổ thông dám thi IELTS nói riêng và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nói chung, học không vì điểm số, thành tích, mà các em học vì đam mê, có mục tiêu rõ ràng.

Điều này khác biệt với không ít học sinh của chúng ta đang học ngoại ngữ vì thành tích, điểm số chứ không phải vì phát huy năng lực ngoại ngữ. Những học sinh phổ thông dám học và thi IELTS nói riêng và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nói chung là những học sinh có ý thức tự học. Để có kết quả thi IELTS nói riêng và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nói chung, ngoài học bên ngoài… nhưng cơ bản nhất, học sinh phổ thông phải tự học là chủ yếu.

Có người cho rằng, do lệ phí thi IELTS (4.750.000 đồng) quá cao so với mức thu nhập của người dân Việt Nam, nên học sinh chúng ta không tham gia thi, chỉ gia đình có khả năng mới cho con thi IELTS, nên sử dụng IELTS trong xét tuyển sinh đại học là không công bằng.

Hoàn toàn không phải vậy, ngày 15/01/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 05/2013/QĐ-UBND về việc quy định chế độ khuyến khích tài năng cho học sinh trường trung học phổ thông Chuyên, trường phổ thông và các trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo quy định, những học sinh trường trung học phổ thông Chuyên, trường phổ thông và các trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khi đạt được chứng chỉ tiếng Anh Quốc tế (IELTS, TOEFL, CEFR) sẽ được thưởng từ 5 – 8 triệu đồng. Theo đó, chỉ cần học sinh phổ thông đạt IELTS 5.0, là có tiền thưởng 5.000.000 đồng, như vậy là thu bù chi, hay nói cách khác “hòa vốn”.

Thế nhưng, số học sinh phổ thông trung học tham gia thi IELTS không nhiều, ngay tại huyện Xuyên Mộc, nơi người viết công tác, hàng năm số học sinh thi IELTS chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đừng lo ngại học sinh học lệch vì thi IELTS, những học sinh thi IELTS là những học sinh có ý thức tự học, biết làm chủ bản thân, chắc chắn các em sẽ biết mình cần học cái gì cho cuộc đời mình.

Bằng cấp, chứng chỉ, thi cử, chúng ta nên học theo cách tổ chức thi IELTS

Không phải ngẫu nhiên các trường đại học sử dụng IELTS làm tiêu chí xét tuyển sinh, học đại học cần phải có ý thức, năng lực tự học, sử dụng IELTS làm tiêu chí xét tuyển sinh, tức là đã tuyển được sinh viên đầu vào có năng lực, ý thức tự học.

Bên cạnh đó, các loại bằng cấp, chứng chỉ ở nước ta có thể đều bị làm giả, hay học giả bằng thật, từ bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ… cho đến chứng chỉ nghề Tin học, với IELTS, không có chuyện đó. Chỉ vài cú kích chuột, có thể kiểm chứng ngay chứng chỉ IELTS thật hay giả.

Cách thức tổ chức thi IELTS minh bạch, không thể “chạy”, loại bỏ hoàn toàn “học giả bằng thật”; ngoài ra, tổ chức thi IELTS cũng đóng góp vào ngân sách, khi lệ phí có 10% VAT. Thầy Ph. một giáo viên dạy Anh ngữ (đề nghị giấu tên) cho biết: “Đề thi IELTS không thể “học tủ”, “dạy tủ”, chỉ có thể học hiểu, rèn luyện đầy đủ kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, mới có thể làm tốt.

Chỉ riêng nội dung đề thi IELTS, nó đã toát lên được nội hàm của cách dạy, cách học, định hướng được phương pháp dạy, phương pháp học: rèn luyện, phát huy phẩm chất, năng lực của người học, điều mà giáo dục chúng ta đang hướng tới trong môn ngoại ngữ nói riêng và giáo dục nói chung”. Điều đặc biệt hơn, chứng chỉ IELTS chỉ có giá trị 02 năm, khác với các chứng chỉ ngoại ngữ “nội” có giá trị trọn đời.

Sau 2 năm, chứng chỉ IELTS không còn tác dụng, học sinh phổ thông bắt buộc phải ôn luyện, tự học trọn đời, không tự mãn, tự kiêu, ỷ lại, nhờ đó chúng ta có một nguồn nhân lực ngoại ngữ chất lượng cao. Trong lúc đó, ở nước ta, ngay “Bằng tiến sĩ lưỡng dụng: “vừa tiến vừa… sĩ”” . Học sinh phổ thông thi IELTS mà không thi các chứng chỉ “ngoại ngữ nội”, dù những chứng chỉ đó có giá trị trọn đời, điều đó cũng phản ánh phương thức tổ chức thi, quản lý chứng chỉ có vấn đề, phải sửa đổi cho phù hợp.

Vì thế, ngành giáo dục nên có cách thức tổ chức các kì thi ngoại ngữ nói riêng, các kì thi khác nói chung, minh bạch, có phương thức quản lý bằng cấp, chứng chỉ không thể làm giả, người viết tin rằng, các trường đại học sẽ dùng chứng chỉ B1, B2 xét tuyển như IELTS, chứ không phải “ưu tiên” nữa.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây