Những sự kiện giáo dục quốc tế nổi bật năm 2021

Thứ ba - 04/01/2022 08:30 867 0
Năm thứ 2 của đại dịch Covid-19, lĩnh vực giáo dục trên thế giới tiếp tục chịu những tác động to lớn. Song giáo viên, nhà trường không ngừng nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy giúp việc học tập của trẻ em thế giới không bị gián đoạn.
Những sự kiện giáo dục quốc tế nổi bật năm 2021

Hoãn tựu trường vô thời hạn

Bước sang năm học 2021 - 2022, nhiều quốc gia trên thế giới cho phép trường học mở cửa trở lại sau thời gian dài học trực tuyến vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo phân tích của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), tính đến tháng 8/2021, khoảng 140 triệu học sinh, trong đó 30 triệu trẻ em ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, chưa thể tựu trường. Các em vẫn tiếp tục học trực tuyến do sống ở những nơi trường học phải đóng cửa do đại dịch Covid-19.

Đối với 168 triệu học sinh, trong đó ít nhất 34 triệu học sinh ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trường học của các em phải đóng cửa gần như cả năm kể từ khi đại dịch bắt đầu. Thậm chí ngay lúc này, nhiều trẻ em đang phải đối mặt với năm thứ hai bị gián đoạn trong học tập.

Các em, đặc biệt là trẻ đang trong giai đoạn phát triển quan trọng, phải hứng chịu các hậu quả liên quan đến việc trường học đóng cửa như hổng kiến thức, tinh thần căng thẳng, bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng, nguy cơ bỏ học, lao động trẻ em và tảo hôn gia tăng.

Theo dữ liệu của UNICEF, ít nhất 31% học sinh trên thế giới, tương đương 463 triệu em, không được tiếp cận hình thức học tập từ xa. Bên cạnh việc thiếu cơ sở vật chất phục vụ học trực tuyến, trẻ nhỏ không thể tham gia học tập vì không được hỗ trợ khi sử dụng công nghệ, môi trường học tập không tốt, áp lực phải làm việc nhà, bị bắt phải lao động.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, nếu không thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhằm giảm nhẹ tác động, toàn bộ thế hệ học sinh này sẽ phải chịu tổn thất thu nhập 10 nghìn tỷ USD theo thời gian. Theo tính toán của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tổn thất sẽ rơi vào khoảng 1,25 nghìn tỷ USD đối với các nước châu Á đang phát triển, tương đương với 5,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực năm 2020.

Ứng dụng công nghệ

Ứng dụng công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực giáo dục nhằm giúp học sinh dù học trực tuyến hay trực tiếp đều có thể tiếp cận tri thức và các đổi mới trong xã hội.

Phân tích của UNICEF cho thấy, 90% các quốc gia đã áp dụng mô hình học từ xa, học trực tuyến với nhiều phương pháp giáo dục đổi mới như phát sóng bài học trên truyền hình, đài phát thanh; tổ chức lớp học trực tuyến qua các phần mềm giáo dục như Zoom, MS Teams; sử dụng bảng thông minh thay bảng đen… Ước tính, việc phát sóng bài học qua chương trình truyền hình, truyền thông kỹ thuật số có khả năng tiếp cận 69% học sinh từ mầm non đến trung học trên toàn cầu.

Không chỉ dạy học, việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh cũng được chuyển sang trực tuyến trên toàn thế giới. Các nhà trường có nhiều mô hình hay như cho học sinh làm dự án theo cá nhân hoặc nhóm để lấy điểm, thay vì kiểm tra tự luận. Hoặc tổ chức thi, kiểm tra thông qua phần mềm trực tuyến nhằm đảm bảo tính công bằng.

Dù với hình thức dạy và học nào, giáo viên trên toàn thế giới cũng đang nỗ lực học hỏi, ứng dụng công nghệ mới. Hiện nay, Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc… đã đưa người máy làm trợ giảng trong lớp học trực tiếp.

Trên đà phát triển này, Singapore vừa qua đã cho phép học sinh phổ thông học trực tuyến kết hợp trực tiếp ngay cả sau dịch Covid-19. Cụ thể, hàng tháng, học sinh sẽ học trực tuyến tại nhà 2 - 3 buổi bằng máy tính bảng, máy tính xách tay do nhà trường cung cấp.

Các em có thể tự ôn tập lại kiến thức trên lớp hoặc học bài mới. Nhật Bản, Estonia thông qua chương trình phân phối máy tính bảng cho học sinh phổ thông để các em làm quen với kỹ thuật số và ứng dụng vào học tập.

Tranh cãi tiêm vắc-xin cho trẻ em

Đầu năm học 2021 - 2022, vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất khi trẻ em phương Tây trở lại trường là nên hay không đeo khẩu trang trong lớp học. Tại Mỹ, chính quyền các bang có những quy định riêng về vấn đề này.

Đơn cử, các bang như California, Colorado… yêu cầu giáo viên, học sinh và nhân viên nhà trường đeo khẩu trang trong lớp và không gian kín. Trong khi bang Texas bác bỏ lệnh này. Tỷ lệ phụ huynh muốn con được đeo khẩu trang trong lớp học cũng cao hơn tỷ lệ phụ huynh phản đối.

Chính vì cách làm việc khác nhau của từng bang và nguyện vọng riêng của các gia đình, phụ huynh, nhà trường và thống đốc các bang không thể thống nhất việc nên hay không đeo khẩu trang. Tính đến nay, một số bang như Texas vẫn kiên trì với quyết định cấm đeo khẩu trang trong lớp học, bất chấp số ca nhiễm tăng cao và sự phản đối gay gắt của gia đình học sinh.

Đến những tháng cuối năm, vấn đề gây tranh cãi thứ hai nổ ra là tiêm vắc-xin cho trẻ em. Tại Mỹ, Hội đồng cố vấn cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) nhất trí ủng hộ tiêm vắc-xin 2 mũi cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên để các em có thể miễn dịch với Covid-19 khi trở lại trường học.

Đến nay, Mỹ vẫn giữ vững quan điểm tiêm 2 mũi vắc-xin cho thanh thiếu niên từ 12 - 17 tuổi và kêu gọi trẻ em trong nhóm này đi tiêm. Dù vậy, phụ huynh Mỹ vẫn nghiêng về lựa chọn tiêm một mũi vắc-xin do lo ngại tác dụng phụ.

Trong khi đó, các nước phương Tây rất thận trọng trước vấn đề này. Khi Mỹ đã triển khai tiêm cho trẻ em từ tháng 7, các nước phương Tây vẫn thảo luận quyết liệt về chiến lược tiêm chủng cho trẻ em. Với chiến lược hài hoà hơn, Anh, Na Uy đề xuất tiêm trước một mũi vắc-xin Pfizer cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Từ tháng 10, Thuỵ Điển đã triển khai tiêm một mũi vắc-xin cho trẻ vị thành niên.

Thiếu giáo viên

Càng về cuối năm, tình trạng thiếu giáo viên tại Anh, Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây lại trở nên trầm trọng. Lý do phổ biến nhất có liên quan đến Covid-19 như giáo viên bị nhiễm bệnh, phải cách ly do tiếp xúc gần các ca nhiễm… Nhưng cũng không ít giáo viên nghỉ việc vì chế độ đãi ngộ cho nhà giáo thấp trong khi khối lượng công việc và áp lực là quá lớn.

Tại Anh, nhiều trường phải đóng cửa sớm trước kỳ nghỉ Giáng sinh vì thiếu giáo viên, nhân viên. Trong cả năm, công đoàn giáo viên nước này cũng tổ chức nhiều cuộc đình công phản đối chế độ đãi ngộ, lương thưởng. Tại Mỹ, giáo viên, tài xế lái xe đưa đón học sinh đều thiếu trầm trọng. Trong đó, việc thiếu giáo viên đã là vấn đề bất cập tại Mỹ nhiều năm nay.

Ở châu Á, giáo viên phải đối mặt với nhiều căng thẳng, áp lực do dịch Covid-19. Không chỉ thích nghi với mô hình giảng dạy mới, giáo viên phải quản lý tình hình Covid-19 trong nhà trường, giám sát việc học sinh thực hiện quy định phòng chống dịch và giải đáp thắc mắc về dịch bệnh cho phụ huynh. Với vai trò “cảnh sát Covid”, không ít giáo viên đang rơi vào khủng hoảng nặng nề.

Thận trọng với Omicron

Năm 2021 được đánh giá tiếp tục là một năm ảm đạm đối với lĩnh vực giáo dục quốc tế khi nhiều quốc gia như Australia, Nhật Bản, Trung Quốc… vẫn hạn chế nhập cảnh cho sinh viên nước ngoài. Tuy nhiên, đến tháng 11, các nước đã rục rịch mở cửa biên giới cho du học sinh.

Những tưởng năm 2022 sẽ tạo nên hy vọng mới cho lĩnh vực giáo dục quốc tế, biến chủng Omicron được ghi nhận tại châu Phi có tốc độ lây lan nhanh khiến các quốc gia trở nên thận trọng hơn.

Đơn cử, ngày 30/11, Nhật Bản thông báo siết chặt kiểm soát biên giới, cấm sinh viên quốc tế nhập cảnh dù chỉ ba tuần trước đó đã nới lỏng lệnh hạn chế, cho phép sinh viên, thực tập sinh nước ngoài trở lại học tập.

Australia vẫn chưa ra lệnh hạn chế nhưng chính phủ sẽ giới hạn số lượng sinh viên quốc tế được phép trở lại học tập. Trung Quốc cũng đang cân nhắc tình hình và mức độ nguy hiểm của biến chủng mới trước khi chào đón sinh viên quốc tế.

Những động thái không chắc chắn này tiếp tục đẩy lĩnh vực giáo dục quốc tế vào khó khăn, có thể sang năm thứ 3 liên tiếp. Ngoài ra, do biến chủng mới, nhiều sinh viên có thể chọn học trong nước thay vì du học, gây sụt giảm số lượng và nguồn tài chính của các trường đại học quốc tế. Nhiều trường đại học trên thế giới phụ thuộc vào du học sinh sẽ đứng trước nguy cơ phá sản.

Trong nước, các nhà trường cũng phải tìm cách xoay xở khi biến chủng Omicron thâm nhập. Tại Đan Mạch vào cuối tháng 11 vừa qua, một trường học ở thành phố Odense phải đóng cửa do ghi nhận ca dương tính với biến chủng mới. Một trường tiểu học tại Anh cũng phải đóng cửa, nhiều trường khác trong khu vực dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp với lý do tương tự.

Hiện nay, những trường ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao tại phương Tây đã cho học sinh nghỉ lễ Giáng sinh sớm để hạn chế bùng phát dịch trong nhà trường. Cán bộ quản lý và cơ quan giáo dục địa phương bày tỏ lo ngại học sinh không thể trở lại trường vào tháng Giêng nếu tình hình dịch không được kiểm soát.

Chỉ mới trở lại trường từ giữa năm 2021, nếu học trực tuyến vào đầu năm 2022, học sinh tại những nơi này sẽ tiếp tục đối mặt với khủng hoảng do nghỉ học kéo dài.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây