Cơn 'sốt' học tiếng Việt ở Đài Loan

Chủ nhật - 01/09/2019 06:15 424 0
Trong những năm gần đây, số lượng du khách nước ngoài đến Đài Loan, Trung Quốc không ngừng tăng, chạm mức kỷ lục 11 triệu lượt khách/năm, trong đó khách tới từ Việt Nam đóng góp một lượng không nhỏ.
 

Sinh viên học tiếng Việt ở ITI - Trung tâm đào tạo nhân tài

Quá tải ở đại học

Tại Đại học Đài Loan, đã có thời điểm có em phải ngồi dưới đất và đứng ngoài cửa để xin học tiếng Việt. Những năm gần đây, số sinh viên đăng kí học tiếng Việt tăng vọt lên 40 - 50 người/một lớp dẫn đến tình trạng những ngày đầu của mỗi học kì bao giờ cũng quá tải. Các em đứng tràn cả ra hành lang, chỉ đợi đến hết giờ để lấy lá phiếu bốc thăm có được học tiếp không? Vì trường quy định mỗi lớp tiếng Việt chỉ từ 20 - 25 sinh viên. Gương mặt thất vọng tràn trề của các em khi biết không thể tiếp tục học làm giáo viên cũng rất áy náy.

Giảng viên nổi tiếng của trường, vẫn nhớ kỉ niệm về một sinh viên khoa Luật đã rất thất vọng vì sau hai vòng bắt thăm vẫn không được vào học. Em đợi cả lớp về hết rồi đứng lại nói: Cô có nhìn thấy trên mặt em có hai chữ gì không ạ? Đó là hai chữ “thành ý”, em thực sự rất muốn học tiếng Việt và mong cô cho em một cơ hội... Sau cùng giáo viên đã đồng ý nhận em vào lớp. Chắc khó nơi nào thấy hình ảnh một em ngồi dưới đất nghe giảng đến sáu tiếng và thiết tha với việc học một ngôn ngữ mới đến như thế.

Asuka Lee, một phóng viên người Đài Bắc chia sẻ: “Có một cảnh sát Đài Loan trước đây đã tham gia lớp học tiếng Việt của cô Liên Hương. Trong một lần xử lý vụ bạo hành của một gia đình có hôn nhân xuyên quốc gia (ngụ ý một gia đình Việt - Đài), người cảnh sát này đã phát hiện ra đứa bé không nói được tiếng Trung và cứ khóc suốt. Viên cảnh sát đã dỗ dành bằng cách hát lại mấy bài hát tiếng Việt trước đây được học trong lớp, và em bé đã ngủ thiếp đi ngon lành trong đồn cảnh sát”.

Ngôn ngữ quốc tế

Một cảnh sát biết tiếng Anh (bên trái) và một cảnh sát biết tiếng Việt (bên phải) đang làm việc tại sân bay Đài Loan

Tại sân bay quốc tế Đào Viên có những viên chức hải quan ân cần hỏi bằng tiếng Việt với những du khách Việt “ghét ngoại ngữ”. Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát, nhân viên Hải quan phi trường đứng kiểm tra xem du khách có mang theo đồ ăn hay không, phát tờ rơi in bằng ba thứ tiếng Việt, Anh và Hoa. Tại lớp học tiếng Việt ở ITI - Trung tâm đào tạo nhân tài - Hiệp hội ngoại thương Đài Loan, là những sinh viên trong trang phục áo dài và áo tứ thân rất Việt. Các em đều dành cho khách những lời thăm hỏi bằng tiếng Việt lưu loát, ấm áp, ngọt ngào. Dù mới học bảy tháng, các em đã làm chủ những âm sắc thuần Việt. Cần ghi nhận, người gốc Trung Hoa, dù có thể ở Việt Nam lâu năm, vẫn thường bộc lộ những khó khăn khi phải sử dụng ngôn ngữ Việt.

Việt Nam – Điểm đến hấp dẫn

Học sinh Đài Loan

Phóng viên Kim Nhân Hạo nói: “Tôi từng đến Việt Nam, rất thích ẩm thực và văn hóa nơi đây. Món ăn Việt Nam rất ngon như bánh mì, phở bò, phở gà. Tôi thấy người Việt Nam dễ gần, thân thiện. Trong tương lai, tôi muốn đến làm việc ở Việt Nam lâu dài”. Hạo đã bỏ bốn tháng để viết một phóng sự điều tra về nạn nghiện rượu dẫn đến những tai nạn giao thông thương tâm đăng trên chuyên mục của Apple Daily. Cơ thể gầy gò và ánh mắt chăm chú của Hạo đã toát lên một nghị lực lớn.

Học viên Tạ Cát Lâm cho hay: “Sau khi nghiên cứu, em thấy Việt Nam thích hợp với em. Thu nhập ở nước ngoài cao hơn thu nhập ở Đài Loan, nên em nghĩ đó là cơ hội cho em”. “Em học tiếng Việt và thấy tiếng Việt rất thú vị càng học càng yêu. Bên cạnh đó, kinh tế Đông Nam Á phát triển ngày càng tốt và kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh, nếu có cơ hội em muốn đến đây làm việc” - Lý Hiểu Kỳ chia sẻ.

Tương lai gần, chúng ta sẽ gặp lại các sinh viên Đài Loan trong lớp học này tại Việt Nam. Các em là nhóm những “nhân tài” được ITI đầu tư, giúp cho sự phát triển giao lưu với Việt Nam. Để so sánh, xin nhắc rằng tại Pháp, tiếng Việt đã biến mất khỏi danh sách được coi là ngoại ngữ hai trong nhà trường kể từ những năm thập niên 80, dù Pháp có lịch sử gắn bó với Việt Nam hơn một thế kỷ và được coi là đối tác quan trọng.

Tránh mặc cảm cho việc hội nhập, ở Đài Loan, cụm từ “cư dân mới” được dùng thay cho cụm từ “người di dân” hay “cô dâu ngoại quốc”. Đài Loan áp dụng Luật Chế định để người dân được hưởng giáo dục nghĩa vụ 9 năm. Có đến 99,12 % (con số 2012) học sinh tiếp tục học tại các trường trung học cao cấp hay trung học kỹ thuật cao cấp. Đường lối này nằm trong chính sách Tân hướng Nam do lãnh đạo Thái Anh Văn đưa ra.

Trước đây, vào những năm 1990, lãnh đạo Lý Đăng Huy cũng đã từng đưa ra chính sách hướng Nam lần đầu. Chính phủ đã đón trước việc tăng dân số với yếu tố các em bé thế hệ thứ hai có cha hoặc mẹ là người gốc Việt sẽ chiếm tỷ lệ quan trọng trong những thập niên tới, trong khi người gốc Đài Loan có xu hướng hạn chế sinh đẻ, sụt giảm nhân công lao động.

Nguồn tin: Báo Mới

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây