"Trong giai đoạn giáo dục bắt buộc, không nên xem tiếng Anh và các ngoại ngữ khác là môn học chính cùng với tiếng Trung Quốc và toán học nữa. Tiếng Anh cũng nên bị loại bỏ khỏi danh sách các môn học bắt buộc trong kỳ thi tuyển sinh đại học" - trích lời ông Xu.
Ông này tin rằng lượng thời gian học sinh dành để học tiếng Anh sẽ không dẫn đến kết quả tương xứng về việc làm trong tương lai. Theo ông Xu, giờ học tiếng Anh chiếm khoảng 10% tổng số giờ học của sinh viên nhưng tiếng Anh chỉ hữu ích đối với chưa đến 10% sinh viên tốt nghiệp đại học.
Thay vào đó, nhà lập pháp này cho rằng các thiết bị thông minh có khả năng dịch thuật có thể cung cấp các dịch vụ phiên dịch chuyên nghiệp, cạnh tranh và giải quyết nhiều vấn đề hơn so với mục tiêu dạy tiếng Anh thông qua toàn bộ chương trình giáo dục bắt buộc. Ông Xu cho rằng dịch thuật là 1 trong những nghề nghiệp đầu tiên bị xóa sổ trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo.
Nhiều người đồng ý rằng học sinh Trung Quốc dành rất nhiều thời gian học tiếng Anh nhưng không thật sự sử dụng ngôn ngữ này trong cuộc sống và gợi ý rằng đây chỉ nên là môn học tự chọn.
Một cuộc thăm dò trực tuyến cho thấy hầu hết mọi người đều tán thành tiếng Anh là môn học chính vì họ tin rằng đây là môn học cần thiết để tham gia cạnh tranh toàn cầu. Trong khi đó, một số ít người khác ủng hộ đề xuất của ông Xu vì muốn dành nhiều thời gian hơn để học tiếng Trung Quốc và văn hóa.
Shen Yi, một giáo sư tại Trường Quan hệ Quốc tế và Các vấn đề Công chúng thuộc trường ĐH Phúc Đán, nhận định học tiếng Anh không phải là một vấn đề đơn giản về giáo dục bắt buộc mà là một phần trong chính sách mở cửa và ủng hộ toàn cầu hóa của Trung Quốc. Tiếng Anh là kỹ năng cơ bản để người Trung Quốc tham gia và truyền tải thông điệp, ý tưởng và công nghệ từ Trung Quốc ra thế giới.
Trả lời tờ Thời báo Hoàn cầu, ông Shen cho rằng những người muốn loại tiếng Anh khỏi danh sách môn học bắt buộc đang thể hiện chủ nghĩa dân túy hẹp hòi. Về lâu dài, nó sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng trong giáo dục và cuối cùng là sự phân chia giai cấp.
Ông Xiong Bingqi, Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 ở Bắc Kinh, tin rằng đề xuất này khó có thể được các nhà chức trách Trung Quốc thông qua. Ông cho biết cách quan trọng để cải thiện nền giáo dục của đất nước là cải cách kỳ thi tuyển sinh đại học, biến nó thành một cơ chế đánh giá đa dạng hơn.
Ý kiến bạn đọc