Đón Tết xa quê

Thứ ba - 12/01/2021 08:14 859 0
Còn hơn 30 ngày nữa mới đến Tết nguyên đán nhưng với kiều bào và du học sinh, con đường về quê đón Tết năm nay đang dần khép lại vì tình hình dịch bệnh.
Cu Ba1
Cu Ba1

Nguyễn Thanh Huyền, sinh viên trường Kinh doanh Quốc tế SolBridge ở Daejeon (Hàn Quốc) cho biết, theo kế hoạch, Huyền sẽ cùng nhóm bạn du học sinh Việt Nam mua vé về quê để nghỉ Tết. Tuy nhiên, dịch bệnh tại nước này đang có dấu hiệu bùng phát trở lại nên mọi tính toán bị đảo lộn hoàn toàn.

“Để mua được vé máy bay dịp này không phải đơn giản, chúng em được hướng dẫn liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam, phải trải qua rất nhiều khâu xét duyệt. Hơn nữa, về nước phải cách ly theo quy định, sau quay lại nước bạn lại tiếp tục cách ly tiếp, rất tốn kém, mất nhiều thời gian, trong khi ngày nghỉ giới hạn nên em quyết định ở lại”, bạn Huyền nói.

Làm việc tại thành phố Oyama, tỉnh Tochigi (Nhật Bản), anh Nguyễn Văn Quân, 33 tuổi, quê Thanh Hóa nói, anh sang nước bạn theo diện lao động tay nghề hơn 4 năm nay, dù hết hạn thị thực nhưng vì dịch bệnh nên vẫn chưa thể về nước. Do dịch nên công việc, thu nhập không được cao như những năm trước nên anh Quân quyết định sẽ ở lại Nhật Bản. 

Quân cho biết, giá vé khứ hồi từ Nhật Bản về Việt Nam khoảng 90 triệu đồng; trong khi, bình thường chỉ khoảng 30-40 triệu đồng nên lao động như Quân không dám bỏ số tiền lớn như vậy để về. “Gần 5 năm xa nhà, tôi có một lần về quê. Giờ nghĩ đến cảnh Tết con nhỏ nhớ, mong chờ bố mà xót xa. Nhớ vợ, nhớ con, nhớ cha mẹ lắm, nhưng đành chịu vì về thì tốn thời gian, tiền bạc, bởi mua vé máy bay không đơn giản. Tết năm nay tôi chấp nhận ở lại, chờ đi lại dễ dàng hơn, cũng là để tiết kiệm được ít tiền gửi về cho gia đình”, anh Quân trải lòng.

Từ New York (Mỹ), Đỗ Thu Vân, sinh viên Đại học Columbia cho biết, gần 3 năm sống ở Mỹ, cô chưa bao giờ trải qua một năm mới dương lịch lặng lẽ như năm nay. Thông thường, vào dịp Giáng sinh, quảng trường Union luôn đông đúc khách du lịch, nhưng năm nay phải đóng cửa. “Mọi người cũng không ai dám đến thăm nhà nhau, ở lại nước bạn rất buồn, nhưng vì giới hạn các chuyến bay, giá vé khá cao nên tôi quyết định chờ hết dịch mới về thăm nhà” - Vân nói

Không phải mua vé máy bay phức tạp như các kiều bào ở xa, anh Nguyễn Văn Cảnh, quê Nghệ An, đang làm việc tại tỉnh Xiangkhouang (Lào) cho biết, thông thường mọi năm cứ gần sát Tết mới mua vé, nhưng năm nay việc đi lại bị siết chặt hơn. Chỉ cần đi xe ô tô, qua đường bộ là về đến quê nhà, nhiều người Việt bất chấp quy định, vượt biên trở về, không thực hiện việc cách ly, gây bất ổn. Bàn về việc này, anh Cảnh chia sẻ: “Công ty chúng tôi có gần 30 người Việt Nam đang làm việc, do được nghỉ ít ngày nên mọi người sẽ thay phiên nhau, ưu tiên ai có con nhỏ, bố mẹ già sẽ được về. Công ty quán triệt việc đi lại, ai về,phải liên hệ với cơ quan chức năng để được hướng dẫn cách ly. Nếu có ý định vượt biên, trốn về sẽ bị phạt nặng, thậm chí đuổi việc”.

Sẽ đoàn kết đón tết ấm cúng, an toàn

Không thể về quê đón năm mới cùng gia đình là điều thiệt thòi, nhưng theo Huyền, do cộng đồng sinh viên, lao động người Việt Nam ở Hàn Quốc khá đông nên cô và nhóm bạn đã lên kế hoạch tụ họp tại nhà một người để ăn Tết cùng nhau. “Thực phẩm bên này khá phong phú nên chúng em sẽ nấu bánh chưng, mua sắm những vật dụng để trang trí, tạo không khí như ở nhà. Tiêu chí của mọi người hướng đến là đón năm mới ấm áp, tiết kiệm và an toàn”, bạn Huyền chia sẻ

Anh Nguyễn Văn Quân cho biết, thời điểm này Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản cũng đã có những kế hoạch, chia sẻ kinh nghiệm cho người Việt đón Tết. “Chúng tôi quen với cảnh xa nhà, nên cũng không phải chuẩn bị gì nhiều. Nhóm đồng hương người Nghệ An, Hà Tĩnh sống ở các tỉnh quanh Tochigi sẽ gặp mặt ở một điểm, tổ chức một giải thể thao nhỏ, cùng nhau đón Tết để vơi đi nỗi nhớ nhà”, anh Quân nói.

Chia sẻ về việc chuẩn bị cho việc ăn Tết tại nước bạn, anh Cảnh cho hay, ở Lào lượng Việt kiều, lao động Việt Nam sang làm việc rất đông, nên đã từ lâu nay cái Tết của người Việt đã được người Lào quan tâm và chú ý.

“Về nước sẽ phải cách ly, đến ngày sang làm việc cũng không đảm bảo thời gian, lại gây tâm lý lo lắng cho người thân và tốn kém. Hơn nữa, các mặt hàng truyền thống dành cho ngày Tết được đưa sang nhiều vô kể, cái gì cũng có sẵn. Không thể về, nhưng chúng tôi cũng đã lên kế hoạch vẫn sẽ làm thịt lợn, gói giò, bánh chưng… để đón Tết vui vẻ, đầy đủ với mọi nghi thức cổ truyền như ở Việt Nam”, anh Cảnh nói thêm.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây