Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2019. Ảnh: VGP/Nhật Nam
Với chủ đề Phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế, hội thảo tập trung vào GDNN với những vấn đề chủ yếu: Thể chế GDNN; doanh nghiệp và GDNN; bảo đảm chất lượng GDNN trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
GDNN ngày càng đòi hỏi phải có tầm nhìn xa, toàn diện, liên ngành, liên lĩnh vực trong bối cảnh toàn cầu hóa. Để phát triển GDNN, cần phải có những nghiên cứu, xem xét và đánh giá hệ thống một cách toàn diện.
Hội thảo tạo điều kiện cho các Đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, trao đổi quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất ý tưởng mới nhằm phát triển GDNN tại Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: Đảng và Nhà nước ta luôn coi “phát triển giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu”, “đầu tư giáo dục là đầu tư phát triển”, theo đó, phải ưu tiên để tạo dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước…
Từ những thành công của các Hội thảo trước, năm nay, việc lựa chọn chủ đề Hội thảo “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế” vừa có ý nghĩa cụ thể, thiết thực vừa mang tầm vĩ mô, gắn với hoạt động hoạch định chính sách, tạo tiền đề quan trọng để hoàn thiện thể chế và chính sách về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội mong muốn từ Hội thảo này, sẽ có cái nhìn tổng thể, khái quát, rõ nét về thực trạng giáo dục nghề nghiệp hiện nay; cùng tập trung phân tích kỹ nguyên nhân của thành công cũng như tồn tại; đặc biệt là đề xuất giải pháp phù hợp, khả thi, thiết thực và hiệu quả cho việc phát triển GDNN nước ta trong giai đoạn tới.
Kết quả Hội thảo sẽ góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho Quốc hội trong việc thực hiện chức năng giám sát và quyết định chính sách phát triển GDNN.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng hiện nay, có 3 mũi đột phá phát triển đất nước, trong đó nguồn nhân lực là yêu cầu lớn. Trong nguồn nhân lực này, khi nước ta đang phát triển thì lao động có tay nghề là cực kỳ quan trọng.
Năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực từ 2015. Năm 2017, văn bản chính thức về quản lý GDNN đã được khẳng định và Chính phủ giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý lĩnh vực này. Từ đó đến nay, chúng ta đã sắp xếp lại hệ thống văn bản, bộ máy... Tuy nhiên, để làm tốt hơn thời gian tới, rõ ràng, GDNN cần được định vị đúng và cần có chiến lược quốc gia về phát triển GDNN.
Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, tính đến tháng 6/2019, cả nước có 1.917 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó: 400 trường cao đẳng, 492 trường trung cấp, 1.025 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giảm 37 cơ sở so với năm 2018. Ước hết năm 2019 còn 1.904 cơ sở, trong đó các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập giảm 4,92% so với năm 2018.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà cho hay Bộ đang xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 theo hướng phân tầng: Tầng cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao được Nhà nước đầu tư trọng điểm. Tầng cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ gắn với đặt hàng của Nhà nước và doanh nghiệp. Tầng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đặc thù được Nhà nước đầu tư, giao kinh phí hoạt động thường xuyên theo Đề án phát triển và nâng cao chất lượng đã được phê duyệt.
Tại Hội thảo, Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trình bày tham luận về “Xu hướng thế giới về đào tạo nghề và bài học cho Việt Nam”; Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà trình bày báo cáo “Thực trạng và định hướng phát triển GDNN Việt Nam trong thời gian tới”.
Hội thảo gồm 3 phiên chuyên đề tập trung vào các nội dung: (i) Về thể chế GDNN; (ii) Về GDNN và Doanh nghiệp; (iii) Bảo đảm chất lượng GDNN trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Các đại biểu đã nêu ra các quan điểm, xu hướng phát triển GDNN trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; phân tích hệ thống chính sách, pháp luật và yêu cầu đặt ra đối với việc nâng cao chất lượng thể chế GDNN; phân tích, làm rõ những yêu cầu, thách thức đặt ra đối với lĩnh vực GDNN trước bối cảnh biến động nhanh chóng và khó lường của thị trường lao động và việc làm dưới sự tác động của cách mạng khoa học kỹ thuật; đổi mới GDNN, bảo đảm chất lượng đào tạo nghề trong bối cảnh hội nhập quốc tế...
Nguồn tin: Báo Mới
Ý kiến bạn đọc