Phương pháp STEAM trong giáo dục mầm non có tính ưu việt
Thách thức của thế kỷ 21 đang đặt ra nhiều vấn đề cho lĩnh vực giáo dục. Làm thế nào để đào tạo ra những công dân toàn cầu đầy sáng tạo và có tư duy phản biện? Điều này cho thấy việc đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ở các bậc học nói chung và bậc mầm non nói riêng là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Các diễn giả khách mời cùng thảo luận về cách ứng dụng công nghệ hiệu quả trong giáo dục mầm non tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng
PGS-TS Nguyễn Thị Kim Anh, thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021, hiện đang là giảng viên ngành Giáo dục Mầm non của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho biết: “Ở nước ta, STEAM được triển khai tại bậc mầm non từ năm 2015, và đến năm 2016 đã được áp dụng rộng rãi ở các bậc học khác: THCS, THPT và cao đẳng, đại học.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Thị Kim Anh, hiện nay chỉ có một số ít trường mầm non quốc tế thực hiện STEAM. Năm học 2019 -2020, Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản triển khai STEAM tại các trường mầm non trong cả nước nhưng phải theo một lộ trình nhất định.
PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Đại học Quốc tế Hồng Bàng phát biểu trong buổi khai mạc
Chia sẻ tại buổi hội thảo, cô Beth Fredericks, chuyên gia trong ngành với 25 năm kinh nghiệm phát triển Giáo dục Mầm non tại Singapore, giải thích STEAM bao gồm 5 lĩnh vực: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật và Toán học. Ưu điểm vượt trội của STEAM là trao quyền cho trẻ tự khám phá thế giới. Thông qua đó, trẻ sẽ tự rút ra kinh nghiệm, tích lũy kiến thức và tự tìm ra được những điều ý nghĩa nhất để áp dụng vào thực tế cuộc sống. STEAM giúp trẻ phát triển toàn diện các kỹ năng như giao tiếp, làm việc nhóm, đồng thời giúp trẻ phát huy khả năng sáng tạo và tư duy phản biện.
Một trong những lĩnh vực quan trọng của STEAM là Kịch nghệ. Theo chuyên gia Suzana Selamat (giảng viên bộ môn văn học tại Đại học KHXHNV Singapore), một đứa trẻ nếu được tiếp cận sớm với bộ môn kịch nghệ ở bậc mầm non thì sẽ giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng và trí thông minh tốt hơn.
Hơn nữa, theo cô Suzana Selamat, đóng kịch còn giúp trẻ rèn luyện sự tự tin, đặc biệt, khi giao tiếp trước đám đông.
Ứng dụng công nghệ trong giáo dục mầm non là hướng đi đúng trước kỉ nguyên số
Cùng với sự lan tỏa của cuộc cách mạng 4.0, công nghệ đã tạo sự chuyển biến tích cực cho nhiều ngành nghề và nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Làm thế nào để sử dụng công nghệ như một công cụ hiệu quả? Việc này phải bắt đầu ngay từ bậc học đầu tiên – Giáo dục Mầm non vì đây là giai đoạn hình thành nhân cách trẻ.
Chủ đề áp dụng STEAM một cách hiệu quả trong giáo dục mầm non được các diễn giả chia sẻ sôi nổi tại Hội thảo Tập huấn Quốc tế lần này. Trong đó, việc tận dụng sức mạnh của công nghệ để thúc đẩy trao đổi thông tin giữa nhà trường và phụ huynh nhằm theo sát sự phát triển của trẻ, từ đó tạo ra những hoạt động phù hợp để giúp trẻ phát huy hơn nữa năng lực của bản thân sẽ đem lại hiệu quả cao.
Hội thảo Tập huấn Quốc tế áp dụng STEAM trong giáo dục mầm non đã mở ra một cơ hội học hỏi, trao đổi cho những người đang tham gia công tác trong ngành giáo dục. Hội thảo đã mang tới những nội dung, phương pháp học mới, đáp ứng được sự phát triển của thời đại, giải quyết được nhiệm vụ đặt ra cho ngành giáo dục là tạo ra những công dân kỷ nguyên mới với đầy đủ năng lực cần thiết: giao tiếp, phản biện, hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Nguồn tin: Báo Mới
Ý kiến bạn đọc