Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân

Thứ hai - 08/10/2012 15:26 372 0
Phát triển giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH, hội nhập quốc tế gắn với sự hình thành, phát triển kinh tế tri thức ở nước ta. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giáo dục, đào tạo là ngành dịch vụ công, hoạt động không vì lợi nhuận và do nhà nước chủ đạo, đầu tư, quản lý thống nhất....
Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân
Phát triển giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH, hội nhập quốc tế gắn với sự hình thành, phát triển kinh tế tri thức ở nước ta. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giáo dục, đào tạo là ngành dịch vụ công, hoạt động không vì lợi nhuận và do nhà nước chủ đạo, đầu tư, quản lý thống nhất. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo để tạo ra một xã hội học tập, học tập suốt đời, học gắn với hành để con người phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu, rộng là mục tiêu hàng đầu của toàn hệ thống giáo dục quốc dân. Đảng, Nhà nước và toàn dân chăm lo cho giáo dục, đào tạo là mục tiêu cao cả để xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo cần phải đổi mới đồng bộ, toàn diện, nâng cao chất lượng mà trọng tâm là:
- Điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân mềm dẻo để tạo ra một xã hội học tập, học tập suốt đời.
- Tập trung đầu tư đảm bảo các điều kiện nâng cao chất lượng toàn diện của cả hệ thống giáo dục, đào tạo.
- Đổi mới căn bản quản lý hệ thống giáo dục quốc dân từ trung ương, địa phương, cơ sở giáo dục, đào tạo.

Kinh nghiệm các cuộc cải cách giáo dục ở nước ta đều đi từ việc hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân. Các nước có trình độ phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức có hệ thống giáo dục quốc dân mềm dẻo, không cứng nhắc nhưng đảm bảo tính liên thông trình độ trong toàn hệ thống. Ở Mỹ tiểu học có thể 4, 5, 6 năm tuỳ theo các bang hoặc quận. Trung học phổ thông một số nước thực hiện chương trình 11 năm và năm thứ 12 là năm dự bị đại học. Ở nước ta đến nay chúng ta đã xây dựng được hệ thống giáo dục quốc dân giống với mô hình chung của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Hệ thống này có mần non, giáo dục phổ thông 12 năm, giáo dục chuyên nghiệp gồm nhiều trình độ (dạy nghề, TCCN, CĐ, ĐH) và đã tự đào tạo được sau đại học, trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Cùng với giáo dục chính quy còn có giáo dục thường xuyên. Cần nghiên cứu, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hiện đại, phù hợp với thực tiễn, dễ liên thông và bứt phá theo kịp trình độ tiên tiến của các nước. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của hội nhập quốc tế và nhu cầu có nguồn nhân lực cao cho sự nghiệp CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức như nghị quyết Đại hội XI đã nêu.

Điều chỉnh hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hiện đại, phù hợp với thực tiễn là nội dung cốt lõi để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Đây là công việc hệ trọng, không thể làm ngày một,  ngày hai. Phải nghiên cứu một cách khoa học, có đề án tổng thể và các đề án thành phần, chuẩn bị nguồn lực vật chất, xây dựng đội ngũ, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, quản lý và tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh như các lần cải cách giáo dục chúng ta đã thực hiện. Lần này việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo trong điều kiện mới khi chúng ta đã hình thành và tiếp cận được hệ thống giáo dục các nước trong khu vực và thế giới.  Dù sao nền giáo dục Cách mạng của nước ta vẫn còn non trẻ chưa đầy 70 năm kể từ năm 1945 khi nước nhà độc lập. So với hệ thống giáo dục các nước thì ở nước ta, hệ thống giáo dục còn phức tạp, khó phân luồng, khó liên thông giữa các cấp, các trình độ.

Nên nghiên cứu điều chỉnh hệ thống giáo dục mềm dẻo để các cơ sở giáo dục có các lớp học liền kề của nhiều cấp học tuỳ thuộc vào các địa phương, thuận lợi nhất cho người học. Thực tế sau trung học cơ sở ở nước ta khó phân luồng sang học trung cấp chuyên nghiệp hoặc học nghề. Cần nghiên cứu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông gắn với giáo dục kỹ thuật và dạy nghề để đảm bảo phân luồng sau lớp 9 hoặc lớp 10. Không nên đặt ra phổ cập trung học phổ thông để các địa phương thi nhau, kém hiệu quả. Cần nghiên cứu, đổi mới thi cử, giảm bớt căng thẳng trong xã hội. Nên thi chung tốt nghiệp phổ thông trong toàn quốc, còn thi tuyển đại học cao đẳng do các cơ sở đại học quyết định, yêu cầu phải công khai, minh bạch đảm bảo công bằng và có sự giám sát của cơ quản quản lý và xã hội. Cơ hội cơ cấu dân số “vàng” đang có ở nước ta và xã hội đòi hỏi chất lượng giáo dục, đào tạo đang là áp lực lớn.

Giáo dục chuyên nghiệp nên điều chỉnh thành một hệ thống từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, trong đại học nên phân thành đại học ứng dụng và đại học nghiên cứu và quản lý thống nhất theo một chương trình cứng liên thông các trình độ của từng loại ngành nghề. Phần lớn các nước phát triển các cơ sở giáo dục đại học đa cấp, đại học, cao đẳng cộng đồng nên tạo điều kiện rất thuận lợi cho một xã hội học tập suốt đời. Hệ thống giáo dục chuyên nghiệp ở nước ta đang bị tách bạch về chương trình và cách thức quản lý giữa các bộ, ngành nên khó liên thông trình độ đại học. Xu hướng của các nước đang giảm thời gian đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học. So với các nước trong khu vực và thế giới, thời gian đào tạo đại học chuyên nghiệp ở nước ta là khá dài. Cần sớm điều chỉnh cho phù hợp với xu thế và hướng tới nâng cao hiệu quả. Cần tăng cơ sở đào tạo đại học định hướng nghề nghiệp, lựa chọn đầu tư cho một số trường, một số ngành định hướng nghiên cứu, hợp tác với các trường, viện quốc tế.
Ngày nay, việc đưa công nghệ thông tin vào giáo dục từ xa đã được các nước áp dụng rộng rãi. Hệ thống giáo dục quốc dân ở nước ta cần đổi mới, hoàn thiện giáo dục thường xuyên, đầu tư cho giáo dục từ xa để đáp ứng nhu cầu học tập qui mô lớn và tạo ra một xã hội học tập, học tập suốt đời.

Tác giả bài viết: Sơn Lâm

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây