Thiếu trường mầm non, thừa trường đại học

Thứ ba - 24/04/2012 15:37 508 0
Với tốc độ đào tạo đại học, cao đẳng như hiện nay nước ta sẽ phổ cập ... đại học cho người dân trước khi có đủ trường cho các em nhỏ. Thực tế nền giáo dục nước ta những năm qua dường như đang diễn ra một hiện tượng trái với quy luật, đó là coi trọng phần ngọn, thiếu quan tâm tới phần gốc.

Giáo dục và đào tạo con người hay sự nghiệp “trồng người” đều phải tuân theo quy luật chung là bắt đầu từ gốc rễ. Gốc rễ có vững chãi thì cây lớn lên mới khỏe mạnh và phát triển tốt. Ngược lại, gốc rễ mà yếu, cây khó mà phát triển, khó mà chống chọi với bão gió. Trong toàn bộ nền giáo dục, những cấp học đầu đời được ví như những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng của ngôi nhà, nền móng vững chắc chính là cơ sở cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Ngược lại, nền móng không vững chắc thì càng xây cao càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ của sự sụp đổ.

Nhìn lại thực tế nền giáo dục nước ta những năm qua dường như đang diễn ra một hiện tượng trái với quy luật này, đó là coi trọng phần ngọn, thiếu quan tâm tới phần gốc.

Những thập niên qua ở nước ta tỷ lệ ra tăng dân số ở mức cao, trong đó số trẻ em trong độ tuổi bắt đầu bước vào các cấp học đầu đời tăng lên đáng kể.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và đào tạo, số trẻ trong độ tuổi bước vào cấp học mầm non năm học 1999-2000 là 2.496.788, năm học 2004-2005 là 2.754.094, đến năm học 2010-2011, số lượng này là 3.599.663 em, tăng 1.102.875 so với năm học 1999-2000.

Việc xây dựng nhiều nhà trẻ, mẫu giáo, các trường tiểu học là một đòi hỏi khách quan để thực hiện nhiệm vụ của nền giáo dục là chăm sóc những mầm non ngay từ những ngày đầu để đảm bảo cho các em phát triển tốt. Tuy nhiên, trong khi nhu cầu được đến trường, được học tập và nuôi dưỡng của các em nhỏ tăng cao thì số nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học lại chưa được quan tâm phát triển đúng mức.

Những số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và đào tạo cho thấy, năm học 1999-2000, cả nước có 833 nhà trẻ, 3.909 trường mẫu giáo; đến năm học 2004-2005 số nhà trẻ giảm mạnh còn 67, số trường mẫu giáo là 2.738; đến năm học 2010-2011 số trường mẫu giáo là 2.877 (trong đó hệ công lập là 2416, ngoài công lập là 461); chỉ có các trường mầm non có sự tăng thêm từ 4.856 trường năm học 1999-2000 lên 9.992 trường năm học 2010-2011.

Thiếu nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học đang gây ra những tác động không tốt đến bản thân các em nhỏ, gia đình các em và xã hội. Thiếu trường, nhiều bậc phụ huynh phải đưa con em mình đến các trường tư thục, các nhà trẻ tư, dịch vụ trông giữ trẻ tại nhà với điều kiện chăm sóc chưa đúng tiêu chuẩn, nội dung chương trình đào tạo thiếu khoa học, người giữ trẻ thiếu chuyên môn đó là chưa kể đến nhiều vụ bạo hành các em nhỏ đã diễn ra nhiều nơi trên đất nước ta như các phương tiện truyền thông đã phản ánh.

Mặt khác, thiếu trường còn dẫn đến hiện tượng nhiều bậc phụ huynh phải rất vất vả mới xin cho con được vào trường học tốt, hiện tượng chạy trường, chạy lớp cũng là một thực tế đáng buồn trong xã hội ta, thật đau xót khi phải chứng kiến những hiện tượng tiêu cực diễn ra ngay từ những ngày đầu tiên con em chúng ta biết thế nào là trường học.

Những mầm non của xã hội được chăm sóc trong môi trường như vậy thử hỏi ai có thể dám chắc sau này lớn lên các em có thể hoàn thiện về thể chất và tinh thần, Những mầm non không được chăm sóc chu đáo, không được nuôi dưỡng đúng cách, từ nhỏ đã cong queo thì lớn lên làm sao thẳng được đây?

Trong khi việc thiếu các trường mầm non, trường tiểu học diễn ra phổ biến thì chúng ta lại thấy một thực tế trái ngược. Đó là số trường đại học, cao đẳng ở nước ta lại được mở ồ ạt, số lượng các trường không ngừng được tăng thêm hàng năm, tốc độ tăng nhanh khiến cho nhiều trường, nhiều ngành mở ra mà không tuyển được sinh viên vào học.

Theo Bộ Giáo dục và đào tạo năm học 1999-2000, cả nước có 153 trường đại học và cao đẳng (đại học là 69, cao đẳng là 84), năm học 2004-2005 số trường là 230 (93 trường đại học, 137 trường cao đẳng), năm học 2010-2011, số trường đại học và cao đẳng là 386 (đại học là 163 trường, số trường cao đẳng là 223).

Như vậy, so với năm học 1999-2000 thì số trường đại học và cao đẳng tính đến năm học 2010-2011 đã tăng thêm hơn 2,5 lần. Việc tăng thêm các trường đại học và cao đẳng để đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội, góp phần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là cần thiết. Song việc mở ồ ạt các trường trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, đội ngũ giáo viên chưa đủ, đồng thời một cơ chế quản lý lỏng lẻo, nhiều bất cập thì lại trở thành một điều đáng lo ngại đối với giáo dục nước ta.

Việc tăng lên nhanh chóng của các trường đại học, cao đẳng với rất nhiều hệ như chính quy, vừa học vừa làm, liên thông, từ xa làm cho nhiều người hình dung với tốc độ đào tạo đại học, cao đẳng như hiện nay nước ta sẽ phổ cập đại học cho người dân trước khi có đủ trường cho các em nhỏ.

Thực tế này cho thấy, nền giáo dục ở nước ta hiện nay đang được xây dựng trên một nền móng thiếu vững bền. Lẽ ra phải quan tâm đến cái gốc là giáo dục con người phải bắt đầu từ ấu thơ thì chúng ta đang quá tập trung vào phần ngọn, nếu không nhận thấy rõ điều này để khắc phục sớm, chúng ta sẽ tiếp tục phải đi khắc phục những hậu quả mà chính chúng ta đang tạo ra ngày hôm nay.

Ngày nay, hiện tượng suy thoái về đạo đức, lối sống, sự đứt gãy về văn hóa đang là vấn đề đáng báo động trong xã hội ta. Có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nguyên nhân quan trọng nhất chắc chắn phải tìm từ chính nền giáo dục.

Nếu những em thơ còn chưa được quan tâm đứng mức, nếu sự nghiệp “trồng người” mà chưa bắt đầu từ gốc rễ thì làm sao chúng ta có thể ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực đang hàng ngày, hàng giờ tác động làm xói mòn đi những giá trị văn hóa, đạo đức trong xã hội chúng ta?

Sức ép càng lên cao, càng giảm dần

Một nguyên lý đang chi phối trong tự nhiên và xã hội là nguyên lý của sự phát triển. Mọi vật đều có quá trình phát triển từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện hơn. Giáo dục và đào tạo cũng không nằm ngoài nguyên lý cơ bản đó.

Tuy nhiên, trong nền giáo dục nước ta hiện nay, dường như đang có nhiều điều trái với nguyên lý này. Đó là khi còn nhỏ các em phải học rất vất vả còn lớn lên, vào đại học, sức nặng của việc học tập thay vì tăng lên thì lại giảm dần.

Một hình ảnh khá quen thuộc, có thể bắt gặp ở nhiều nơi trên đất nước ta là hình ảnh của các em nhỏ khoác trên mình chiếc cặp to và nặng, được bố mẹ đưa ra khỏi nhà từ sáng sớm và trở về khi trời đã tối thậm chí là đêm muộn.

Trong một ngày các em phải trải qua nhiều lớp học, nhiều môn học, học chính ở trường, học thêm ở trường, học học thêm bên ngoài, chưa học xong lớp này đã vội sang lớp khác; nào học toán, học văn, học ngoại ngữ đến học nhạc, học họa, học võ, học khiêu vũ, luyện viết chữ đẹp....

Các bậc phụ huynh miệt mài đưa con em đến trường học, còn con học đến đâu, tiếp thu thế nào, hiệu quả ra sao thì nhiều bậc phụ huynh khó nắm bắt được.

Việc học quá nhiều khiến khiến cho các em mệt mỏi, khả năng tiếp thu giảm sút, hiệu quả học tập không cao, không có thời gian để thẩm thấu hết những kiến thức đã được học, chính điều này đôi khi tạo ra hiện tượng phản giáo dục, kết quả trái ngược với những gì học sinh và gia đình các em mong muốn.

Đáng nói hơn, việc học thêm quá nhiều đang lấy đi tuổi thơ của các em, lấy đi thời gian vui chơi và đôi khi lấy đi sự hồn nhiên, vô tư vốn có của các em nhỏ.

Trái ngược với hình ảnh học tập vất vả của các em nhỏ lại là một hình ảnh thong thả, nhàn nhã của nhiều sinh viên. Thời gian trên lớp không quá nhiều, buổi học, buổi nghỉ.

Ngoài thời gian trên lớp, có những sinh viên sử dụng thời gian rảnh rỗi cho việc học, có sinh viên đi làm thêm, có em “ngủ nướng”, có em ngồi cả buổi trong những quán game…Áp lực của việc học chỉ thực sự đến với các sinh viên khi kỳ thi đến, học ngày, học đêm và khi kỳ thi qua thì mọi việc lại trở về bình thường.

Có nhà nghiên cứu nước ngoài đã nói giáo dục Việt Nam đang chạy marathon ngược với thể giới, đây là điều đáng để chúng ta suy nghĩ.

Bởi ở nhiều nước có nền giáo dục phát triển, khi còn nhỏ lượng kiến thức vừa phải, các em nhỏ có nhiều điều kiện vừa học tập, vừa vui chơi, lớn lên sức ép tăng dần để con người luôn phải cố gắng vươn lên, vào đại học yêu cầu cao hơn, sức ép lớn hơn để khi ra trường vững vàng bước vào cuộc sống.

Ở ta mọi việc diễn ra gần như ngược lại, nhỏ thì học rất vất vả, vào đại học thì sức ép giảm dần, vì thế mà kiến thức cũng lơ mơ và từ đó các em bước vào cuộc sống.

Những hình chóp ngược trong đào tạo

Hình chóp ngược trong cơ cấu trình độ: một điều dễ nhận thấy, trong cơ cấu đào tạo của nước ta hiện nay có sự mất cân đối trầm trọng giữa các trình độ đại học/cao đẳng/trung cấp.

Trong Báo cáo "Điều tra lao động và việc làm Việt Nam năm 2010" do Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Tổng cục Thống kê phát hành vào tháng 6-2011, đã công bố biểu "Tỷ trọng lực lượng lao động đã qua đào tạo chia theo trình độ chuyên môn kỹ thuật thời kỳ 2007-2010" dưới đây:

 Trình độ chuyên môn

Điều tra

1/8/2007

1/9/2009

1/7/2010

Tổng số

17,7

17,6

14,7

Dạy nghề

5,3

6,3

3,8

Trung cấp chuyên nghiệp

5,6

4,4

3,5

Cao đẳng

1,9

1,7

1,7

Đại học và sau ĐH

4,9

5,2

5,7

Đơn vị tính: %

Nhìn vào kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ người lao động (trong tổng số người lao động) được đào tạo nghề từ trình độ dạy nghề trở lên có xu hướng giảm sút, năm 2007 là 17,7% đến năm 2010 còn 14,7%.

Trong đó, sự mất cân đối về trình độ cũng tăng theo. Tỷ lệ người lao động có trình độ đại học trở lên tăng từ 4,9% năm 2007 lên 5,7% năm 2010, trong khi đó người lao động có trình độ trung cấp giảm từ 5,6% xuống còn 3,5%. Trình độ cao đẳng giảm từ 1,9% xuống còn 1,7%.

Theo nhiều chuyên gia nhận định, quy chuẩn về cơ cấu trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động khu vực châu Á hiện nay là: 1 đại học/4 cao đẳng/10 trung cấp.

Nếu lấy tỷ lệ này đối chiếu với thực trạng trình độ lao động Việt Nam ở thời điểm năm 2010 là: 5,7 đại học/1,7 cao đẳng/3,5 trung cấp, chúng ta thấy sự méo mó về cơ cấu trình độ lao động Việt Nam.

Hình chóp ngược trong hệ thống các trường đào tạo: theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến năm học 2010-2011, tổng số trường đại học nước ta là 163 trường với 1.435.887 sinh viên; trường cao đẳng là 223 trường với 726.219 sinh viên; trường trung học chuyên nghiệp là 290 trường với 686.184 học sinh.

Như vậy, số trường đại học, cao đẳng là 386 trường với 2.162.006 sinh viên, trong khi số trung cấp chỉ là 290 trường với gần 700.000 học sinh. Cũng theo số liệu này, ngay khu vực đào tạo đã méo mó về cơ cấu: thay vì 1 đại học/4 cao đẳng thì chúng ta đã làm ngược lại: 2 đại học/1 cao đẳng.

Hình chóp ngược trong cơ cấu ngành nghề: đào tạo công nhân kỹ thuật còn chiếm tỷ trọng thấp; nhân lực được đào tạo các ngành kỹ thuật - công nghệ, nông - lâm - ngư chiếm tỷ trọng thấp, còn tỷ trọng các ngành xã hội, luật, kinh tế, ngoại ngữ lại quá cao, thiếu nhiều công nhân kỹ thuật lành nghề, trước hết là trong các ngành trọng điểm (cơ khí, điện tử - kỹ thuật điện, hóa chất...)

Sẽ còn rất nhiều những cái ngược trong nền giáo dục nước ta mà tôi không có điều kiện phân tích hết ở đây như: đầu vào thì khó mà đầu ra thì dễ của các cấp học nhất là bậc đại học; học là để trả bài chứ không phải học để có thêm nhiều kiến thức cho cuộc sống….

Song, tôi cho rằng, sau những lần cải cách trong những thập kỷ gần đây, nền giáo dục nước ta đang có nhiều bước đi chưa đúng đắn, thậm chí là thụt lùi so với trước.

Nền tảng của giáo dục con người - những cấp học mầm non, tiểu học chưa thực sự được quan tâm, nhưng lại tập trung xây trên cao; nhiều vấn đề lớn khác cũng đang đi ngược với những quy luật chung của sự vận động.

Chính những điều này làm bộc lộ những lỗ hổng chết người mà xã hội ta đang phải chịu hậu quả. Sự tha hóa về đạo đức, lối sống, sự xuống cấp về văn hóa, sự thiếu hiểu biết về lịch sử, truyền thống dân tộc…trong một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên và những công dân trong xã hội ta sẽ phải tìm từ đâu nếu không bắt đầu từ môi trường giáo dục ra con người.

Phía trước là tương lai của đất nước, là sự phát triển của dân tộc ta, tương lai ấy phụ thuộc rất nhiều vào những gì chúng ta làm ngày hôm nay.

 Hãy bắt đầu từ việc xây dựng lại một nền vững chắc cho toàn bộ nền giáo dục, hãy để cho tất cả các em thơ được chăm sóc trong một môi trường tốt nhất mà ta có thể làm, hãy dành những khoản đầu tư quan trọng cho giáo dục mầm non và tiểu học và hãy bình tình ngồi lại để xem chúng ta đang làm những gì trái với quy luật khách quan.

Xin đừng biến câu “giáo dục là quốc sách hàng đầu” trở thành khẩu hiệu, nó cần sự hành động với một triết lý nhân văn rất rõ ràng, cần những con người thực sự tâm huyết, cần những hành động cụ thể của mỗi người chúng ta.

Hãy lấy con người và tương lai của dân tộc làm định hướng, chúng ta sẽ nhìn thấy con đường rộng mở trước mắt chúng ta. Để từ đó chúng ta bắt tay vào những nhiệm vụ mới nặng nề, vẻ vang và những thành quả của nó sẽ là sự phát triển bền vững của cả dân tộc và tương lai của biết bao con người.

Tác giả bài viết: Minh Trang

Nguồn tin: Bộ Giáo dục và Đào tạo

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây