Tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm học 2018-2019 đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đây cũng là năm cả nước bứt phá thực hiện Nghị quyết đại hội 12 của Đảng.
Năm học này toàn ngành Giáo dục tiếp tục triển khai đồng bộ 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản để thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh những thời cơ thuận lợi, ngành giáo dục cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; trong đó có nhiều vấn đề đã tồn tại từ lâu, dư luận bức xúc nhưng chưa được giải quyết triệt để.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020
Để tổ chức Hội nghị tổng kết toàn ngành này, trước đó Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị các Sở GD&ĐT, Hội nghị các cơ sở giáo dục đại học, để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2018-2019 và dự kiến phương hướng, nhiệm vụ năm học 2019-2020. Tại các Hội nghị trên, các ý kiến đều thống nhất cao với dự thảo của báo cáo.
Xác định năm học 2019- 2020 toàn ngành tiếp tục thực hiện theo lộ trình 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra, quyết tâm khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GD&ĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc. Trong đó tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm:
(1) Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát sắp xếp các trường Sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học;
(2) giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên, chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình GDPT mới;
(3) đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông, đổi mới tự chủ đại học;
(4) nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu, tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế;
(5) Đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Các địa phương tích cực cho đổi mới chương trình và đào tạo giáo viên
Năm học vừa qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị giao bổ sung biên chế cho 17 tỉnh tăng cơ học về quy mô học sinh và 5 tỉnh Tây Nguyên (bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non cho 14 địa phương có tăng dân số cơ học và 05 tỉnh Tây Nguyên). Hà Nội, Quảng Ngãi và một số địa phương đã triển khai hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GDĐT về rà soát đội ngũ và vấn đề thừa, thiếu, hợp đồng giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hỏi thăm các đại biểu dự Hội nghị
Đã xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu đội ngũ ngành Giáo dục. Hệ thống cơ sở dữ liệu đã giúp công tác quản lý đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên hiệu quả hơn; giúp cho cơ quan quản lý giáo dục các cấp chủ động hoạch định các chính sách cho đội ngũ cũng như công tác chuẩn bị về số lượng, chất lượng đội ngũ.
Công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên chuẩn bị cho triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được Bộ GD&ĐT và các địa phương tích cực triển khai; công tác bồi dưỡng thường xuyên, chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non, phổ thông được thực hiện nghiêm túc.
Tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu các trường đại học sư phạm đổi mới phương thức đào tạo theo hệ thống, gắn kết đào tạo ở trường với sử dụng giáo viên ở các địa phương; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu và lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; xây dựng chuẩn đầu ra cho sinh viên; tổ chức nghiên cứu dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18-01-2019 phê duyệt Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở GDĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT giai đoạn 2019 - 2030 (Đề án 89). Đồng thời, Bộ đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án 89 từ nay đến 2020 bảo đảm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên có trình độ cao.
Đến nay qua kiểm tra, hầu hết các địa phương đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Chỉ thị; nhiều địa phương, cơ sở giáo dục tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng hồ sơ điện tử thay cho hồ sơ, sổ sách giấy.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh, thành phố đã tăng cường chỉ đạo, khắc phục tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo; tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống các vi phạm về đạo đức nhà giáo; thường xuyên rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp; không bố trí đứng lớp các giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những trường hợp vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo theo quy định của pháp luật.
Các địa phương tích cực chuẩn bị cho đổi mới chương trình và đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ năm học mới
Ông Ngô Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: TP Hà Nội đã rà soát xong mạng lưới trường lớp trên TP đến 2025, triển khai quyết liệt nhiệm vụ hoàn thành sửa sang, xây dựng nhà vệ sinh đáp ứng yêu cầu. Xây dựng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để có thể đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT mới. Hà Nội cũng đề nghị Bộ sớm ban hành kế hoạch bồi dưỡng giáo viên để TP lên kế hoạch cụ thể đối với địa phương, chủ động kế hoạch bồi dưỡng trong năm tới.
Còn Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc thông tin: Đối với việc xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, năm học qua, địa phương cũng đã tuyển dụng giáo viên mầm non và tiểu học cho những chỗ thiếu. Xây dựng chính sách đối với học sinh giỏi và giáo viên và gv có học sinh giỏi. Vĩnh Phúc hiện có trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đóng trên địa bàn, vì thế, địa phương mong Bộ GD&ĐT có sự chỉ đạo phối hợp với ĐH trên địa bàn để có kế hoạch đào tạo phù hợp, trên cơ sở nhu cầu giáo viên của địa phương. Đồng thời, đề xuất Bộ Nội vụ tiếp tục trình chính phủ về chỉ tiêu biên chế giáo viên cho các địa phương, đặc biệt là mầm non và tiểu học.
Nguồn tin: Báo Mới
Ý kiến bạn đọc