Giáo dục trong kết quả thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ

Thứ sáu - 03/03/2006 16:41 527 0
Trong 5 năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001-2010), Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa các nguồn lực từ trong nước, đồng thời chú trọng thu hút nguồn vốn từ bên ngoài để tăng cường khả năng phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra những khả năng to lớn để thực hiện các MDG và đã đạt được những thành tựu quan trọng trong giáo dục.
Giáo dục trong kết quả thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ

Về mục tiêu phổ cập giáo dục:  Việt Nam được đánh giá là quốc gia có những thành tựu đáng kể về giáo dục, đào tạo so với nhiều nước có cùng trình độ phát triển. Một hệ thống giáo dục quốc dân khá hoàn chỉnh được hình thành, bao gồm đủ các cấp học, bậc học và các loại hình nhà trường như công lập và dân lập, tư thục. Năm 2000, Việt Nam tuyên bố đã đạt chuẩn quốc gia về xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Tỷ lệ học sinh tiểu học nhập học đúng độ tuổi tăng từ khoảng 90% trong những năm 1990 lên 94,4% năm học 2003-2004. Tỷ lệ học sinh trung học cơ sở đi học đúng độ tuổi, năm học 2003-2004 đạt 76,9%. Hiệu quả giáo dục có những chuyển biến tích cực; tỷ lệ lưu ban, bỏ học giảm dần ở tất cả các cấp học phổ thông. Đặc biệt, việc dạy chữ dân tộc đã được đẩy mạnh với 8 thứ tiếng ở 25 tỉnh, thành phố; tỷ lệ người dân tộc ít người mù chữ đã giảm mạnh.

Về mục tiêu bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ: Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong lĩnh vực bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Tỷ lệ nữ chiếm khoảng 51% tổng số dân số cả nước và 48,2% lực lượng lao động xã hội; đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và trong công cuộc phát triển đất nước. Giá trị chỉ số phát triển giới (GDI) của Việt Nam tăng từ 0,668 năm 1998 lên 0,689 năm 2004. Việt Nam thuộc nhóm nước có thành tựu tốt trong khu vực về Chỉ số phát triển giới. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, năm 2002, tỷ lệ nữ so với nam trong số những người biết chữ ở độ tuổi từ 15-24 là 0,99. Chênh lệch tỷ lệ học sinh nam-nữ trong tất cả các cấp bậc học tương đối nhỏ. Tỷ lệ nữ tham gia trong công tác quản lý, lãnh đạo ở các cấp tăng lên đáng kể. Việt Nam vẫn tiếp tục dẫn đầu các nước trong khu vực Châu Á về tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội, nhiệm kỳ 2002 -2007 là 27,3%. 

Tác giả bài viết: Hồng Phong

Nguồn tin: Công báo Chính phủ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây