Du học nước ngoài tăng 5%
Theo thống kê từ Cục Đào tạo với nước ngoài, hiện có gần 110.000 công dân Việt Nam đang học ở nước ngoài, tăng khoảng 5% so với năm 2013. “Có nhiều lý do dẫn tới số LHS tăng, trong đó có nhiều nước mới bắt đầu cấp học bổng cho Việt Nam và một số nước tăng suất học bổng lên như Nga tăng từ 400 suất năm 2013 lên 600 năm 2014 và dự kiến sẽ tăng lên 1.000 vào năm 2020” - ông Vang lý giải.
Điểm đến được LHS Việt Nam chuộng nhất là Ôx-trây-li-a, nếu năm 2013 có 26.015 LHS Việt Nam học tại đây thì năm 2014 con số này lên 27.550, tăng khoảng 6%. Tiếp đến là Hoa kỳ, năm 2014 có 16.579 LHS, tăng gần 3% so với 2013. Nước đứng thứ 3 có LHS Việt Nam đông nhất là Nhật Bản, mấy năm gần đây LHS Việt Nam sang Nhật Bản tăng mạnh (năm 2013 khoảng 13.000, năm 2014 là 14.726 người).
Ngoài đi du học bằng hình thức nhận học bổng thông qua các đề án ngân sách Nhà nước (chủ yếu là các Đề án 322, 911, 165…) và học bổng diện Hiệp định do Bộ GD&ĐT quản lý, thì có tới trên 90% LHS Việt Nam du học bằng con đường tự túc. “Ở đây có nhiều nguyên nhân mà lựa chọn học ở đâu là quyền của mỗi người. Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều chương trình tiên tiến, chất lượng cao và chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài nên nhiều gia đình lựa chọn phương thức cho con học ở Việt Nam một thời gian, sau mới đi học nước ngoài" - ông Vang nói.
10 nghìn LHS nước ngoài đến Việt Nam
Hiện nay không chỉ LHS Việt Nam sang nước ngoài học mà có cả LHS nước ngoài đến Việt Nam. Theo thống kê của Cục Đào tạo với nước ngoài, những năm qua, số LHS nước ngoài đến Việt Nam không ngừng tăng, hiện có khoảng trên 10.000 LHS nước ngoài, nhiều nhất là Lào và Cămpuchia.
LHS nước ngoài đến Việt Nam học thường thông qua chương trình học bổng của Chính phủ Việt Nam cấp (hàng năm, Chính phủ Việt Nam cấp gần 1.000 học bổng cho LHS đến từ 18 nước như: Ăng-gô-la, Ba Lan, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Cămpuchia, Cuba, Nga, Séc, Trung Quốc, Triều tiên, Ucrai-na…); học bổng song phương của các trường đại học Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các trường đại học nước ngoài. Đáng chú ý, có không ít LHS tự túc đến từ những nước kể trên và nhiều nước có nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Anh, Ôx-trây-li-a, Nhật Bản, Hàn Quốc…
"Với Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT và quyết tâm của toàn ngành Giáo dục, trong thời gian tới, các trường đại học Việt Nam sẽ đổi mới, nâng cao chất lượng và chắc chắn sẽ thu hút được nhiều sinh viên nước ngoài đến học hơn nữa"- ông Vang bày tỏ.
Xu hướng LHS Việt Nam sang nước ngoài học ngày càng tăng, trong khi cũng có không ít LHS nước ngoài đến Việt Nam, đây có phải là "dòng chảy ngược"?
Trả lời câu hỏi trên, ông Vang thẳng thắn: Đây không phải là “dòng chảy ngược” mà là xu hướng toàn cầu hóa và cũng là mục tiêu hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Phân tích cụ thể hơn, ông Vang nói: Ngoài những ngành khoa học kỹ thuật mà LHS cần học ở các nước tiên tiến thì ngôn ngữ, văn hóa, ngoại giao là những ngành mà Việt Nam đã và đang cử người đi học. Còn tại các nước tiên tiến họ đều có học bổng và khuyến khích công dân của họ ra nước ngoài học để tìm hiểu những nền văn hóa mới, từ đó nghiên cứu giúp quá trình hội nhập quốc tế của họ được tốt hơn. Chính phủ Ôx-trây-li-a mới phê duyệt Kế hoạch Colombo mới (New Colombo Plan) với ngân sách 100 triệu đô la để tài trợ cho sinh viên Ôx-trây-li-a sang các nước thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Tổ chức AIE của Ôx-trây-li-a và Cục Đào tạo với nước ngoài đang phối hợp để đưa những sinh viên Ôx-trây-li-a đầu tiên thuộc chương trình này sang Việt Nam học vào năm 2015.