Khi sinh viên 'Tây' chọn Học viện CSND để học tập

Thứ hai - 18/02/2019 14:55 601 0
Thành tựu của Học viện Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) thì có nhiều, nhưng trong bài báo nhỏ này, tôi muốn nói đến một điều mà từ lâu tôi tâm đắc. Đó là ngày càng có nhiều học sinh, sinh viên, cán bộ của nhiều quốc gia trên thế giới đến đây tham quan, học tập và dự các khóa bồi dưỡng.
Khi sinh viên 'Tây' chọn Học viện CSND để học tập
Họ đã tin tưởng chọn Học viện CSND để nghiên cứu, học tập và rèn luyện, để rồi dành cho nơi này bao tình cảm gắn bó, trân trọng. Điều đó cho thấy, các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có các trường CAND, khi đã đổi mới mạnh mẽ về mọi mặt, hoàn toàn đủ sức thu hút sinh viên nước ngoài đến học tập.

Học viện CSND đã đạt được nhiều "thương hiệu" trong đào tạo, trong đó, mảng hợp tác quốc tế của nhà trường những năm qua đã có sự bứt phá ngoạn mục. Nếu như cách đây chục năm, hoạt động hợp tác quốc tế của trường còn mỏng, thì một thập kỉ trở lại đây, mảng này đã phát triển rực rỡ.

Học viện CSND hiện đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với 27 học viện, trường cảnh sát, công an trên thế giới; tham gia các tổ chức lớn như Hiệp hội các Học viện Cảnh sát thế giới, Hiệp hội các Học viện Cảnh sát châu Á.

Từ năm 2009 đến nay, Học viện có khoảng 5.000 lượt cán bộ, sinh viên đi tham quan, học tập nghiên cứu tại 27 nước và vùng lãnh thổ. Hơn 50 tổ chức quốc tế đã đến Học viện CSND để học tập, chia sẻ kinh nghiệm và giao lưu.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã đầu tư cho nhà trường thực hiện Dự án đào tạo cán bộ cảnh sát giao thông và Chính phủ Hàn Quốc tài trợ cho Học viện xây dựng thư viện điện tử hiện đại, ghi dấu hình ảnh một nhà trường năng động trên "bản đồ" các cơ sở đào tạo sỹ quan cảnh sát ở khu vực châu Á và thế giới.

Có thể nói, hoạt động hợp tác quốc tế của Học viện CSND đã bắc cầu để sinh viên nước ngoài đến cơ sở này học tập ngày càng nhiều. Và khi đến đây, họ thực sự hài lòng vì chất lượng và phương pháp đào tạo của Học viện. Đây cũng là trường CAND đầu tiên xây dựng hệ thống chuẩn đầu ra (được áp dụng từ năm 2009), trong đó rất chú trọng đào tạo nghiệp vụ gắn với thực hành.

Chuẩn đầu ra còn hấp dẫn các bạn sinh viên "Tây" vì đến đây học tập, họ sẽ được đào tạo hàng loạt kỹ năng mềm như ngoại ngữ, tin học, võ thuật và bắn súng. Đặc biệt, điều mà các học viện, đại học đào tạo an ninh, cảnh sát khu vực châu Á và thế giới rất quan tâm tại Học viện CSND đó là việc cho sinh viên tham gia mạnh mẽ các hoạt động xã hội.

Mục tiêu là để người cán bộ cảnh sát sau khi tốt nghiệp không chỉ giỏi nghiệp vụ mà còn nhuần nhuyễn các kỹ năng, có khả năng kết nối với nhân dân, vận động quần chúng hiệu quả. Hiện Học viện CSND đã áp dụng rất thành công mô hình đào tạo như các trường đào tạo y khoa, đó là 50% thời lượng đào tạo trên lớp và 50% thời lượng sinh viên được đưa xuống cơ sở, thông qua các mô hình thực hành chính trị xã hội và thực tập môn học, thực tập nghiệp vụ cơ bản và thực tập tốt nghiệp.

Sinh viên "Tây" cũng được "học và hành" như một người lính chuyên nghiệp. Học viện CSND cũng là cơ sở đào tạo duy nhất trong hệ thống đào tạo của CAND đưa sinh viên Lào, Campuchia đi thực tập "3 cùng" ở nhà dân tại Tây Ninh, Quảng Trị, Quảng Nam.

Trung tướng, Giáo sư Nguyễn Xuân Yêm, nguyên Giám đốc Học viện CSND cho chúng tôi hay, điều vô cùng phấn khởi là nhiều đoàn khách quốc tế đến Học viện CSND tham quan đều ngỡ ngàng bởi khuôn viên Học viện mang dáng dấp của khuôn viên một trường đại học đào tạo cảnh sát ở một số nước phát triển.

Đây còn như một "xã hội thu nhỏ", có Trung tâm huấn luyện, có thư viện điện tử, có mô hình máy bay chống khủng bố, có các cụm công trình văn hóa phục vụ việc dạy và học chất lượng. Một số nước đã quyết định gửi sinh viên sang đây học, như Học viện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan 1 năm gửi 1 đoàn gồm 10 sinh viên, 10 giáo viên học trong 1 tháng, có sinh viên học lâu hơn.

Đại học Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc - một trong những trường đứng đầu đào tạo cảnh sát thế giới, cũng gửi sinh viên sang học. Rồi Palestine và một số nước thuộc khối ASEAN cũng cho sinh viên sang Học viện để tập huấn.

Tới đây, được sự đồng ý của Bộ Công an, một số sinh viên của Đại học Công an Trung Quốc, Đại học Công an Mông Cổ cũng sang đây học tập. Các sinh viên "Tây" sang học chương trình của Học viện CSND thì khi về nước, họ sẽ được lấy điểm học tập tại Học viện để tính điểm như sinh viên học ở nhà. Điều đó cho thấy, mặt bằng chất lượng đào tạo của Học viện CSND cũng ngang bằng các trường đào tạo cảnh sát châu Á.

Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm kể: Năm 2012, Trung tướng Amarin Akaravông, Giám đốc Học viện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan sang thăm, làm việc tại Học viện CSND, ông thấy Học viện có rất nhiều sinh viên nữ.

Trong khi ở Học viện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan trước 2012 không tuyển sinh viên nữ, (trường này đào tạo cả bộ đội biên phòng, cảnh sát biển). Họ liền hỏi Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm, vai trò của nữ sinh viên cảnh sát như thế nào? Học viện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan có nên đào tạo sinh viên nữ không?

Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm cho hay: "Đào tạo nữ học viên cảnh sát rất cần thiết, giúp phát triển lực lượng cảnh sát. Khi giáo dục tội phạm nữ, giáo dục trẻ em gái ở tuổi vị thành niên, hay một số lĩnh vực như cảnh sát giao thông, quản lý hành chính, trại giam, rất cần có cán bộ nữ".

Sau khi nghe Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm nói vậy, Trung tướng Amarin Akaravông rất tâm đắc. Và họ đã học tập kinh nghiệm của Học viện CSND, quyết định tuyển sinh viên nữ. Nhờ đó mà đến nay đã có đoàn sinh viên nữ của Học viện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đến học tập tại Học viện CSND.

Học viện CSND còn tập huấn đào tạo cảnh sát cho đất nước Palestine. Tại Palestine, cảnh sát không có nhiều điều kiện về trang bị kỹ thuật, cơ sở vật chất nhưng họ lại rất quan tâm làm thế nào để gắn bó nhân dân, vận động nhân dân ủng hộ lực lượng cảnh sát, trong điều kiện đất nước họ luôn có nguy cơ chiến tranh.

Ngại Đại sứ Palestine tại Việt Nam - Saadi Salama đã đến Học viện tham quan và quyết định đưa 2 đoàn cảnh sát Palestine đến đây học tập. Họ được tiếp cận tất cả các biện pháp nghiệp vụ cảnh sát, trong đó có một nhóm tiếp cận cảnh sát quản lý hành chính.

Khóa đào tạo đã giúp ích nhiều cho cảnh sát Palestine và được phía bạn đánh giá rất cao. Khi Học viện CSND liên kết đào tạo thạc sỹ với trường Đại học Maryland của Hoa Kỳ, nhiều đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng đã đến đây để tham quan, làm việc. Ngoài ra, nhiều giáo sư tội phạm học giỏi nhất thế giới cũng được Học viện CSND mời đến đây giảng dạy.

Sắp tới, nhà trường sẽ phối hợp với Australia để đào tạo thạc sĩ an ninh mạng. Sinh viên Hàn Quốc, Palestine, Trung Quốc đến Học viện CSND sẽ học bằng tiếng Anh, sinh viên Thái Lan có lớp tiếng Anh, lớp tiếng Việt. Một số sinh viên Hàn Quốc nói rằng, Đại học Cảnh sát Hàn Quốc cũng chưa có thư viện điện tử như thư viện của Học viện CSND.

Mới đây, nhà trường đã biên tập được 5 bộ từ điển Công an Nga - Việt, Anh - Việt, Việt - Lào, Trung - Việt, Pháp - Việt. Đây là 5 cuốn Từ điển nghiệp vụ đầu tiên được xây dựng trong lực lượng CAND Việt Nam và sẽ phục vụ đắc lực cho việc nghiên cứu của các bạn sinh viên "Tây" đang học tập tại trường.

Tác giả bài viết: Nam Việt

Nguồn tin: Báo Công an Nhân dân

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây