Để chinh phục ước mơ đó, Phương Thảo chuẩn bị hồ sơ từ tháng 10/2020. Trong 5 trường đăng ký, Phương Thảo đều nhận được giấy báo trúng tuyển, trong đó Thảo nhận được học bổng RSM Non-EEA Scholarship of Excellence trị giá tương đương 80% học phí của Đại Học Erasmus Rotterdam (tốp trường đào tạo kinh doanh tốt nhất châu Âu) và học bổng của Đại học VinUni.
Bên cạnh đó, các trường Đại học Amsterdam, Đại học Twente, Đại học Khoa học ứng dụng NHL Stenden đều sẽ công bố mức học bổng khi sinh viên đăng ký nhập học.
“Em đã tìm hiểu và nghiên cứu kĩ các trường đại học ở Hà Lan, sau đó nhận thấy trường Đại học Erasmus Rotterdam rất hợp với mình. Từ những tôn chỉ của trường, chương trình dạy học, những phản hồi về trường từ các cựu học sinh, các giáo sư... cho đến thành tích và thứ hạng ghi danh trên bản đồ quốc tế, em cảm thấy mình đã chọn được môi trường phù hợp.
Em hoàn thiện và nộp hồ sơ vào tháng 1/2021, và nhận được kết quả vào giữa tháng 4/2021. Học bổng ở dạng “fee waiver” - giảm học phí, và giờ học phí cả năm học của em chỉ còn tương đương 1000 euro. Đây là học bổng mức cao nhất mà trường dành cho học sinh của ngành em chọn”, Thảo cho biết.
Lựa chọn ngành học, trường đại học có tỷ lệ cạnh tranh cao, Phương Thảo đã phải nỗ lực hết mình để vượt qua khâu tuyển chọn gắt gao của trường.
Nữ sinh trường chuyên cho biết, khó khăn lớn nhất với mình là phải cân bằng việc học trên lớp và việc ôn thi, chuẩn bị hồ sơ cho các trường.
“Đặc biệt là bài thi Toán, vì sự khác biệt trong chương trình dạy toán của 2 nước nên em phải tự học lại, tự tìm hiểu những kiến thức mới để làm bài thi đạt kết quả tốt nhất.
Bên cạnh đó, để được cấp học bổng, em phải nộp thêm bài luận xin học bổng, giải thích lí do mình cần học bổng và chứng minh vì sao mình xứng đáng được nhận nó, kèm với bản kế hoạch tài chính chi tiết cho 3 năm học đại học ở Hà Lan.
Phải thực sự cố gắng và nỗ lực vượt qua những khó khăn, có những ngày liên tiếp em ngủ chưa đến 4 tiếng để học bài.
Có thời gian ôn thi đồng thời môn Toán ở trường Đại Học Erasmus Rotterdam và 3 môn Toán, Kinh tế (Economics), Chiến lược & Tổ chức (Strategy & Organization) ở trường Đại học Amsterdam, đây đều là những kiến thức mà lần đầu em tiếp cận trong đời và phải tự tìm, tự học hơn 250 trang đại cương trường gửi trong 1 tuần để thi.
Cũng rất may là kết quả đã mỉm cười với em, em hoàn thành tốt những kì thi quan trọng và được nhận vào trường, đồng thời vẫn không sa sút ở trên lớp”, Phương Thảo tâm sự.
Không chỉ chinh phục thành công trường kinh doanh top đầu châu Âu, trúng tuyển nhiều trường đại học danh tiếng, Nguyễn Phương Thảo còn có bảng thành tích đáng nể trong 3 năm học phổ thông.
Cô nàng đạt 8.0 IELTS, trong năm học lớp 12 và lớp 10 đã đạt giải Nhất, giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi tỉnh môn tiếng Anh.
Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua, Phương Thảo cũng đạt được điểm số ấn tượng: khối D84 đạt 28,45 điểm, khối D10 là 28,2 điểm, khối D01 đạt 27,95 điểm và khối A09 là 27,45 điểm. Thảo vừa nhận được giấy báo trúng tuyển từ Trường Đại học Ngoại thương và Học viện Ngoại giao.
Xây dựng và phát triển bản thân để có hồ sơ đẹp
Nói về hành trình chinh phục ước mơ du học, Nguyễn Phương Thảo cho biết, quá trình nộp hồ sơ thì chỉ vỏn vẹn vài tháng, nhưng quá trình chuẩn bị cho một bộ hồ sơ có thể mất tới hàng năm trời.
Yếu tố quyết định không chỉ nằm ở 1 bài luận hay 1 bản CV, mà còn là cả quá trình mình xây dựng và tự phát triển bản thân, thể hiện dấu ấn mình đã làm được những gì, học được những gì, mình cố gắng như thế nào.
Nữ sinh trường chuyên cho biết, muốn đi du học, trước đến cần xác định rõ ràng về mục tiêu, từng bước chinh phục những thử thách để đạt được mục tiêu đó.
Đối với việc chọn trường, theo Phương Thảo, tìm hiểu thành tích và ghi danh của trường trên bản đồ giáo dục thế giới là một phần quan trọng, phản ánh ít nhiều mức độ hiệu quả của chương trình dạy học ở trường.
Tuy nhiên, đó không phải là tất cả, cần tìm hiểu nhiều hơn về trường, tôn chỉ của trường, phương pháp dạy học, hoạt động ngoại khóa, mức độ quan tâm sát sao của trường dành cho sinh viên,... để hiểu rõ hơn về môi trường học tập và xem xét bản thân mình có phù hợp hay không. Qua đó cũng biết trường đang tìm kiếm những nhân tố như thế nào, để phát triển bản thân đáp ứng những yêu cầu mà trường đặt ra.
Muốn phát triển bản thân và để lại dấu ấn tốt đẹp với ban tuyển sinh của trường phải thể hiện được mình học tập và nỗ lực ra sao, nhận thức và sự trưởng thành của bản thân qua kết quả bài vở, qua các hoạt động ngoại khóa, xã hội,... Cùng với bài luận và bản CV, thông qua đó kể lại cho họ nghe và chứng minh bản thân mình một cách cô đọng, súc tích, nổi bật nhất.
Thảo chia sẻ: “Em tin rằng, với những bạn có ước mơ đi du học thì nên chuẩn bị kỹ càng từ khi có định hướng, nên biết mình học gì, làm những hoạt động gì, đang phát triển thành con người ra sao, hướng tới điều gì,... như thế thì mới có dẫn chứng để viết, để đúc kết ra điểm mạnh và con người của bản thân trong các bài luận.
Phải làm sao để trường nhìn thấy bản thân mình với những điểm nổi bật thông qua toàn bộ hồ sơ của mình. Các trường sẽ thường rất thích những bạn biết cách xây dựng và nhấn mạnh vào những thế mạnh của bản thân qua các thành tích, những con số cụ thể.
Hiểu được những giá trị mà trường hướng đến và cho thấy bản thân phù hợp cùng trường phát triển những giá trị đó cũng là một ý tưởng có sức thuyết phục.
Đồng thời, các trường đều rất muốn thấy được quyết tâm lớn, nội lực lớn bên trong mình, thấy được những kỹ năng mình đã tự học được và những tiềm năng để phát triển,sự nỗ lực của mình như thế nào”.
Theo Phương Thảo, bản giới thiệu cần phải thể hiện được thành tích học tập, ví dụ như GPA tốt, các giải thưởng trong các năm học, trình độ ngoại ngữ và điểm các loại chứng chỉ.
Việc xây dựng hoạt động ngoại khóa không phải cứ chú trọng về số lượng, không phải nhiều là tốt, mà phải có sự chọn lọc, đủ để thể hiện được những kỹ năng liên quan tới ngành học mình đã chọn.
Bài luận cần thể hiện được sự chuyển mình trong cuộc sống, nhận thức được giá trị của bản thân, có quyết tâm hoài bão lớn rằng trong tương lai mình sẽ trở thành 1 người như thế nào.
“Trong bài luận, em đã kể về câu chuyện của chính mình. Ba mẹ em thường dạy: ba mẹ chỉ cho cần câu chứ không cho cá, em phải học cách sử dụng cần câu ấy để tự kiếm ăn cho mình.
Đó là bài học đã thấm vào trong tư tưởng, hành động của em. Bản thân em luôn cố gắng nỗ lực, chủ động, tự học, tự tìm tòi và phát huy hết năng lực của bản thân để đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Em còn thể hiện nội lực của bản thân thông qua ý kiến của em về vấn đề bình đẳng giới, trong khi xung quanh em những bạn nữ được dạy không cần phải quá cố gắng vươn tới đỉnh cao sự nghiệp, đó là việc mà trụ cột của những gia đình là đàn ông, con trai nên làm. Nhưng em không đồng tình với quan điểm này.
Em chứng minh thời gian qua, mình đã đấu tranh chống lại những tư tưởng đó bằng những hành động cụ thể, cố gắng phát triển bản thân, quyết tâm khẳng định vị trí của bản thân - vị trí của nữ giới trong xã hội bằng việc phấn đấu học hành xuất sắc và tham gia các hoạt động xã hội năng nổ”, Thảo khẳng định.
Đến thời điểm hiện tại, Thảo trúng tuyển 7 trường đại học trong nước và quốc tế nhưng cô nàng quyết định học ngành Quản trị Kinh doanh Quốc tế (International Business Administration) ở trường Đại Học Erasmus Rotterdam.
Đây là trường đại học luôn nằm trong top những đại học Kinh doanh tốt nhất ở châu Âu và trên toàn thế giới. Trường xếp hạng 1 năm 2021 theo Shanghai Global Ranking of Academic Subjects và hạng 11 theo US News Education về các trường đại học đào tạo ngành kinh doanh hàng đầu trên thế giới.
Chọn học ngành kinh doanh, Phương Thảo ước mơ trong tương lai sẽ trở thành một người có vai trò và đóng góp cho xã hội.
Du học vốn là ước mơ từ bé của Phương Thảo, thời gian này, nữ sinh trường Chuyên Hà Tĩnh đang háo hức chờ đợi và chuẩn bị kỹ càng để đến với những thử thách mới ở một môi trường học tập và đất nước mới.
Nguyễn Phương Thảo dự định sẽ đi du học Hà Lan vào cuối tháng 8, tuy nhiên trước tình hình dịch diễn biến phức tạp nên có thể sẽ phải hoãn lại và đăng kí học online.
Tác giả bài viết: Phạm Minh
Ý kiến bạn đọc