60.000 du học sinh: Nguồn nhân lực tương lai

Thứ hai - 03/11/2008 09:06 1.518 0
Theo thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT, hiện có khoảng 60.000 du học sinh Việt Nam đang theo học tại các cơ sở đào tạo nước ngoài. Ngày càng có nhiều người nộp đơn xin theo học tại các trường ĐH ở Mỹ, Úc, New Zealand, Anh, Singapore, Trung Quốc... Nhiều sinh viên cho biết họ muốn có được bằng cấp của nước ngoài để giành ưu thế khi tìm kiếm công việc ở Việt Nam cũng như tìm cơ hội ở nước ngoài
363361 antech 5  stort
363361 antech 5 stort
Trong số 60.000 du học sinh Việt Nam hiện nay, ngoại trừ khoảng hơn 4.000 người học bằng ngân sách Nhà nước theo đề án 322, vài ngàn người theo học bằng các học bổng Chính phủ, theo Hiệp định xử lý nợ với CHLB Nga, học bổng của các tổ chức phi chính phủ, các trường ĐH, số còn lại đi học bằng con đường tự túc.

Khuyến khích du học nước ngoài

Lý giải về số học sinh Việt Nam đi du học ngày càng nhiều, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Bộ GD-ĐT, khẳng định chính sách của Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích học sinh Việt Nam du học, vì đây sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước. Học sinh Việt Nam luôn được đánh giá là thông minh, có ưu thế về các môn toán, khoa học tự nhiên, nhưng do trong nước thiếu trường lớp nên muốn phát triển cao chỉ có con đường tốt nhất là du học.

GS Trương Nguyên Trân, Giám đốc khảo thí của ĐH Bách khoa Paris, người được coi là chiếc cầu nối đưa hàng trăm sinh viên tài năng của Việt Nam đi đào tạo ở nước ngoài, cho rằng có thể còn hơi sớm, nhưng những thành tích đầu tiên của các sinh viên Việt Nam cho thấy họ là một nguồn nhân lực cao quan trọng sau này có thể giúp Việt Nam nhiều trong việc xây dựng đất nước.

Một lý do quan trọng nữa khiến số lượng học sinh Việt Nam chọn con đường du học ngày càng nhiều chính là vì các nước phát triển luôn khuyến khích và tạo điều kiện làm việc cho những sinh viên có trình độ. Ví dụ, Úc sẵn sàng cấp giấy phép ở lại làm việc cho công dân Việt Nam có trình độ cao, Singapore cũng đồng ý cho du học sinh ở lại sau khi tốt nghiệp nếu được một công ty nào đó tiếp nhận... Nhiều quốc gia khác như Trung Quốc hay một số nước châu Âu cấp visa cho du học sinh khá dễ dàng.

Và đặc biệt, theo ông Nguyễn Ngọc Hùng, đời sống người dân ngày một khá lên, nhiều gia đình khá giả muốn con mình được tiếp nhận một nền giáo dục tiên tiến nên sẵn sàng chấp nhận đầu tư cho con đi học, thậm chí là phải vay mượn. PGS-TS Trần Quốc Thành, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết rất nhiều bạn bè của ông cho con đi học nước ngoài từ bậc THPT với hy vọng con mình sớm hòa nhập, học tiếng Anh tốt và giành được học bổng ở những bậc học tiếp theo.

Sự lựa chọn mới

Khi phong trào du học bắt đầu phát triển vào những năm 1997-1998, Anh, Pháp, Mỹ là những quốc gia được du học sinh Việt Nam lựa chọn nhiều nhất. Thế nhưng hiện nay, thị trường du học đã thay đổi nhiều với những cái tên Úc, New Zealand, Anh, Mỹ, Singapore, Thụy Sĩ. Ông Nguyễn Đăng Hiển, Giám đốc Công ty Du học toàn cầu ASCI, Hà Nội, cho biết nếu ở TPHCM, học sinh thích chọn các trường của Mỹ, Singapore, Úc thì ở Hà Nội, xu hướng lại nhắm vào các trường của Anh, Úc, Mỹ, Thụy Sĩ, Trung Quốc. Nếu thế mạnh của du học Trung Quốc là các ngành y học cổ truyền, học phí và sinh hoạt phí đều rẻ thì Thụy Sĩ lại được nhiều du học sinh lựa chọn vì ngành quản trị du lịch khách sạn rất phát triển. Trong khi đó, việc du học tại Singapore lại rất dễ dàng với chi phí phải chăng (từ 300 triệu đến 400 triệu đồng cho một khóa đào tạo thạc sĩ)...

Theo Bộ GD-ĐT, trong tổng số 2.684 lưu học sinh được tuyển chọn đi học tại 30 nước của đề án 322 từ năm 2000 đến 2007, số lượng được gửi đi đào tạo nhiều nhất là ở Nga (496 người), tiếp đó là Úc (357 người) và Mỹ (334 người), chiếm tỉ lệ cao nhất là các ngành khoa học kỹ thuật (41,49%), khoa học tự nhiên (14,55%), quản lý kinh tế (14,42%)... Trong giai đoạn 2 đề án 322 (kéo dài từ năm 2006 và kết thúc vào năm 2014 với kinh phí dự kiến là 260 tỉ đồng/năm), từ nay đến năm 2010, mỗi năm Bộ GD-ĐT sẽ cấp 400 suất học bổng, trong đó 50% là để đào tạo bậc tiến sĩ tại các nước tiên tiến như: Mỹ, Canada, Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Liên bang Nga, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc. Những ngành nghề được ưu tiên đào tạo bao gồm công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công nghệ nano, công nghệ cao...

Ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài Bộ GD-ĐT, cho biết thời gian tới, 25 sinh viên tham gia các kỳ thi Olympic quốc tế 2008 sẽ được xét tuyển đi học nước ngoài, trong đó sinh viên đạt huy chương vàng được ưu tiên chọn các trường hàng đầu thế giới. 30 sinh viên thủ khoa các khối thi của các trường ĐH và 5 sinh viên là thủ khoa tốt nghiệp THPT cũng được đi du học để bổ sung vào nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.

Thu hút nguồn nhân lực cao

Trong khi 100% số lưu học sinh được cử đi học bằng đề án 322 đều về nước làm việc (theo kết quả khảo sát của đề án 322, 42% số người về nước cho biết đã được tăng lương, 25% được đề bạt, giao nhiệm vụ quan trọng hơn), thì số du học sinh đi học theo con đường tự túc trở về không nhiều. Theo ông Nguyễn Đăng Hiển, khảo sát cho thấy có tới 60%-70% du học sinh Việt Nam tiếp tục ở nước ngoài sau khi học xong để học tiếp hoặc tìm được những cơ hội làm việc ở nước sở tại. Ông Hiển cho rằng với số lượng du học sinh trở về ít ỏi như vậy, ta đang mất đi một nguồn chất xám lớn. Tuy nhiên, GS Trương Nguyên Trân lại có quan điểm ngược lại. Theo GS Trân, với điều kiện làm việc, nghiên cứu khoa học còn hạn chế như ở Việt Nam, việc các lưu học sinh tiếp tục học tập, nghiên cứu nâng cao ở nước ngoài để có các công trình lớn, sau đó sẽ về Việt Nam cũng là một hình thức cống hiến cho đất nước. GS Trân ví dụ, Ngô Đắc Tuấn (sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội khóa 1997), sau khi tốt nghiệp thủ khoa Trường Polytechnique và lấy bằng tiến sĩ đã thành công rực rỡ trong việc nghiên cứu và có một địa vị trong Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp. Nguyễn Hoài Minh đã lấy bằng tiến sĩ toán học và sẽ tiếp tục công trình khảo cứu ở Hoa Kỳ tại Đại học Rutgers và Viện Institute for Advanced Study ở Princeton (Mỹ). Trường hợp của Ngô Đức Thành (sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội, khóa 1998), theo GS Trân, là một trường hợp đặc biệt mà nhiều du học sinh khác cần coi như một tấm gương. Sau khi làm luận án tiến sĩ xuất sắc ở Pháp, Thành đã đến làm việc tại ĐH Tokyo, ngành vật lý địa cầu và đạt được nhiều kết quả tốt. Sau khi được mời ở lại Nhật thêm 5 năm, anh từ chối và quyết định về Việt Nam phục vụ đất nước.

Tác giả bài viết: Đức Chinh

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây