Du học tại chỗ ở Việt Nam sao vẫn chưa hấp dẫn?

Thứ hai - 05/11/2018 14:24 763 0
Có thể hiểu, du học tại chỗ và du học chỉ khác biệt ở địa điểm học tập, còn nội dung, chương trình học, hệ thống tài liệu… đều giống nhau. Mặc dù du học tại chỗ có rất nhiều thuận lợi, đó là học sinh, sinh viên được ở gần gia đình, được học giáo trình nước ngoài nhưng với chi phí thấp…, nhưng vì sao hình thức du học này ở Việt Nam vẫn chưa thu hút và đạt được như kỳ vọng?
Du học tại chỗ ở Việt Nam sao vẫn chưa hấp dẫn?

Du học tại chỗ sẽ chú trọng nghiên cứu khoa học

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), hàng năm số học sinh, sinh viên ra nước ngoài học tập, nghiên cứu với chi phí ước tính khoảng 3 – 4 tỉ USD dưới dạng các chi phí khác nhau. Có tới 90% số học sinh du học tự túc, mỗi năm gia đình các em phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đóng học phí, lo chi phí nhà ở, ăn mặc, đi lại... Đó là chưa kể du học sinh phải làm quen với cuộc sống tự lập ở nước ngoài với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Chính vì vậy, theo TS. Đặng Đức Long, Trưởng phòng Khoa học công nghệ – Hợp tác quốc tế, Viện nghiên cứu và đào tạo Việt – Anh, Đại học Đà Nẵng, cho biết, hình thức du học tại chỗ rất phù hợp với điều kiện của học sinh, sinh viên trong nước. “Các nước láng giềng như Singapore, Malaysia đều đã thực hiện phát triển hình thức này. Họ cũng thu hút khá nhiều sinh viên Việt Nam. Hàng năm chúng ta sử dụng một nguồn ngoại tệ khá lớn cho sinh viên du học nước ngoài, vậy tại sao không tạo cơ hội học tập trong môi trường quốc tế với chất lượng như ở nước ngoài cho sinh viên Việt Nam?” - TS. Long nói.

TS. Long chia sẻ, chương trình đào tạo của Vương quốc Anh có một số ưu điểm mà Việt Nam có thể áp dụng được. Đó là việc đưa nghiên cứu khoa học vào đời sống và doanh nghiệp rất sớm. Ngoài ra, Anh có truyền thống nghiên cứu khoa học lâu đời nên họ rất chú trọng vào lĩnh vực này. Do đó, việc chú trọng nghiên cứu khoa học trong giáo dục đại học tại Việt Nam trong thời gian tới rất phù hợp.

“Sắp tới sẽ có nhiều các trường đại học Việt Nam hợp tác với Vương quốc Anh. Về phía chúng tôi hiện đã hợp tác nghiên cứu khoa học, quy trình đào tạo theo quy chuẩn của Anh quốc và nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia người Anh tương đối nhiều. Tôi nghĩ thời gian tới việc này sẽ giúp việc du học tại chỗ mở rộng hơn, chi phí rẻ hơn rất nhiều, giúp tiết kiệm cho Việt Nam trong việc nâng cao trình độ năng lực đào tạo đại học…” - TS. Long nói.

Bàn về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, mức học phí của du học tại chỗ rẻ hơn rất nhiều so với du học, không tốn các chi phí ăn ở, đi lại. Bên cạnh đó, chi phí học tại Việt Nam cũng không cao hơn các chi phí của các quốc gia khác.

Sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp ở Việt Nam và học lên bậc học cao hơn (thạc sĩ – tiến sĩ) đều tốt nghiệp loại giỏi ở các trường nước ngoài. Còn có những người được mời ở lại làm việc ở các trường nước ngoài. Do đó có thể nói, chất lượng đào tạo của các trường đại học Việt Nam ngày càng được nâng lên theo xu thế quốc tế hóa.

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài nhấn mạnh: “Nói chung, chỉ một tỷ lệ nhỏ các gia đình có điều kiện cho con em đi du học, còn phần lớn là học trong nước. Do đó, mô hình du học tại chỗ kết hợp giữa đào tạo của Việt Nam và đào tạo nước ngoài cần được triển khai. Tức là chúng ta có thể kết hợp học 2-3 năm đại học ban đầu tại Việt Nam và học năm cuối ở nước ngoài. Hoặc học đại học ở Việt Nam và học sau đại học ở nước ngoài thì sẽ dài hơi hơn. Việc đó sẽ tiết kiệm chi phí cho gia đình và sinh viên, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đại học ở Việt Nam…” – GS. Nguyễn Trọng Hoài nêu quan điểm.

Chưa được như kỳ vọng

Có nhiều lý do khiến du học tại chỗ chưa thu hút tâm lý các học sinh, sinh viên. Lý do đầu tiên khiến nhiều người e ngại, đó là trong những năm gần đây có hiện tượng liên kết đào tạo nhưng chưa chú trọng đến chất lượng.

Lý do thứ nữa, theo một chuyên gia giáo dục là nhiều gia đình muốn con ra nước ngoài du học để góp phần nâng cao khả năng ngôn ngữ. Ngoài ra, nhiều gia đình dù có điều kiện nhưng con vẫn không học du học tại chỗ bởi trình độ ngoại ngữ hạn chế. Vì khi theo học hình thức này, các em vẫn phải học bằng một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, và đó là thách thức lớn cho nhiều học sinh trong nước.

Một phụ huynh cho biết, họ băn khoăn với mô hình liên kết đào tạo trong nước nên không cho con du học tại chỗ. Vị phụ huynh này đã nhắc đến vụ việc hàng loạt các trường học ở Việt Nam mới đây có liên kết đào tạo chương trình và cấp bằng quốc tế với Trường quốc tế George Washington (GWIS). Đây là ngôi trường đang dấy lên nghi vấn là trường học “ma” khi Trường GWIS ở Mỹ, không trụ sở, không giáo viên, không được tổ chức nào công nhận... nhưng tổ chức dạy cũng như liên kết ở 14 tỉnh, thành của Việt Nam trong nhiều năm.

Đáng nói, đơn vị này vẫn được các cơ quan chức năng cấp phép hoạt động. Điều này gây tâm lý xấu, ảnh hưởng tới phụ huynh, học sinh tin tưởng theo học và làm xấu đi việc du học tại chỗ…

Nói về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài cho biết, việc hầu hết mọi người lựa chọn hình thức du học thay bằng du học tại chỗ là chuyện hết sức bình thường, bởi họ kì vọng một kết quả học tập tốt hơn để hòa nhập vào thị trường lao động chuyên môn cao trong khu vực và các quốc gia phát triển. Mặc dù số lượng sinh viên du học đó tăng lên, nhưng nó chỉ rơi vào các gia đình có thu nhập cao, có đủ khả năng tài chính và các sinh viên được học bổng. Tuy vậy, nỗ lực của các trường đại học ở Việt Nam hiện cũng rất mạnh mẽ. Nhiều nhà trường đang dần để ý đầu vào và đầu ra tiếng Anh cao hơn để sinh viên nâng cao nỗ lực và trình độ, để phù hợp với nhu cầu cầu nhân lực của nước ngoài…

Để thu hút học sinh, sinh viên theo học hình thức du học tại chỗ, nhiều trường đại học trong nước cần nỗ lực nâng cao chất lượng chất lượng đầu ra. Đồng thời chọn lựa những cơ sở đào tạo uy tín, được cơ quan quản lý cấp phép hay công nhận bằng cấp, chứng chỉ tại Việt Nam để liên kết... Có như vậy, hình thức du học tại chỗ mới có thể thu hút được lượng lớn người có nhu cầu được tiếp cận mô hình đào tạo mang tầm quốc tế nhưng chi phí phù hợp đang ngày càng cao trong xã hội.

Tác giả bài viết: Yến Nhi

Nguồn tin: Bộ Giáo dục và Đào tạo

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây