Việt Nam có 8 cơ sở giáo dục đại học vào top 500 đại học tốt nhất châu Á

Thứ sáu - 03/01/2020 13:25 2.101 0
Theo kết quả chính thức do QS công bố tại Hội thảo QS APPLE Conference 2019 tại Nhật Bản, Việt Nam có 08 cơ sở giáo dục đại học nằm trong top 500 của bảng xếp hạng các trường ĐH Châu Á của QS năm 2020. 8 trường gồm: Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Duy Tân.
Theo kết quả chính thức do QS công bố tại Hội thảo QS APPLE Conference 2019 tạiNhật Bản, Việt Nam có 08 cơ sở giáo dục đại học nằm trong top 500 của bảng xếp hạng các trường ĐH Châu Á của QS năm 2020.

8 trường gồm: Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Duy Tân. Trong đó, Đại học Quốc gia TP.HCM được xếp thứ hạng 143, Đại học Quốc gia Hà Nội xếp thứ 147. So với bảng xếp hạng các trường đại học Châu Á của QS năm 2019 đã có thêm Trường Đại học Duy Tân là cơ sở giáo dục đại học tư thục mới phát triển ở Việt Nam.

Tổ chức QS Asia xếp hạng các đại học dựa trên 10 tiêu chí với trọng số khác nhau, gồm: Danh tiếng về học thuật (30%); Khảo sát ý kiến nhà tuyển dụng về chất lượng sinh viên tốt nghiệp (20%); Tỉ lệ giảng viên/sinh viên (15%); Tỉ lệ đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ (5%); Tỉ số bài báo xuất bản trên giảng viên (10%); Trích dẫn mỗi bài nghiên cứu được công bố (10%); Tỉ lệ giảng viên quốc tế (2,5%); Tỉ lệ sinh viên quốc tế (2,5%); Trao đổi sinh viên trong nước (2,5%).

Vị trí xếp hạng của các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam.

Trước đó, trong bảng xếp hạng đại học thế giới 2019 được QS World University Rankings (QS) của tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds của Anh công bố ngày 07/6/2018, lần đầu tiên Việt Nam có 02 đại diện nằm trong top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới là ĐHQG TP.HCM và ĐHQGHN.

Gần đây, Thời báo GDĐH (Times Higher Education, THE) công bố kết quả xếp hạng đại học thế giới mới nhất (World University Rankings 2020) trong sự kiện hội nghị thượng đỉnh về học thuật của THE tổ chức tại Zurich (Thụy Sỹ) vào ngày 11/9/2019, theo đó, lần đầu tiên 03 cơ sở GDĐH của Việt Nam được THE công bố thứ hạng cùng với gần 1.400 cơ sở GDĐH hàng đầu thế giới, trong đó có 2 cơ sở GDĐH nằm trong top 1.000.

Trao đổi về kết quả xếp hạng quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong những năm gần đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bộ GD-ĐT chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện để các trường đại học chủ động lựa chọn và tham gia các Bảng xếp hạng bởi các tổ chức xếp hạng đại học quốc tế có uy tín phù hợp với chiến lược phát triển của mình để qua đó đối sánh và nhận diện thương hiệu, đồng thời nhằm tăng vị thế và uy tín của các cơ sở GDĐH của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Trong Chương trình khoa học giáo dục 2016-2020, Bộ GDĐT cũng đã đặt hàng nhiệm vụ Nghiên cứu mô hình trường đại học đáp ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (“đại học 4.0”); trong đó, cũng đặt mục tiêu xây dựng các luận cứ, luận chứng khoa học để đề xuất, tìm ra các giải pháp nâng cao vị trí GDĐH Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế một cách thực chất, từ đó tác động lại nâng cao chất lượng GDĐH Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, việc ngày càng có càng nhiều các cơ sở GDĐH của Việt Nam có tên trong các bảng xếp hạng đại học quốc tế có uy tín, trong đó bắt đầu có các cơ sở giáo dục đại học tư thục là tín hiệu rất tích cực của GDĐH Việt Nam. Những thành tựu này là sự khích lệ, động lực rất tích cực với các cơ sở GDĐH khác trong nước. Song, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, đây mới là những kết quả ban đầu. GDĐH Việt Nam cần phải nỗ lực đổi mới, tự chủ nhiều hơn nữa để sớm hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới như mục tiêu Đảng và Chính phủ đã đề ra.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng cho biết thêm, hiện nay, Bộ GDĐT đang xây dựng kế hoạch để tổng kết việc thực hiện các mục tiêu đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011-2020 và mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2021-2030, kế hoạch 5 năm 2021-2025 và giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045. Bên cạnh đó, Đề án nâng cao chất lượng GDĐH giai đoạn 2019-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt ra mục tiêu: Có ít nhất 02 cơ sở GDĐH được xếp hạng trong số 100 trường đại học tốt nhất Châu Á, 10 cơ sở GDĐH được xếp hạng trong số 400 trường đại học tốt nhất Châu Á, 04 cơ sở GDĐH được xếp hạng trong số 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.

Mục tiêu hỗ trợ các cơ sở GDĐH nâng cao vị thế trên các bảng xếp hạng quốc tế cũng được thể hiện trong các dự thảo chính sách khác như Kế hoạch tổng thể phát triển GDĐH (Master Plan), Quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH, các dự án xây dựng các trường ĐH xuất sắc như: ĐH Việt - Đức, ĐH KHCN Hà Nội (Việt - Pháp), ĐH Việt - Nhật (VNU Hà Nội), ĐH Cần Thơ…

Nguồn tin: Báo Mới

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây