Người Việt chi 3 đến 4 tỷ USD đi du học, Bộ Giáo dục tìm cách hạn chế

Thứ hai - 11/06/2018 14:19 1.132 0
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng đây là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, không chỉ là kinh tế mà cả các vấn đề văn hóa, đạo đức. Trong xu hướng chung, các nước đang phát triển đều gửi con em mình đến các nước phát triển để nhận được điều kiện giáo dục tốt hơn.
Người Việt chi 3 đến 4 tỷ USD đi du học, Bộ Giáo dục tìm cách hạn chế
Câu chuyện du học được đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) nêu tại phiên chất vấn của Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phùng Xuân Nhạ ngày 6/6 rằng: "Chúng ta đều biết hiện nay người Việt gửi con em đi nước ngoài học rất nhiều, trong đó có cả học bổng và phải trả tiền. Các trường của một số nước đã mở ở Việt Nam cũng có học phí khá cao. Tôi được biết có những nơi học phí mỗi năm 400-500 triệu đồng. Giải pháp làm sao để ủng hộ các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này".

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng đây là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, không chỉ là kinh tế mà cả các vấn đề văn hóa, đạo đức. Trong xu hướng chung, các nước đang phát triển đều gửi con em mình đến các nước phát triển để nhận được điều kiện giáo dục tốt hơn.

Ông Nhạ đưa ra một thống kê không chính thức là hàng năm học sinh, sinh viên của chúng ta ra nước ngoài học tập, nghiên cứu dạng học bổng và không học bổng tiêu tốn khoảng 3 đến 4 tỉ USD dưới các dạng kinh phí khác nhau.

"Đây là ước đoán, đây cũng là nguồn rất lớn. Làm sao để thu hút được các học sinh, các gia đình có điều kiện muốn con em mình tốt hơn, không chỉ ra nước ngoài mới có giáo dục tốt mà ngay trong nước cũng có thể hưởng nền giáo dục tốt", Bộ trưởng Nhạ nêu tâm tư.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, dù Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến giáo dục và coi là quốc sách hàng đầu, trong thực tế đã dành 20% ngân sách để đầu tư giáo dục, nhưng nâng cao chất lượng giáo dục vẫn là yêu cầu không ngừng đặt ra. Do đó ông hoan nghênh sự tham gia đóng góp của xã hội, doanh nghiệp, vào nâng cao chất lượng giáo dục.

"Đây là bài học thành công của nhiều nước, ví dụ Hàn Quốc, Trung Quốc có sự tham gia của các thành phần kinh tế. Chủ trương này đã được các văn kiện Đại hội Đảng và Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo rất sát sao đối với ngành giáo dục", ông Phùng Xuân Nhạ nói. Ông cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Thủ tướng có những chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế và các doanh nghiệp, trong đó có nhiều tập đoàn lớn, đầu tư vào giáo dục.

Ngân sách nhà nước tập trung cho việc đảm bảo chất lượng của giáo dục cơ bản, những vùng khó khăn, giáo dục phổ cập, còn lại rất trông đợi vào các nhà đầu tư và chương trình tiên tiến, chuẩn, được kiểm định chất lượng để nhập khẩu về, tăng đóng góp của khu vực tư nhân trong giáo dục chất lượng cao, giảm áp lực đối với ngân sách.

Ông cho biết khuyến khích xã hội hóa cũng là điểm ưu tiên trong sửa Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. "Thời gian qua cũng đã thực hiện nhưng chưa thực sự sát với sự khuyến khích, cho nên các nhà đầu tư đã đầu tư nhưng chưa thực sự mạnh. Vừa rồi Thủ tướng đi thăm một số nước có nền giáo dục tốt như Australia, New Zealand thì đều thấy cơ hội hợp tác phát triển giáo dục và chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo thúc đẩy việc này", ông Phùng Xuân Nhạ thông tin.

Bộ trưởng Nhạ cũng chia sẻ suy nghĩ của mình về việc cho con em ra nước ngoài học: "Ngoài vấn đề kinh tế còn vấn đề văn hóa, khi con em được ở nhà học theo quy trình kết hợp với nước ngoài và trường nước ngoài tốt thì được gần gia đình, kết nối được tốt hơn".

Được biết, đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công khai một loạt giải pháp nhằm "hạn chế học sinh, sinh viên đi học nước ngoài". Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh đến chủ trương xây dựng các trường xuất sắc tại Việt Nam theo chuẩn quốc tế như các trường Đại học Việt Pháp, Việt Đức, Việt Nhật... để tạo môi trường quốc tế hóa giáo dục đại học Việt Nam trong đó chất lượng đầu ra sẽ tiệm cận với chuẩn đào tạo quốc tế.

Cụ thể như triển khai các chương trình chất lượng cao, nhập khẩu từ các nước phát triển: Chương trình tiên tiến, chương trình kỹ sư chất lượng cao, liên kết đào tạo quốc tế (các chương trình đào tạo được kiểm định bởi tổ chức quốc tế, văn bằng được quốc tế công nhận, chương trình, giáo trình nhập khẩu và giảng dạy bằng ngoại ngữ, có sự tham gia của các giáo sư nước ngoài, chương trường đào tạo được cấp song bằng)... Bộ cũng khuyến khích và hỗ trợ các trường đại học Việt Nam tham gia kiểm định quốc tế, tham gia các bảng xếp hạng quốc tế.

Ngoài ra, Bộ chú trọng các chính sách thu hút các sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam để tạo ra môi trường học tập quốc tế và tăng cường trao đổi sinh viên quốc tế hai chiều.

Đồng thời, Bộ đang thực hiện các giải pháp tăng cường năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ giảng viên để nâng cao năng lực hội nhập và công bố khoa học quốc tế, cũng như năng lực ngoại ngữ cho sinh viên phục vụ học tập và giúp hội nhập với thị trường lao động quốc tế.

Tác giả bài viết: Xuân Hương

Nguồn tin: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây