Viện Nghiên cứu Giáo dục quốc tế

https://iier.edu.vn


Nên công khai hồ sơ khoa học của các ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2017

“Giải pháp tốt nhất là công khai hồ sơ khoa học của các ứng viên GS và PGS năm 2017 trên trang Web của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước ít nhất 1 tháng để xã hội có ý kiến. Như vậy, xã hội sẽ biết ai là người làm việc thực chất, công khai, minh bạch”.

Đó là ý kiến của PGS.TS Phan Quang Thế, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên trước lùm xùm vụ rà soát giáo sư, phó giáo sư năm 2017 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Dân trí đã có cuộc trao đổi nhanh với PGS.TS Phan Quang Thế về việc rà soát giáo sư, phó giáo sư và biện pháp nào để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư.

"Tất cả đều có thể làm hộ"

Phóng viên: Thưa ông, việc rà soát giáo sư, phó giáo sư năm 2017 đang được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước rà soát và báo cáo phương án kết quả lên Thủ tướng và chờ Thủ tướng quyết định. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng việc rà soát này sẽ khó thay đổi kết quả vì những ứng viên GS,PGS đều đủ tiêu chuẩn và thực hiện đúng quy trình. Bên cạnh đó, việc rà soát lại được giao cho các hội đồng ngành, họ "vừa đá bóng vừa thổi còi" như vậy kết quả rà soát sẽ không khách quan. Ý kiến của ông thế nào?

PGS.TS Phan Quang Thế: Tất nhiên việc các hội đồng tự rà soát thì làm sao khách quan được, kết quả vẫn giữ nguyên là đương nhiên.

Điểm mấu chốt nhất ở đây là: Tôi muốn biết các Hội đồng đã rà soát kết quả chấm điểm công trình của các ứng viên dựa trên nguyên tắc nào? Làm thế nào để biết điểm chấm là đã chính xác và khách quan? Tôi tin rằng những ứng viên yếu kém lọt lưới được chính là ở khâu này.

Khi mà chuẩn thì có vẻ chặt vì dải điểm bao giờ cũng từ 0 nhưng đánh giá lại dựa trên cảm tính là chính. Nếu có ưu ái cá nhân thì cũng khó tìm được người công tâm để lôi ra, chưa kể lại vẫn người chấm cũ thì chắc chắn kết quả không có gì thay đổi.

Trong đợt rà soát này, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đặc biệt chú ý đến những ứng viên làm công tác quản lý nhà nước, không trực tiếp công tác giảng dạy tại các cơ sở đào tạo hay những người có đơn thư khiếu kiện. Được biết, những người làm quản lý nhà nước rất bận rộn nên không có thời gian nghiên cứu khoa học, tham gia giảng dạy. Nếu tham gia giảng dạy thì lấy thời gian đâu để quản lý nhà nước. Vậy làm thế nào để kiểm tra được giờ giảng của các ứng viên đang làm quản lý nhà nước?

Chúng ta đánh giá việc giảng dạy của ứng viên làm công tác quản lý là dựa trên xác nhận của cơ sở đào tạo và hợp đồng đào tạo. Tuy nhiên, họ dạy một vài tiết rồi người khác dạy hộ cũng chẳng có ai dám đứng ra phản ánh.

Cũng không có gì có thể chứng minh được giáo án là do họ tự soạn. Lịch trình cũng chẳng có ý nghĩa gì, đều là của nhà làm ra cả. Tất cả đều có thể làm hộ. Còn sách viết và bài báo khoa học thì lại càng dễ làm hộ. Án tại hồ sơ mà.

Tuy nhiên, có nhiều cách kiểm tra hồ sơ, kiểm tra giờ giảng của những người quản lý nhưng quan trọng Hội đồng rà soát có thực tâm bỏ thời gian để tìm đến ngọn nguồn của vấn đề hay không ví dụ như đối chiếu thời gian giảng dạy với thời gian công tác quản lý, xem có khớp nhau không, kiểm tra hóa đơn thanh toán giờ giảng…

Nên công khai hồ sơ của các ứng viên

Ngoại ngữ của ứng viên là một trong những điều đáng lo nhất. Tuy nhiên, họ đều đáp ứng chuẩn. Vậy, biện pháp nào để rà soát lại tiêu chuẩn ngoại ngữ của các ứng viên?

Điều này là đương nhiên, tôi biết có nhiều phó giáo sư trình độ ngoại ngữ rất kém, thậm chí khó giao tiếp nhưng họ vẫn lần lượt vượt qua các hội đồng Giáo sư từ cơ sở đến Nhà nước. Chẳng có gì khó cả - “vui vẻ” và “quan hệ” là xong.

Tôi nghĩ, để kiểm tra ngoại ngữ của các ứng viên tiêu chuẩn chức danh GS,PGS chỉ cần yêu cầu họ phải thi tiếng Anh theo chuẩn quốc tế Toefl, IELTS rồi căn cứ vào điểm họ đạt được mà đánh giá lại. Việc này cũng chỉ mất một hai tháng mà thôi. Tôi đảm bảo kết quả của khoảng 60-70% trong số họ sẽ không vượt nổi trình độ Beginer.

Các ứng viên đều phải kê khai bài báo, công trình nghiên cứu, nhưng việc rà soát chất lượng các bài báo, công trình nghiên cứu này là rất khó và có đúng thực chất người đó làm không thì theo ông biện pháp nào để rà soát đánh giá khách quan, minh bạch nhất?

Trong khoa học danh dự là cao nhất nhưng tôi biết có một số các nhà “khoa học” của chúng ta không còn “danh dự”. Những thứ họ có được phần nhiều là dựa dẫm hoặc sao chép lại.

Để đánh giá khách quan chất lượng của bài báo thì phải tìm được người vừa có năng lực và công tâm. Còn về công trình cũng vậy, Ứng dụng ở đâu trên sản phẩm nào hoặc công trình lý thuyết nào là rõ nhất.

Nhưng ai là người sẽ tìm ra được người công tâm để đánh giá đây? Người công tâm có tầm để đánh giá đã ít, người tìm ra và dám dùng họ còn ít hơn cả ngàn lần.

Giải pháp tốt nhất là công khai hồ sơ khoa học của các ứng viên GS và PGS năm 2017 trên trang Web của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước ít nhất 1 tháng để xã hội có ý kiến. Như vậy, xã hội sẽ biết ai là người làm việc thực chất, công khai, minh bạch.

Đừng làm mất thể diện của những GS,PGS chân chính

Theo ông, những người đang làm quản lý nhà nước thì có nên trao chứng nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư hay không?

Tôi cho rằng nếu nói không, thì bất công với những người thật sự có tầm và tâm với khoa học, tuy số này rất ít chỉ khoảng 5%. Nhưng nếu nói nên, thì quá nhiều lãnh đạo sẽ có được chức danh này nhờ cấp dưới hoặc các mối quan hệ “lợi ích” làm giúp.

Từ đó làm mất hết đi thể diện của những GS và PGS chân chính và sự gian dối của họ trong khoa học sẽ làm họ gian dối hơn trong lãnh đạo và quản lý.

Có nhiều ý kiến cho rằng, nên giao việc công nhận, bổ nhiệm chức danh GS,PGS về cho các trường đại học, ý kiến của ông thế nào?

Hầu hết các trường Đại học của chúng ta đều là tầm Việt Nam, chứ chưa nói đến khu vực. Nếu đưa về trường Đại học thì chỉ sau 3 năm giáo sư và phó giáo sư của nước ta sẽ đông nhất thế giới.

Chỉ cần hỏi, có bao nhiêu % giảng viên của Việt Nam có thể dạy được 1 học phần bằng tiếng Anh, theo giáo trình bằng tiếng Anh là thấy rõ. Có nổi 10% không?

Trên quy mô cả nước chắc chắn là không. Phần lớn các trường Đại học vẫn đang dạy những nội dung từ thế kỷ 20 mang về từ Đông Âu mà thôi. Nên điều này không thể được.

Vậy theo ông, Việt Nam cần xây dựng tiêu chuẩn phong tặng chức danh GS, PGS như thế nào để tương xứng với chuẩn mực quốc tế?

Tôi cho rằng để tương xứng với chuẩn mực quốc tế thì các ứng viên phó giáo sư và giáo sư ít nhất phải làm được 4 điều sau:

- Phải có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thật sự, trong đó chứng chỉ tiếng Anh là quan trọng nhất. Nhưng chứng chỉ đó phải đủ điều kiện để học tại một trường Cao đẳng ở Mỹ, Anh hoặc Australia. Sau đó, Giáo sư phải có năng lực giảng dạy trình độ đại học bằng tiếng Anh theo giáo trình tiếng Anh.

- Các công bố về bài báo trong nước cũng phải viết bằng tiếng Anh để thế giới có thể đánh giá thông qua việc họ có sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các công trình của họ hay không?

- Các công trình khoa học ứng dụng phải chỉ ra được nơi ứng dụng với minh chứng sản phẩm cụ thể chứ không phải chỉ là xác nhận. Đâu cũng xác nhận, nhưng không đâu dùng sản phẩm đang rất phổ biến.

- Sản phẩm khoa học mô hình phải nhìn thấy được bằng mắt (quay video) chứ không phải chỉ bằng kết luận trên giấy của các hội đồng đánh giá như hiện nay.

Xin trân trọng cám ơn ông!

(dantri)

Nguồn tin: Báo Dân trí

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây